Và phở Việt đã mau chóng 'hớp hồn' cộng đồng người Việt và dân bản địa bắt đầu từ những ngày tháng 5/1973. Tiến sĩ dân tộc học Nguyễn Tiến Hữu kể lại như vậy về lần đầu phở xuất hiện tại CHLB Đức ở thành phố Munich, trong quán ăn do chính gia đình ông lập nên, tại 'Liên hoan món ngon các nước' sáng 1/12.
Quán có tên Vietnam Restaurant tọa lạc tại quận Schwabing, đường Theresienstr.47, thành phố Munich, bang Bavaria, Tây Đức, bên cạnh một nhà hàng rất lớn của Trung Quốc có tên là Canton.
Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Tiến Hữu cầm trên tay tờ áp phích quảng cáo phở mà ông còn giữ từ năm 1973 đến nay. Ảnh: Anh Vân. |
Lúc ấy, hàng ngày, báo đài ở Đức khi nhắc đến Việt Nam chỉ có hai từ "chiến tranh", "chết chóc". Tiến sĩ Hữu và vợ mình quyết định mở một nhà hàng chuyên bán phở để giới thiệu cho người Đức về một nét văn hóa Việt Nam.
Có thực khách Đức đến ăn phở đều đặn đến nỗi nhân viên nhà hàng đặt gọi ông ta là Chris Phở (tên thật của người này là Chris Nebe). Ông Chris Phở nói với chủ nhà hàng: "Tôi cảm nhận được bát phở như là một người bạn".
Một nhóm các nhà kỹ thuật, kỹ sư cao cấp thuộc tập đoàn HOCH-TIEF chuyên xây dựng cao ốc và đường hầm Metro nổi tiếng của Đức cũng lấy quán phở Tiến Hữu làm điểm hẹn hàng ngày. Họ còn đặt một bài đồng dao mà trẻ con Đức những năm 1970 thường hát (giống như bài Nu na nu nống của Việt Nam):
"Ê nê ê mê mu
Ngon nhất là quán Tien Huu (Tiến Hữu)
Ê nê ê nê mo
Lúc đầu là cặp chả giò
Ê nê ê nê mo
Sau đó là cái bát phở"
Bài đồng dao sau này được một tờ báo uy tín của Nam Đức là tờ Suddeutsche Zeitung trích dẫn lại trong phần nhập đề của bài khen ngợi phở Việt ở Đức.
Nhà văn đương đại Đức Michael Ende, tác giả cuốn tiểu thuyết thiếu nhi nổi tiếng khắp thế giới Chuyện dài bất tận, cũng từng đến quán ăn của giáo sư Tiến Hữu. Khi ăn xong một bát phở, Michael Ende đã ghi cảm tưởng vào sổ lưu niệm của nhà hàng: "Trên thế gian này, mọi chuyện đều lặp đi lặp lại, chỉ có cái ta tưởng tượng ra là trẻ trung mãi mãi".
Từ bát phở từ bình dân đến bát phở mang thương hiệu sang trọng đều đã đi vào tâm hồn người Việt. Ảnh: Anh Vân. |
Những kỷ niệm đẹp về phở Việt của giáo sư Tiến Hữu, người từng sống và làm việc tại Đức hơn 40 năm, đã "hâm nóng" bầu không khí cuộc tọa đàm. Học giả Nguyễn Quảng Tuân nói vui, năm nay ông hơn 80 tuổi mà còn rất khỏe mạnh vì hay ăn quà sáng là phở. Ông cho biết, mình ăn phở từ tuổi đôi mươi đến nay.
"Chúng ta đã biết nhiều về cái ngon của phở. Nhưng còn nhiều thông tin xoay quanh món ăn này mà mọi người tìm hiểu: Phở xuất hiện từ khi nào? Chúng ta nghĩ gì về sự "biến tướng" tràn lan của phở hôm nay?", nhà thơ Nguyễn Lương Hiệu đưa ra những băn khoăn.
Cũng có mặt tại tọa đàm, anh Lê Phú Cường, nhân viên phát triển văn hóa nghệ thuật Châu Á - Australia tại thành phố Sydney, nhận xét, phở được người dân trên khắp thế giới thưởng thức, nhưng việc tiếp thị phở thật bài bản và chuyên nghiệp ra thị trường ẩm thực thế giới còn là một khoảng trống lớn.
Chàng trai Việt kiều này lấy một ví dụ nhỏ: sách ẩm thực viết về các món cà ri Ấn Độ, mỳ Italya, Sushi Nhật ... đã được các nước này nâng lên ấn bản nghệ thuật, không chỉ để mọi người đọc mà còn chiêm ngưỡng vẻ đẹp văn hóa. Còn ở Việt Nam, đến nay chỉ có những bài viết tản mạn, trên báo và chuyền đề trong những "hội thảo bỏ túi" về phở. Sách về ẩm thực Việt nói chung và về phở nói riêng còn nghèo nàn, xấu xí từ việc in ấn, bài viết chưa được đầu tư đúng mức.
Trước nhiều ý kiến bỏ ngỏ về sự giữ gìn, phát triển, quảng bá hình ảnh phở, tiến sĩ Nguyễn Nhã, đại diện Viện nghiên cứu ẩm thực Việt Nam xin khép lại tọa đàm và khất lại trong một dịp hội thảo quy mô hơn về món ăn độc đáo này.
Chàng thanh niên Việt kiều Australia Lê Phú Cường cho biết, anh đang theo đuổi dự án I Love Phở. Đây là chương trình "diễn dịch" phở bằng nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau: mỹ thuật, kịch nghệ, văn học, phim ảnh, hội thảo và lễ hội.... được trung tâm Casula Powerhouse ở thành phố Sydney ủng hộ phát triển. Bộ nghệ thuật của tiểu bang New South Wales và Liên bang Australia chấp nhận tài trợ cho chương trình.
Qua hình ảnh tô phở thơm ngon, bổ dưỡng và giàu ý nghĩa hội nhập, dự án I Love Phở nhắm đến việc tiếp thị hình ảnh Việt Nam ra thế giới một cách độc đáo, dễ tiếp cận. Hiện dự án mong muốn thu hút nhiều hơn sự quan tâm của nhiều học giả, nhà nghiên cứu, nhà làm phim, nhà báo ...
Trước mắt, Phú Cường cùng ê kíp làm việc của anh đang chuẩn bị tư liệu, hình ảnh về phở để mang món ăn này tham gia chương trình Lễ hội ẩm thực tại Melbourne vào tháng 2/2008. Dịp này, sẽ có một triển lãm các tác phẩm sắp đặt gợi cảm hứng từ phở, và một lớp dạy nấu phở cho người nước ngoài trong khuôn khổ lễ hội.
Anh Vân
Ý kiến của bạn?