Chị em phát sốt với rượu hoa quả tự chế
Gần đây, nhiều chị em đang “rộ mốt” tự ngâm rượu hoa quả bằng cách cắt nhỏ các loại trái cây, rải đường phèn rồi đem ngâm cùng rượu. Theo nhiều người chia sẻ, rượu ngâm sau một tháng có thể sử dụng với hương vị thơm nồng, ngọt, dễ uống.
Bình rượu hoa quả đẹp mắt của được nhiều chị em "bắt tay" làm.
Theo công thức của một mẹ chia sẻ, chị ngâm rượu hoa quả với các nguyên liệu như chanh, táo, cam, nho, dâu tây Đà Lạt, chuối, kiwi xanh, đường phèn và rượu nếp. Sau khi các loại hoa quả rửa sạch, gọt vỏ, cắt thành từng miếng sẽ được xếp lần lượt theo tỉ lệ một lớp hoa quả một lớp đường phèn. Lớp đường phèn còn lại sẽ đổ lên lớp trên cùng rồi đổ rượu vào, đậy kín để một tháng.
Nhiều người pha chế rượu với nước có gas, nước tăng lực và hoa quả tươi. (Ảnh: Internet)
Ngoài trào lưu ngâm rượu hoa quả, nhiều chị em còn tự chế pha chế rượu với các loại nước có gas, nước tăng lực và hoa quả tươi để dễ uống hơn.
Theo ý kiến của nhiều chị em, loại nước này có an toàn với sức khỏe, ngon, bổ, dễ uống và đặc biệt tốt cho da.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng loại thức uống này không tốt, đặc biệt ngâm nhiều loại hoa quả với nhau bởi quá trình lên men của mỗi loại quả khác nhau.
Rượu hoa quả tự chế: Cẩn trọng khi ngâm và sử dụng
Chia sẻ về vấn đề này, PGS. TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội cho biết, ngâm rượu hoa quả có 2 cách.
Cách 1 là hoa quả được ngâm trong rượu để các chất của hoa quả tan vào trong rượu. Tuy nhiên, cách ngâm này cần đáp ứng điều kiện rượu uống phải từ 30 độ trở lên mới có tác dụng, nếu rượu có nồng độ thấp hơn sẽ kéo theo nhiều nước gây thối hoa quả không tốt cho sức khỏe.
Cách 2 là lên men đường của các loại hoa quả rồi lấy men đó để chưng cất rượu có hương hoa quả đó. Với cách này sau khi lên men sẽ tạo nồng độ rượu chừng 2-3 độ và biết cách làm đúng, nồng độ rượu có thể lên 13-14, thậm chí là 20 độ.
PGS. TS Côn khẳng định cách ngâm nhiều hoa quả với rượu không ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, mọi người cần nghiên cứu kỹ những loại hoa quả với liều lượng trước khi ngâm.
“Các loại hoa quả rất ít thứ kị nhau nhưng mỗi loại hoa quả lại lên men khác nhau, mọi người cần nghiên cứu và ngâm những loại hoa quả cùng chủng loại với nhau. Với cam, quýt, bưởi có độ lên men giống nhau mọi người có thể để ngâm cùng để lên men tự nhiên tạo ra đồ uống có độ cồn nhẹ chỉ 2-3 độ. Lượng đường chưa phân hủy hết nên khi uống có vị ngọt.
Cách làm này thế giới đã làm hết rồi, hiện nay ở Việt Nam các chị em mới học được. Cách lên men khi ngâm hoa quả với rượu giống như muối dưa vậy nên sẽ không có vấn đề gì bởi rất ít hoa quả ăn được tác động với nhau tạo thành thứ độc hại, chỉ trừ vị thuốc thì khác”, PGS. TS Côn cho biết.
Mọi người cần ngâm cứu kỹ các loại quả trước khi ngâm rượu. Không nên pha chế rượu với các nước uống có ga, nước hoa quả công nghiệm có phẩm màu hóa học và hoa quả tươi. (Ảnh: Internet)
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Văn Lân, Viện Y Dược học Cổ truyền Quân đội, việc ngâm hoa quả với rượu không có ảnh hưởng gì. Tuy nhiên nếu mọi người pha rượu với các loại nước uống có ga, nước hoa quả công nghiệp có phẩm màu hóa học và hoa quả tươi có thể tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, gây bệnh cho cơ thể.
“Theo tôi, mọi người thiếu loại vi lượng, vitamin nào có thể ngâm rượu với những loại quả đó. Rượu hoa quả giống như rượu nho hay rượu táo, tuy nhiên khi ngâm nhiều loại cần phải xem những loại quả nào xung khắc với nhau.
Với những loại quả không xung khắc đều có thể ngâm được. Nếu mọi người không uống được rượu cũng có thể ngâm dạng siro với đường. Người bị tiểu đường có thể ngâm với lượng đường thấp còn người bị gan nhiễm mỡ không nên uống rượu ngâm bởi rượu giống như sứ giả dẫn mỡ vào gan”, bác sĩ Lân cảnh báo.
Chia sẻ thêm, bác sĩ Lân cho biết, việc pha chế rượu với các nước uống có ga, nước hoa quả công nghiệp có phẩm màu hóa học và hoa quả tươi là không nên bởi trong thức uống này có quá nhiều đường, hơn nữa có chất bảo quản có thể tiềm ẩn nguy hiểm với sức khỏe. Chị em nên cẩn trọng khi uống những loại rượu này, đặc biệt phụ nữ có thai cần tránh xa bia rượu.