Sau khi MasterChef mùa 2 kết thúc, việc Thu Thủy chỉ dừng chân ở top 3 khiến rất nhiều khán giả tiếc nuối bởi nếu không vì chủ quan, có lẽ chị sẽ còn tiến xa hơn nữa.
Là một giám đốc công ty xây dựng hạ tầng, chuyên thi công cầu đường, làm cảng và nạo vét luồng lạch, một nghề mà ít thấy bóng dáng phụ nữ, một công việc vốn dĩ khô khan, gai góc nhưng người ta vẫn nhận ra ở chị Thu Thủy MasterChef sự nữ tính, đôi chút lãng mạn trong mỗi lời nói, ngôn từ. Với chị, ẩm thực chính là thứ mà chị muốn chạm tới, một khát khao sâu thẳm trong tâm hồn. Ẩm thực có thể giúp chị thỏa sức sáng tạo, thỏa sức bay bổng và cháy hết mình cùng đam mê.
Nấu ăn từ khi lên 8 tuổi
Chị được sinh ra ở Đà Nẵng, đến 5 tuổi gia đình chị chuyển vào sống ở Kiên Giang. Có lẽ, chính tuổi thơ và khoảng thời gian chị lớn lên ở mảnh đất miền Tây sông nước đã tạo nên tính cách, con người và những dấu ấn ẩm thực của chị. Những món ăn Miền Tây ấy chị từng chia sẻ nó đã ngấm vào máu thịt của chị bởi quá đỗi thân quen. Từng món bánh dân dã như bánh bò, da lợn, bánh chuối, hay bún cá… đều quẩn quanh theo suốt chiều dài tuổi thơ của chị. Chính những món ăn dân dã được sản sinh bởi những con người hồn hậu, phóng khoáng, chất phác đã nuôi dưỡng cho chị tình yêu lớn với ẩm thực. “Tôi thích món bún cá Kiên Giang, thích những món bánh dân dã như bánh da lợn, bánh bò, bánh chuối... Và trên hết tôi yêu quý những con người hồn hậu ở đó, thích những món ăn đầy cảm xúc của vùng quê tôi đã lớn lên..”, chị Thủy nói.
Những món ăn dân dã được sản sinh bởi những con người hồn hậu, phóng khoáng, chất phác miền Tây đã nuôi dưỡng cho chị tình yêu lớn với ẩm thực
Là một người chị cả trong gia đình nên chị bắt đầu làm quen với công việc bếp núc từ thủa còn rất nhỏ. Lên 8 tuổi, ba mẹ bận bịu công việc buôn bán nuôi nấng các con nên chị đã biết dậy sớm đi chợ, nấu ăn cho cả gia đình mà không phải đứa trẻ ở độ tuổi “Ăn chưa no, lo chưa tới” nào cũng làm được. Chị chia sẻ, “lớn lên một chút tôi hay đi phụ giúp đám tiệc trong vùng nên bắt đầu để ý làm theo các bà thợ nấu, từ cách làm bánh, đổ rau câu cho đến các món gà tiềm, món lẩu. Tôi khá khéo tay nên các bà hay nhờ và chỉ cho tôi các bí quyết. Ngày đó nghèo khó, chỉ có đám tiệc mới có dịp nấu các món ngon và có lẽ đam mê nấu nướng của tôi bắt nguồn từ đó”.
Hơn thế, mẹ chị vốn là người Huế cho nên những món ăn Huế hay của người miền Trung chị học hỏi được rất nhiều.
Sau này, khi 30 tuổi, chị vào Sài Gòn sinh sống và lập nghiệp, trở thành giám đốc xây dựng công trình giao thông. Tính chất nghề nghiệp đã tạo điều kiện cho chị đi rất nhiều nơi, ăn nhiều món rồi từ đó, hỏi thăm cách làm các món ngon của các vùng miền. Khi về nhà, chị lại mày mò làm thử, biến tấu sao cho ngon và hợp với khẩu vị của gia đình. Vì thế mà khán giả luôn ngạc nhiên về sự hiểu biết của chị về ẩm thực trong cuộc thi MasterChef.
Không chỉ vậy, để giúp con gái làm được những chiếc bánh Âu ngon, chị đã cùng con gái học các công thức làm bánh trên mạng, các chương trình dạy nâu ăn của người nước ngoài. Với chị, con lại chính là người truyền cảm ứng cho chị về bánh và các món Âu.
Từng giả làm tạp vụ để học nấu ăn
Có một điều bất ngờ mà ít khán giả biết, chị Thu Thủy chính là bạn rất thân của Thái Hòa, top 3 MasterChef Việt Nam mùa đầu tiên. Chính Thái Hòa đã động viên, khuyên chị nên thử sức cùng Vua đầu bếp.
Thu Thủy trong căn bếp MasterChef Việt Nam
“Tôi tham gia cuộc thi Vua đầu bếp cũng khá tình cờ. Tôi chơi thân với Thái Hoà top 3 mùa 1, cô ấy nói tôi nên đi thi để trải nghiệm. Tôi thấy cũng hay và thu xếp thời gian để đi thi”.
Tuy nhiên, việc đi thi của chị không chỉ nhằm mục đích giúp thử sức mình với một lĩnh vực chị đam mê, mà còn để làm từ thiện. “Tôi muốn giúp những bữa ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo và tôi muốn đoạt giải để lấy tiền thưởng cho mục đích đó”.
Chị Thủy chia sẻ, mình từng giả làm tạp vụ để học nấu ăn
Tuy biết nhiều món ăn nhưng bản thân chị Thu Thủy MasterChef hiểu, những kiến thức mình học được bằng những trải nghiệm cuộc sống giống như muối bỏ bể khi tham gia một cuộc thi lớn. Chính vì vậy, chị bắt đầu tìm hiểu và học hỏi. “Tôi đã cải trang xin vào làm tạp vụ trong một nhà hàng lớn để biết áp lực trong bếp như thế nào? Có ai tưởng tượng được 3 rưỡi chiều, tôi lái ô tô ra trung tâm gửi, rồi bắt xe ôm tới chỗ làm. 4 giờ chiều vào ca và đứng đến 10 giờ đêm mới xong việc. Chính ở trong gian bếp đó, tôi học được rất nhiều kiến thức kể cả rèn luyện thể lực mà không bất cứ gian bếp gia đình nào có được. Đây là chuyện bây giờ mới kể, nhưng tôi muốn các bạn biết rằng khi đã có ước mơ, khi đã có mục đích, đừng ngại bất cứ gian khổ nào để đạt được ước mơ đó. Hãy lao vào và trải nghiệm. Bạn chắc chắn sẽ đạt được điều bạn muốn”.
“Món ăn của tôi đẹp và sâu lắng”
Tự nhận mình sống nội tâm, đa cảm dù trong công việc chị luôn tỏ ra mạnh mẽ, đôi lúc lạnh lùng nhưng hơn hết, chị luôn thích hướng tới cái đẹp. “Có lẽ điều đó cũng ảnh hưởng tới cách nấu và cách trình bày trong các món ăn của tôi. Đẹp và sâu lắng”, chị nói.
Chị còn chia sẻ, “Theo tôi, một món ăn chỉ thật sự ngon khi vị ngon và trình bày đẹp. Màu sắc hài hoà, giống như một tín đồ thời trang, bạn phải hài hoà từ bộ đồ, cái túi, đôi giày, đến kiểu tóc mới gọi là đẹp”.
Các món ăn được chị Thủy trình bài và trang trí rất đẹp trong cuộc thi MasterChef Việt mùa 2
Vì thế, chị chăm chút cho từng món ăn dù đó chỉ là nấu cho bản thân, hay con cái trong gia đình. Con gái chị dù du học ở Mỹ nhưng vẫn luôn nhớ tới từng món ăn chị nấu. Con gái luôn khen chị, dù đi ăn nhiều nơi mà “không có chổ nào có món ngon và trình bày đẹp như mẹ”.
Con gái luôn khen ngợi món ăn chị nấu đều ngon và đẹp
Với chị Thủy, bữa ăn rất quan trọng, ăn không chỉ để no mà “ăn sao cho ngon và đủ dinh dưỡng, không làm tăng cân là điều phải tính tới”.
Khi được hỏi về thước đo một người nội trợ tài năng, chị cho rằng hiện tại, với xã hội ngày nay, ai cũng bận bịu công việc, về nhà, vào bếp nấu một bữa ăn ngon là cả một sự cố gắng nên sẽ không có một thước đo nào cả. Tuy nhiên, chị cũng chia sẻ, “dù ở vị trí nào trong xã hội cũng phải giữ lửa gian bếp của mình, vào bếp với tất cả đam mê nấu nướng và tình yêu thương thì đó mới là một người nội trợ tài năng thực sự”.
Chẳng thế mà ẩm thực đã có ảnh hưởng rất sâu sắc tới cuộc sống chị, vừa giúp chị thỏa mãn đam mê, sáng tạo không giới hạn, chăm sóc gia đình và cũng là cầu nối giữa chị với bạn bè, thậm chí là cả đối tác trong sự nghiệp. “Nó cân bằng giữa con người của công việc và con người của gia đình trong tôi. Tôi cũng hay mời bạn bè và đối tác về nhà tôi dùng bữa, có một đối tác Hàn Quốc đã nói với tôi rằng: "Tôi qua đây làm việc 10 năm rồi nhưng chưa bao giờ có người Việt Nam nào mời tôi về nhà ăn một bữa cơm ấm cúng và ngon lành thế này, tôi rất cảm động." Khi lấy lòng được đối tác qua những bữa ăn ngon tự tay mình nấu thì tôi nghĩ tôi đã thành công trong việc thiết lập mối quan hệ”.
Ẩm thực đã có ảnh hưởng rất sâu sắc tới cuộc sống chị
Ngoài ra, chị cũng cho biết thêm, hiện tại chị đang viết một cuốn sách "Hành trình cùng với món Việt", đó là một cuốn sách chụp các cảnh đẹp của Việt Nam và món ăn của các vùng miền, kèm công thức và cách nấu. Chắc chắn đây sẽ là cuốn sách hữu ích cho những ai yêu và đam mê ẩm thực Việt như chị.
Dù không chiến thắng trong cuộc thi MasterChef Việt Nam, không nhận được tiền thưởng như mong muốn ban đầu nhưng dự định làm từ thiện vẫn không hề thay đổi trong chị. “Trong tháng tới tôi sẽ bắt tay vô nấu bữa cơm miễn phí đầu tiên, cá nhân tôi mỗi tháng sẽ nấu và phát 300 suất ăn, anh chị em cũng góp thêm được 300 suất nữa. Tôi sẽ chia ra nấu 2 ngày trong tháng. Sau đó chúng tôi sẽ xin quyên góp thêm và có được bao nhiêu chúng tôi làm bấy nhiêu. Mơ ước của tôi là mỗi ngày phát được 300 suất ăn cho bệnh nhân nghèo. Tôi sẽ nỗ lực và tôi tin tôi cùng các bạn trong nhóm sẽ làm được” - chị Thu Thủy MasterChef nói.