Theo cuốn Trà kinh, viết năm 780, uống trà bắt đầu từ thời Thần Nông, truyền sang Chu Công nước Lỗ. Như vậy loài người biết uống trà vào khoảng năm 3.300-3.100 trước Công nguyên. Qua các thời đại Trung Quốc, tục uống trà và tác dụng của cây trà ngày được nâng cao và khai thác triệt để. Cách uống trà cũng theo những con đường buôn bán tơ lụa, đồ gốm và qua sự giao lưu của các thương gia toả ra khắp thế giới.
Thời nhà Đường (618-907) cùng với thi ca và các loại văn hoá khác, văn hoá trà Trung Hoa đạt tới đỉnh cao rực rỡ. Nghệ thuật thưởng trà được coi là một trong những sinh hoạt "quốc hồn, quốc tuý" của dân tộc. Vào khoảng thế kỷ thứ VIII, một người là Lục Vũ viết cuốn Trà kinh và Lư Đồng soạn ra Trà ca nhằm ca ngợi và hướng dẫn cách dùng trà. Trong đó, những luận bàn phát minh về trà lễ có thể coi là chuẩn mực thưởng trà đầu tiên của loài người.
Tương truyền các loại trà quý hiếm cực kỳ thơm ngon như Trảm mã trà, Bạch mao hầu trà, Trùng điệp trà... mà người thường khó có điều kiện thưởng thức cũng sinh ra từ thời này. Trảm mã trà là loại trà mọc hoang lưu niên trên núi cao Vu Sơn tỉnh Tứ Xuyên. Sơn dân ở đây dùng các con ngựa núi từ nhỏ đã được luyện uống nước trà thành nghiện để thu trà. Buổi sáng các con ngựa còn đói được lùa lên ăn lá trà và uống nước suối ở đỉnh núi. Chiều đã no căng bụng, chúng kéo nhau xuống và bị bắt mổ bụng để moi trà. Rồi trà được đem sấy khô, ủ kín. Bạch mao hầu trà là loại trà ở núi Vũ Di tỉnh Phúc Kiến được hái nhờ những con khỉ trắng do người nuôi dạy. Trùng điệp trà là phân của các con sâu trà ở núi Ly Sơn, tỉnh Thiểm Tây sau khi ăn lá trà thải ra được thu về sao tẩm lại...
Cuối thế kỷ 11 đầu thế kỷ 12, cùng với thiền, trà ở Trung Hoa tràn sang Nhật. Người Nhật tiếp thu cả hai thứ văn hoá vật chất và tôn giáo này, đem nó hoà quyện với văn hoá bản địa và nâng lên thành triết lý riêng của dân tộc là Trà đạo.
Trà đạo bao gồm những nghi lễ thiêng liêng thấm đượm chất tâm linh tôn giáo, khiến cuộc thưởng trà trở thành một cuộc lễ. Bất cứ một thiền thất nào của môn phái Trà đạo đều có những trà thất. Tuy được xây dựng hết sức giản dị, tự nhiên nhưng được coi là nơi thiêng liêng nhất. Đó là những gian nhỏ được ghép bằng tre, gỗ, lợp tranh rất nguyên sơ. Trong nhà bài trí một vài bức thư pháp cổ, hoặc tranh thuỷ mạc. Một bếp đun nước, một lò hương thơm, một lọ hoa cắm chỉ một bông như mọc lên từ kẽ đá. Ngồi trong căn phòng lặng im nghe tiếng nước sôi nhè nhẹ như tiếng gió. Người ta cảm thấy như ngồi giữa một thảo am nơi sơn dã, chỉ có mây trắng và tiếng nhạc thiên nhiên làm bạn, lòng cảm thấy thanh thoát. Con người như vượt lên trên những giới hạn tương đối và một thoáng nhìn vào vĩnh cửu. Ấm trà được sắp lên toả hương thơm thanh cao, tinh khiết. Uống chén thứ nhất thấy lòng tĩnh lặng, tâm không còn dao động, tự soi được vào cõi tâm mình. Nhà thiền gọi đó là trạng thái vấn tuệ. Uống xong chén thứ hai thấy nơi ấn đường ấm nóng, tư duy thiền sắp được khai thông. Uống xong chén thứ ba cả hai trạng thái trên đều biến mất. Thân xác như hoà vào trời đất. Đấy là đạt tới thiền và là Trà đạo.
(Theo Ăn Uống)