Tuy vậy me chua được ưu ái hơn bởi nó được lấy làm gia vị trong các món canh chua, cua rang, còng rang, làm nước chấm để chấm cá chiên, kho cá linh, cá mè, làm kẹo me, nước đá me và làm mứt me...
Lá me bánh tẻ góp mặt ở đĩa rau sống vị chua trong bữa nhậu, trong món bánh xèo. Lá đó cũng như trái sống nấu canh chua thì tuyệt hảo. Lá thì cứ việc cho thẳng vào nồi canh chua còn trái sống khi nấu chín vớt ra lọc lấy nước chua. Trước đây canh chua me các loại thủy, hải sản hấp dẫn như canh chua cá lóc, cá trê, canh chua lươn, canh chua tôm, canh chua viên cá linh xay, cá linh nguyên con... nay đầu bếp chuyển sang những nồi canh chua thịt gà, thịt vịt lạ miệng gây hứng thú mới. Cái vị chua thanh của me từ lâu còn hiện diện các tô canh chua chay và nhiều món chay khác.
Me chua quý nhưng có mùa vì vậy người ta phải lo muối me để có me xài quanh năm. Muối me: trái chín, bỏ vỏ chỉ lấy thịt trái đặc sệt nâu sậm, chua thơm cho muối vào giữ chống hư mốc. Ở miền nam, nhất là trên những vùng đất cây me có từ lâu đời, trái nhiều người ta làm me muối từ lâu. Me muối đã là một mặt hàng đóng bịch cần xé bán trong các chợ thị thành khắp trong nam ngoài bắc.
Me không chỉ là một thứ gia vị trong đồ ăn như nói trên mà còn là một loại thức uống: nước đá me hấp dẫn trên vùng khí hậu nắng nóng.
Trong vòng chục năm nay tại vùng đất cây me góp nên sự nổi tiếng mầu xanh phố phường thị xã Trà Vinh, có loại nước uống đặc sản nước đá me Trà Vinh.
Khâu quan trọng để làm nước đá me đặc sản Trà Vinh là sên nhân hạt me. Thông thường người ta lấy thịt trái me chín (làm me muối) để cả hạt me. Hạt me chín đen được bóc vỏ rồi đem rang cho chín vàng. Nhân hạt được bỏ vào nồi hầm thật kỹ, hầm khoảng 6 giờ, 7 giờ cho hạt mềm nhưng không rữa không nát. Được nhân hạt hầm, bỏ vào nồi nước thịt trái me vừa đun, vừa đánh liên tục gọi là sên. Khi nước me chua keo sánh ôm lấy nhân hạt là việc sên hoàn tất.
Tới đây việc pha chế như làm đá me thường. Nước đường kính đủ ngọt, hạt me sên, đậu phộng rang và đá đập hoặc đá bào.
(Theo Văn Hóa Nghệ Thuật Ăn Uống)