Để giữ chất lượng ổn định cho những lá trầu Bà Điểm nức tiếng gần xa, người Bà Điểm - Hóc Môn có một kỹ thuật chăm sóc trầu rất thận trọng. Ông Nguyễn Văn Phấn, 78 tuổi có trên 50 năm trồng trầu ở ấp Nam Lân cho biết: "Nọc trầu phải chọn thẳng chắc như: cây sú, sầm, sim, dâu đất, không dùng phân hóa học để bón trầu vì trầu cho lá nhiều nhưng mất vị thơm ngon. Người dân Bà Điểm phải sử dụng phân trâu, bò ủ với lá lồng mức, chàng đồng để bón cho trầu, tưới nước bánh dầu ngâm, dùng lá nhãn lồng với ưu điểm khô không rụng để che nắng cho trầu, hái trầu phải lúc sáng sớm". Nhờ vậy mà suốt mấy trăm năm nay trầu Bà Điểm Hóc Môn vẫn giữ được hương vị đặc biệt. Ngoài nguồn lợi kinh tế, cây trầu còn được xem là loại cây cảnh tao nhã mang nét đẹp truyền thống nên nhà nào cũng trồng trầu. Ông Phấn nói: "Trồng trầu còn để cho đẹp, cho vui, vì trồng trầu là truyền thống là niềm tự hào của người dân Bà Điểm, thời chống giặc những vườn trầu xanh đã che chở cán bộ cách mạng". Có đến tận Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP HCM, ngắm những khóm trầu xanh mượt thẳng tắp và nghe những câu chuyện của người trồng trầu, mới thấy giá trị của cây trầu về nguồn lợi kinh tế. Chị Nguyễn Thị Cẩm Vân ở ấp Nam Lân cho biết: "Trồng trầu có lợi thế đó là cứ 10 ngày hái một lần nên thuận lợi trong việc chi tiêu trong gia đình, giá trầu vàng hiện nay từ 25.000-30.000 đồng/kg, trầu cho thu nhập cao hơn một số cây trồng khác". Ông Phạm Văn Ba, Phó Chủ tịch xã Bà Điểm cho biết: "Những năm gần đây do sức ép đô thị hoá, nhà cửa đua nhau mọc lên ở Bà Điểm nên diện tích trồng trầu nhanh chóng bị thu hẹp, hiện nay toàn xã chỉ còn trên 30 ha trầu. Để bảo tồn và phát huy cây trầu truyền thống nơi này, thành phố đã có dự án xây dựng "Khu du lịch văn hóa Vườn trầu". SGGP, 4/3. |
Có thể bạn quan tâm: