Muốn có được một chiếc bánh chưng ngon dẻo, có màu xanh đẹp mắt thì bạn phải chuẩn bị từ khâu lá dong cho đến các nguyên liệu và một chút "kỹ xảo" đơn giản.
Lá dong
Chọn lá dong bánh tẻ (tức là lá chưa già nhưng cũng không quá non). Lá bánh tẻ thường mềm dẻo hơn các loại lá khác. Chọn lá to đều nhau, không bị rách, nát. Lá bóng và có màu xanh đậm, cuống nhỏ. Trước khi gói, cần đem cọ rửa sạch lá dong, rồi chần qua nồi nước sôi thì lá dong sẽ càng dẻo, không bị giòn khi gói rồi để ráo nước.
Nguyên liệu làm bánh
- Gạo nếp: Chọn loại gạo nếp ngon, hạt bóng, chắc mẩy và đều nhau. Gạo cần ngâm khoảng 10-12 tiếng trước khi gói rồi vo sạch, để ráo nước và xóc với chút muối để bánh chưng thêm đậm đà.
Gạo cần ngâm khoảng 10-12 tiếng trước khi gói rồi vo sạch, để ráo nước và xóc với chút muối để bánh chưng thêm đậm đà
- Đỗ xanh: Nếu bạn chọn loại đỗ đã tách vỏ thì nên chọn loại đỗ mà lòng của nó màu xanh, không nên chọn loại có lòng màu trắng vì đó là đậu đã để lâu dễ gây sượng. Còn nếu chọn mua loại đỗ còn nguyên vỏ thì lựa loại đều hạt, mẩy, không mốc, mọt. Để gói bánh chưng người ta vẫn thường mua loại đỗ nguyên vỏ về ngâm rồi lọc bỏ vỏ sẽ thơm và ngon hơn loại đã tách vỏ sẵn.
- Thịt: Thịt làm cho món bánh chưng thêm thơm ngon, béo ngậy, cân bằng với phần gạo nếp bên ngoài. Vì thế, để gói bánh chưng nên chọn loại thịt ba chỉ, không nên chọn thịt nguyên nạc. Bánh chín, phần mỡ của thịt ba chỉ gần như tan vào bánh, còn phần nạc rất mềm và thơm khiến bánh ngon, dẻo vô cùng.
- Thái thịt để làm bánh chưng cần thái miếng to đều, không thái miếng nhỏ. Không ướp thịt với nước mắm sẽ khiến bánh chưng không để được lâu.
- Hạt tiêu: Để nhân bánh chưng luôn được thơm ngon và có vị cay cay của hạt tiêu, nên chọn tiêu nguyên hạt mới, rồi về xay. Còn nếu chọn loại xay sẵn cần mua ở địa chỉ uy tín, nếu không mua phải loại tiêu xay để lâu ngày, bị hả hết mùi sẽ không thơm.
Để bánh chưng có xanh đẹp mắt
Có hai cách để cho bánh chưng có màu xanh đẹp mắt. Nếu muốn gạo nếp được xanh và thơm hơn, bạn có thể dùng lá nếp xay nhỏ lấy nước cốt màu xanh để ngâm gạo nếp. Gạo nếp được ngâm nước lá nếp sẽ trở nên thơm và xanh, nhìn rất hấp dẫn.
Ngoài ra, bạn còn có thể dùng lá riềng giã nhỏ lấy nước trộn với nếp ngay trước khi gói bánh, như vậy bánh sẽ có một màu xanh suốt từ vỏ đến nhân và lại có một mùi thơm rất đặc biệt nữa.
Bạn có thể dùng lá riềng giã nhỏ lấy nước trộn với nếp ngay trước khi gói bánh, như vậy bánh sẽ có màu xanh và lại có một mùi thơm rất đặc biệt (Ảnh: Internet)
Lưu ý khi luộc bánh
Khi nấu bánh, dùng lá thừa chèn dưới đáy nồi và xung quanh mặt trong của nồi để bánh không bị cháy, ngoài ra số lá này cũng làm nước nấu bánh xanh hơn. Khi nấu được nửa thời gian thì phải vớt bánh ra rửa qua nước lạnh, thay nước toàn bộ nồi bánh rồi nấu tiếp, bánh sẽ xanh, rền và ngon hơn.
Sau khi vớt bánh, dùng khăn nhúng nước lã rửa sạch bên ngoài bánh. Tìm chỗ thoáng mát trong nhà, xếp bánh ra rồi đặt 1 tấm ván lên trên. Tiếp đó cho thêm chậu nước hoặc vật nặng đè lên trên tấm ván để bánh được săn, chắc. Khi bánh nguội hoàn toàn là có thể cắt bánh đem thắp hương trên mâm cỗ ngày Tết rồi. Còn bánh tét (một số nơi còn gọi là bánh tày) thì khi vớt ra, cũng rửa qua nước lạnh rồi dùng tay lăn tròn cho đều bánh.