Me, từ lâu đã trở thành một trong những món ăn chơi phổ biến. Me sống còn non hột, cạo sạch vỏ chấm mắm đường. Để lâu hơn một chút, trái lớn, hạt to dày cơm thì hái xuống, tách hột làm mứt. Nhưng cũng với trái me sống đó, nếu để chừng 3 - 5 ngày, nó thành dốt, thứ me vừa chín tới bột bột pha lẫn vị chua và ngọt. Khi đã chín hẳn, phần cơm ngả màu nâu, vị chua hay ngọt, tùy theo cây.
Cách đây chừng 10 năm, me ngọt ăn có mùa, thường tháng Giêng mới bắt đầu có. Nhưng bây giờ những trái me Thái Lan, theo chân các nhà buôn có suốt từ tháng 2 đến tháng 6. Trái me Thái ngắn ngủn, khô khô từng múi me nở to nhưng ruột thì không đầy đặn. Nhiều người ăn cứ tiếc và so sánh: me Thái ưu và nhược điểm cũng ở chỗ ngọt đậm đà. Vì bởi ăn me là phải chua chua, ngọt ngọt mới thích.
Dù bây giờ đã có bột sấy khô, viên xúp nhưng vị đặc trưng của trái me nguyên không thể thay đổi được trong nồi canh chua - một trong những món đặc trưng của người miền Nam.
Nồi canh chua cá lóc đi với me xanh, canh chua tép bạc nấu rau muống thì me chín. Tất cả dầm lấy nước cốt nhưng không được để phần vỏ hay cơm của trái me làm đục nồi canh. Nấu nồi canh chua ngon dở cũng một phần là ở đó. Mùa nước nổi nhiều nhà chọn nồi canh chua lá me non nấu cá rô đồng hay cá linh thì không còn gì bằng. Lá me non, bóp nhẹ để rút lấy cành và làm cho giập lá để khi nấu vị chua thanh của nó hoà chung với nước.
Mắm me cũng là một trong những món đặc sản của người Nam bộ. Từ bò bóp thấu chung với khế chua, chuối chát hay khô cá khoai đều phải có mắm me đi cùng.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)