Chế biến đơn giản, hương vị thơm ngon
Dưới tiết trời nắng nóng 38-40 độ C, người dân Hà Nội đua nhau tìm mua loại hạt gần giống hạt hoa hòe để chế biến thành món thạch đường ăn giải nhiệt. Chị Tuyết Mai (Dương Quảng Hàm- Cầu Giấy) kể, 1 lần tới nhà khách hàng ký hợp đồng, chị được mời ăn 1 chén thạch do tự tay khách hàng nấu. Đưa thạch vào miệng, chị Mai cảm nhận được vị ngọt dịu và thanh mát. Sau đó, chị đã không ngần ngại hỏi họ về nguyên liệu chế biến món thạch này.
Theo lời khách hàng giới thiệu, món thạch được làm từ 1 loại hạt rừng lạ trên vùng cao. Cách chế biến rất đơn giản, vò hạt rừng với nước đường và để trong ngăn lạnh 3h đồng hồ là có 1 tô thạch đường thanh, trong. Đặc biệt, loại hạt rừng lạ rất khó tìm mua tại Thủ đô Hà Nội.
Dưới tiết trời nắng nóng 38-40 độ C, người dân Hà Nội đua nhau tìm mua loại hạt gần giống hạt hoa hòe để chế biến thành món thạch đường ăn giải nhiệt
Nhờ vị khách chỉ dẫn, chị Mai đã tìm tới địa chỉ bán hạt rừng lạ và mua với giá 500-600 nghìn đồng/kg. “Hạt rừng lạ này khác với những loại bột nấu thạch được bày bán trên thị trường. Khi vò nát, nó có hương vị rất khác lạ và nấu với đường tạo ra mùi thơm dịu, thanh thanh. Lần đầu nếm món thạch mình làm, cả nhà ai cũng khen ngon và thích thú. Từ đó, mình thường xuyên xuống bếp trổ tài chế biến thạch rừng cho gia đình”, chị Mai tâm sự.
Khác với chị Tuyết Mai, bạn Hoàng Khánh (SV Khoa Luật- ĐHQG Hà Nội) đã được ăn món thạch này suốt 3 năm nay nhưng không hề biết rõ tên gọi. Khánh cho hay: “Mình ở ký túc cùng 1 bạn quê ở Cao Bằng. Hè đến, mình và các bạn trong phòng lại có cơ hội thưởng thức món thạch đường Trùng Khánh. Mình có hỏi nhỏ bạn về loại hạt chế biến ra thạch nhưng bạn ấy không trả lời. Thấy ngon và không ảnh hưởng tới sức khỏe, chúng mình cứ ăn khi được mời, chẳng bận tâm tới tên gọi của nó nữa”.
Hạt rừng “mác pup” rất phổ biến ở Trùng Khánh
Trước những thông tin về sự hấp dẫn của món thạch rừng lạ, chúng tôi đã có cuộc tìm hiểu rõ về nguồn gốc xuất xứ và tác dụng của nó. Theo đó, loại hạt rừng được dân Thủ đô săn lùng xuất xứ từ vùng đất Trùng Khánh (Cao Bằng).
Chị Nông Thị Nhi (thị trấn Trùng Khánh) cho biết: “Ở Trùng Khánh, hạt rừng lạ được sử dụng nấu thạch vào mùa hè. Nó là hạt của một giống quả to hơn trái sung dưới xuôi. Mùa thu hoạch lấy hạt từ tháng 5-7 âm lịch. Qủa sau khi hái đem về phơi khô, tách ra lấy hạt và bảo quản được 1 thời gian dài. Người trên bản trồng giống cây này họ gọi đó là hạt mác pup”.
Loại hạt rừng lạ được người dân Thủ đô săn lùng xuất xứ từ vùng đất Trùng Khánh (Cao Bằng)
Chị Nhi cho biết thêm, năm nào gia đình chị cũng vào bản mua hạt này về nấu thạch để bán. Từ hạt mác pup, mẹ chị Nhi có thể tự tay chế biến được các loại thạch như: thạch đường, thạch hoa quả,…Phương pháp chế biến rất đơn giản, mẹ chị vò hạt bằng 1 miếng vải xô và hòa với nước sôi để nguội. Sau 2 tiếng để lạnh, món thạch thơm ngon hấp dẫn có thể đem bán.
“Dân phượt dừng chân ở Cao Bằng hay ghé vào cửa hàng của gia đình mình thưởng thức món thạch đường. Nhiều người thấy ngon đã nhờ mẹ mình mua giúp mang về làm quà. Tuy nhiên, hạt mác pup rất hiếm và có giá. Thông thường, họ bán hạt mác pup với giá buôn từ 200-250 nghìn đồng/kg, còn bán cho khách du lịch từ 300-400 nghìn đồng/kg”, chị Nhi chỉ rõ giá của hạt mác pup.