EasyShare C513 - chiếc máy ảnh đầu tiên sử dụng cảm biến CMOS. Ảnh: Dpreview. |
Kodak đã gây xôn xao thị trường máy ảnh thế giới tuần qua khi tung ra chiếc máy ảnh đầu tiên sử dụng công nghệ cảm biến CMOS, EasyShare C513, với giá bán chưa tới 100 USD. Theo hãng máy ảnh lớn nhất thế giới này thì cảm biến CMOS có khả năng mang lại cho bức ảnh màu sắc tuyệt hảo, dải động rộng và lượng nhiễu thấp. Tuy nhiên, độ nhạy sáng của chiếc máy ảnh mới này chỉ dừng lại ở mức ISO 160, có thể nâng lên mức tối đa là 200 khi chụp ở chế độ Digital IS. Những điểm đáng chú ý khác ở C513 là độ phân giải 5 Megapixel, dải tiêu cự 36 - 108 mm và thiết kế thời trang của dòng EasyShare. Sản phẩm sẽ có mặt trên thị trường vào tháng 8 tới.
Sau khi tung ra sản phẩm mới, Kodak đã khởi kiện một loạt hãng đối thủ vì xâm phạm bản quyền. Ảnh: Dpreview. |
Trong một động thái khác, tuần qua Kodak đã gửi tới tòa án Quận Tyler bang Texas (Mỹ) một đơn kiện, với bị đơn chính là công ty sản xuất điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới hiện nay của Nhật, Matsushita, hãng đang sở hữu thương hiệu Panasonic. Họ buộc tội Matsushita đã xâm phạm những sáng chế độc quyền của mình trong lĩnh vực sản xuất máy ảnh số. Những bị đơn khác trong vụ này còn có các tập đoàn Victor và JVC. Hiện Matsushita đang sở hữu thương hiệu Panasonic, đồng thời nắm giữ một lượng cổ phần lớn của tập đoàn Victor, đơn vị sở hữu thương hiệu JVC.
Các tin liên quan |
*Kodak tăng độ nhạy sáng cho cảm biến ảnh |
*6 máy ảnh Kodak mới, giá hợp lý |
*V803 chưa đạt 'đỉnh' vinh quang |
Kodak cho rằng những chiếc máy ảnh số của các công ty trên đang sử dụng những phát minh mà hãng này đã được cấp bằng sáng chế độc quyền trong khoảng thời gian từ năm 1991 đến 2001. Bao gồm công nghệ nén hình, lưu trữ, cảm biến ảnh màu, chọn cỡ ảnh và xem ảnh trước. Đây cũng chính là những phát minh mà Kodak đã bị Sony xâm phạm và họ cũng đã thắng kiện và nhận được một khoản bồi thường lớn từ hãng này vào hồi tháng một năm nay.
Kodak cho rằng họ đã phải hứng chịu những thiệt hại lớn từ sự xâm phạm bảm quyền sáng chế công nghệ và đòi một khoản bồi thường bằng tiền mặt từ phía các bị đơn. Đồng thời, họ cũng yêu cầu tòa án ra phán quyết bắt các công ty trên ngừng ngay việc sử dụng các công nghệ đó lại.
Theo người phát ngôn của Matsushita, hãng này cảm thấy rất bất ngờ và chưa thể đưa ra bình luận gì trong thời điểm hiện tại. Chưa biết sự vụ sẽ đi đến đâu, nhưng gần như ngay tức thì, nó đã có những tác động đầu tiên, khi đánh tụt giá cổ phiếu của cả hai công ty trên thị trường chứng khoán New York và Tokyo.
Anh Linh tổng hợp