Theo chuyên viên tư vấn Trần Đăng Thảo và một bác sĩ dinh dưỡng từ Tổng đài 1088 TP HCM, việc chăm sóc trẻ tốt hay kém sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tình trạng sức khỏe thể chất, còn việc dạy dỗ, uốn nắn thói quen có ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành tính cách của các em khi lớn lên. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều phụ huynh vẫn nuôi và dạy con một cách thiếu khoa học, từ đó dẫn đến những "tác dụng phụ" không như mong đợi.
1. Trách mắng trẻ khi ăn
Ông bà ta vẫn nói "trời đánh tránh miếng ăn". Việc mắng trẻ nhỏ khi ăn uống sẽ làm cho bé cảm thấy buồn rầu, bực bội, tính cách thay đổi. Tâm lý tiêu cực đó có thể làm cho trẻ chán ăn, tiêu hóa không tốt, ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần.
Ảnh minh họa: Kid'shealth. |
2. Không tập cho trẻ ăn rau
Không tập thói quen ăn rau xanh từ nhỏ, đến khi lớn lên trẻ thường không thích ăn rau, dẫn đến thiếu các dinh dưỡng, sinh tố thiết yếu từ rau củ quả, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất.
3. Ăn kẹo bánh nhiều
Trẻ ăn vặt nhiều sẽ không cảm thấy đói nên thường bỏ bê bữa ăn chính. Hơn nữa, kẹo bánh sau khi ăn nếu không làm sạch khoang miệng sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, dễ gây sâu răng. Do đó, tốt nhất trước bữa ăn chính hoặc giờ đi ngủ 2 tiếng, bố mẹ không nên cho trẻ ăn kẹo. Lúc bình thường nếu có ăn kẹo bánh, sau đó cần đánh răng súc miệng sạch.
4. Ăn mặn
Thông thường cha mẹ có thói quen ăn mặn sẽ gieo thói quen này cho con. Trẻ em ăn quá mặn dễ dẫn đến thói quen ăn mặn khi lớn lên. Lâu dài sẽ dễ bị huyết áp cao, tim và mạch máu.
5. Ăn những thực phẩm có nhiều chất phụ gia
Không nên cho trẻ ăn nhiều thực phẩm có hương liệu, bột ngọt, màu thực phẩm, chất bảo quản (có trong thức ăn chế biến sẵn)... Những phụ gia này có hại cho sự phát triển não của trẻ.
6. Nghĩ rằng nuôi con béo mới khỏe
Nhiều cha mẹ sợ con ăn không đủ chất dinh dưỡng nên ép trẻ ăn thật nhiều. Hệ quả là các em bị béo phì. Những đứa trẻ béo phì thường có thị giác, tri giác và khả năng tiếp thu thấp hơn trẻ bình thường, dễ mắc nhiều bệnh tiềm ẩn khác.
7. Tạo thành thói quen xấu khi cho trẻ ăn
Một số bà mẹ mắc sai lầm khi chiều con thái quá, chẳng hạn trẻ đòi bật tivi xem phim mới ăn cơm. Chính thói quen này sẽ khiến trẻ lơ là việc ăn uống, dẫn đến kén ăn, lười ăn, hoặc vì mải xem truyền hình mà bữa ăn của bé kéo dài thật lâu.
8. Ăn uống quá nhiều
Một số bà mẹ có con lần đầu thường sợ bé đói nên cứ vài phút lại cho ăn một lần. Song thực tế trẻ em ăn uống quá nhiều có thể làm cho cơ thể khó tiêu hóa và hấp thụ. Tình trạng này lặp đi lặp lại sẽ làm cho bụng trẻ to lên, dễ béo phì.
9. Không sửa tật hay dụi mắt, móc mũi của trẻ
Trên bàn tay của chúng ta thường có vi khuẩn và trứng ký sinh trùng, đặc biệt là khi đến chốn công cộng. Do đó nếu dụi tay lên mắt, hoặc dùng tay móc mũi dễ dẫn đến nhiễm trùng và viêm mắt, mũi. Thay vào đó nên tập cho các em thói quen rửa mắt, mũi bằng nước sạch khi vệ sinh thân thể.
10. Không sửa thói quen ngoáy lỗ tai
Ngoáy tai có thể làm tổn thương màng nhĩ, ảnh hưởng đến thính lực mà có thể gây nhiễm trùng tai.
11. Trùm chăn kín đầu khi ngủ
Không chỉ trẻ em mà nhiều người lớn thường trùm chăn kín đầu khi ngủ. Đây là thói quen không tốt. Bởi mùi mồi hôi, mùi hôi của cơ thể, khí thải ra từ đường ruột, khí cacbonic thở ra khi ngủ đều có thể tản vào chăn, nệm. Việc trùm chăn kín đầu khi ngủ sẽ làm cho các chất khí có hại ấy dội ngược đi vào cơ thể qua đường hô hấp, ảnh hưởng đến sức khỏe.
12. Tẩm bổ vô tội vạ
Có nhiều cha mẹ nghĩ rằng cứ phải tẩm bổ cho con bằng bào ngư, vi cá, sữa ong chúa, nhân sâm, trứng vịt lộn... sẽ có lợi cho sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên theo khuyến cáo của các nhà khoa học dinh dưỡng, việc bổ sung dinh dưỡng không hợp lý dễ khiến trẻ mất cân bằng, thậm chí bệnh tật. Một số nghiên cứu còn chỉ ra, trẻ nhỏ thường xuyên dùng các loại thuốc bổ có chứa sữa ong chúa, nhân sâm sẽ gặp hiện tượng mất cân bằng nội tiết dẫn đến dậy thì sớm.
Thụy Ân