Hình ảnh người cha già ngồi ven đường bán vé số cùng 2 cô con gái nhỏ giữa đoạn giao Bà Huyện Thanh Quan và Võ Thị Sáu (Quận 3, TP.HCM) quá đỗi thân thuộc với những người hay chạy xe qua đây. Hễ đi ngang, ai cũng thấy 3 cha con người đàn ông nghèo chìa tập vé số cùng tấm bảng “Bị bệnh. Cô chú mua vé số giúp đỡ” mời người đi đường mua với hi vọng có tiền trang trải cuộc sống, chữa bệnh cho vợ - mẹ bệnh tật nằm liệt giường.
“Con sợ ba chết, không ai nuôi chị em con”
Gặp ông Huỳnh Văn Châu (63 tuổi, quê Bình Dương) vào buổi sáng cuối tuần khi nắng đã gắt, ông niềm nở mời chúng tôi mua vé số. Ông bảo, từ sáng đến giờ ít người qua lại nên ế hàng.
Thấy tôi đưa ánh mắt tìm quanh, ông Châu đoán tôi tìm 2 đứa nhỏ nên nói luôn: "Bọn trẻ được người ta cho đi học rồi cô ạ! Chúng đến trường đã vài bữa nên có mình tôi ngồi bán ở đây. Cuối cùng, chúng cũng được học từng con số, đánh vần những chữ cái và học cách làm người. Sáng mai, 2 chị em nghỉ học, tôi sẽ chở qua đây bán vé số".
Sáng hôm sau, tôi đến từ rất sớm với hi vọng sẽ được trò chuyện cùng 2 bé. Thấy tôi dừng xe, bé Phướn (7 tuổi) chạy lại khoe: "Cô ơi! Con và em Đa Đa được đi học rồi đó! Chúng con được cô dạy tập tô, viết các nét sổ thẳng, sổ ngang. Nhưng mà... con đi học, ba không có ai phụ, con buồn lắm!". Tôi đoán bé Phướn đã nghe cha nói về sự xuất hiện của tôi nên chúng trở nên thân thiết mặc dù chưa một lần gặp mặt.
Bé Phướn đang sắp xếp lại những tờ vé số cho ngăn nắp.
Đang ngồi trò chuyện, thấy người đi đường tấp vào, Phướn liền đứng dậy nhanh nhảu đưa tập vé số và đọc vanh vách từng con số trên vé mời khách mua. Sau đó, em quay lại tiếp tục mạch truyện ”hai chị em đến lớp và giải thích về cái tên đặc biệt được ghi trong tập viết.
“Mẹ đặt tên cho con và em. Con là Phạm Thị Hồng Ngọc Phướn, em gái là Phạm Thị Hồng Ngọc Đa Đa. Có lần con hỏi sao mẹ đặt tên kỳ vậy thì mẹ bảo đó là 2 loài chim. Mẹ muốn chị em con sau này được bay nhảy khắp bốn phương trời, không phải sống cuộc đời cơ cực như ba mẹ”, cô bé 7 tuổi giải thích về cái tên chim Phướn và chim Đa Đa của hai chị em.
Thấy Phướn nhắc đến mẹ, tôi hỏi sao chỉ có 3 cha con đi bán vé số. Em im lặng, đưa mắt nhìn xuống trang sách có hình ảnh người phụ nữ ẵm một đứa trẻ và đáp: “Con muốn sau này trở thành bác sĩ giỏi để chữa bệnh cho mẹ và ba. Con không muốn mẹ cứ mãi nằm bất động nơi góc nhà như bây giờ. Tháng nào, ba cũng phải vay tiền người ta đưa mẹ vô bệnh viện làm phẫu thuật gì ấy. Con không biết mẹ bị sao, chỉ thấy mẹ rên đau từng cơn vào buổi đêm. Mẹ con tội lắm cô ạ”.
Nghe chị gái nói về ước mơ sau này, bé Đa Đa chạy tới ôm cổ tôi và thì thầm: “Ba con bị đau chân không đi được, mẹ con phải nằm ở nhà một mình. Lớn lên, con muốn được đi bán hoa. Con thấy, người ta bán hoa có nhiều tiền lắm! Khi đó, con sẽ đưa hết tiền cho ba trả nợ và chữa bệnh cho mẹ”. Câu nói ngây dại của Đa Đa khiến tôi nghẹn lòng.
Những đứa trẻ lên 10 như Phướn và Đa Đa đang ở độ tuổi được ăn, chơi và chuyên tâm học hành. Còn hai em đã sớm phải đi làm phụ giúp ba mẹ, không những thế, các em còn có suy nghĩ rất "người lớn", hiểu được hoàn cảnh nghèo khó của gia đình, thương cha mẹ bị bệnh tật bủa vây.
Có lẽ cũng chính vì vậy mà ngay từ khi còn nhỏ, 2 bé gái đã ý thức được rằng trong tương lai phải kiếm tiền chữa bệnh cho ba mẹ. Bởi, 2 em rất sợ ba hoặc mẹ không còn trên đời này nữa! “Con sợ ba mẹ chết, không có ai nuôi 2 chị em con. Lúc ấy, chúng con trở thành những đứa trẻ mồ côi, lang thang ngoài đường và không được đi học nữa!”, Phướn buồn bã tâm sự với tôi.
Từng nghĩ đến cái chết vì bất lực không nuôi nổi vợ con
Nghe các con nói về ước nguyện mẹ khỏi bệnh, ông Châu quay người lại về phía sau và thở dài: “Vợ tôi vừa xuất viện được nửa tháng. Trong người bà ấy là một ổ bệnh. Trước kia, bà ấy phải mổ tử cung và đợt rồi lại phẫu thuật sa bàng quang, đặt tấm lưới hết hơn 13 triệu đồng. Tiền nợ trước chưa trả hết, tôi phải nhờ người đi vay nóng số tiền đó. Không biết đến bao giờ tôi sẽ trả đủ số tiền gốc lẫn lãi. Thôi thì, đến đâu hay đến đó cô ạ!”.
Ông Châu kể, hồi còn khỏe ông kiếm sống nuôi vợ con bằng nghề cửu vạn, đập bê tông lấy sắt vụn bán ve chai. Dù vậy, số tiền kiếm được chẳng là bao, không đủ chi phí sinh hoạt, thuốc thang cho người vợ bệnh tật. Có bữa “hên” được nhiều sắt vụn nhưng người ta ghen tị đã đe dọa, đánh đập và trắng trợn cướp lấy.
Nhiều lần bị tụi nhóc đáng tuổi con uy hiếp, ông Châu quyết định dừng việc đập phá và chuyển qua bán vé số dạo với hi vọng cuộc sống sẽ êm đềm hơn. Tuy nhiên, ngày lấy vé số về bán cũng là lúc căn bệnh thấp khớp tái phát khiến ông Châu không thể đi xa mời mọi người mua vé số. Vì vậy, cha con ông đành dựng ô ngồi ở đoạn giao đường Bà Huyện Thanh Quan và Võ Thị Sáu bày bán vé số.
“Nhiều người qua đây hỏi tôi sao chọn chỗ nắng, không bóng cây ngồi bán vé số. Tôi bảo rằng: Nắng nóng không sao? Miễn là có người mua vé số giúp. Thực sự, ngồi mãi cũng ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là giữa trưa, nhiệt độ lên đến 50 độ C. Nhưng chỗ này điểm đèn xanh đèn đỏ, có người dừng đèn đỏ thì mới tạt vào. Chứ ngồi đoạn đường mát dưới kia sẽ chẳng có ai mua”, ông Châu nói.
Mỗi ngày, ông bán được khoảng trăm tờ vé số với số lãi chưa tròn trăm nghìn đồng. Số tiền đó, ông phải chia thành nhiều khoản khác nhau để trả nợ, mua thuốc cho vợ và nuôi ăn cả gia đình. Có bữa, ông phải cố nhịn dành dụm mua cho tụi trẻ chút gạo nấu cơm, còn ông và vợ đành luộc chuối xanh ăn cả tuần.
Bé Phướn và Đa Đa đã quá quen với cảnh nhịn đói. Ngày nào cũng vậy, 2 em ăn bữa sáng rồi cố nhịn qua trưa, chiều về “chữa” đói bằng một bữa cơm đầy ắp đậu bắp. “Tụi trẻ thích ăn nhất là đậu bắp luộc chấm mắm. Nó ăn miết rồi quen nên chẳng biết ăn thịt, cá… Kể cả có, chắc tôi chẳng đủ tiền mua về cho chúng ăn”, ông Châu cho biết.
Tháng ngày nghèo khổ, không đồng tiền lẻ, ông Châu từng nghĩ đến chuyện gửi Phướn và Đa Đa vào trại trẻ mồ côi. Sau đó, ông sẽ tự kết liễu cuộc đời mình. Nhưng, nhìn người vợ bệnh tật nằm một góc và 2 đứa con thơ, ông không đủ can đảm để làm việc đó. Ông sợ vợ càng bệnh nặng hơn, Phướn và Đa Đa mồ côi cha, không nơi bấu víu.
Tạm biệt cha con ông Châu, tôi cứ mãi ám ảnh tiếng nói cười của bé Phướn và Đa Đa. Nếu đời này có phép màu, hi vọng rằng vợ chồng ông Châu sẽ hết bệnh, có một mái nhà nhỏ đủ để che nắng trốn mưa; 2 bé được sống trong vòng tay yêu thương của ba mẹ, được đến trường và chạm tay đến giấc mơ!