Nói về hành trình trị chứng kén ăn cho con, chị Thắm cho biết vì trong thời gian mang bầu chị gặp khá nhiều khó khăn về sức khỏe như bệnh thoái hóa, bệnh dạ dày và thậm chí chị bị nôn ói đến lúc lên bàn đẻ... nên chị luôn mong muốn con sinh ra sẽ có sức khỏe tốt nhất. Vì vậy bà mẹ 8x đã xây dựng những thực đơn ăn uống lành mạnh cho bé ngay từ những ngày đầu con ăn dặm.
Lựa chọn cho con phương pháp ăn dặm kiểu Nhật
Pi bắt đầu cho bé ăn dặm từ lúc 5 tháng 12 ngày (5m12d). Theo mình tìm hiểu thì 5 tới 6 tháng được coi là thời điểm vàng để con làm quen với các thức ăn khác ngoài sữa mẹ.
Trong cuộc sống mình khá xuề xòa nhưng đối với việc chăm sóc con mình lại rất cẩn trọng. Bởi vậy mình nghiên cứu rất kỹ về các phương pháp ăn dặm và lựa chọn phương pháp ăn dặm kiểu Nhật. Sở dĩ mình chọn phương pháp này vì các bé theo phương pháp ăn dặm kiểu nhật có thể nhận biết thức ăn, phân biệt mùi vị cực tốt.
Ví dụ như Pi nhà mình từ hồi 8 tháng đã biết thể hiện thái độ trước món con thích và món con không thích. Con sẽ có những trải nghiệm và cảm nhận khác nhau về từng loại thực phẩm hay từng nhóm thực phẩm.
Mình quan niệm ăn là một đặc quyền, chỉ khi vui vẻ người ta mới thấy ngon miệng. Bởi thế mình luôn chia sẻ và “quán triệt” với những người hỗ trợ chăm sóc bé về việc không ăn rong, không hò hát, không chơi đồ chơi, không cổ vũ và không ép ăn.
Xử trí khi con kén ăn, giúp con ăn ngon
Bé nhà mình khá kén ăn. Bé hầu như không thích tinh bột từ gạo và gần như chỉ hứng thú với hoa quả và các loại rau. Đây có thể coi là may mắn cũng có thể không. Bởi lẽ khi có niềm yêu thích và hứng thú với rau củ thì bé sẽ có thể xây dựng được nền tảng sức khỏe với rất nhiều vitamin.
Tuy nhiên, nếu chỉ ăn mỗi rau củ hay hoa quả thì không đủ chất. Bởi thế mình luôn cố gắng tìm tòi và thay đổi cách chế biến các món ăn mới để kích thích thị giác và vị giác của bé.
Thời kỳ biếng ăn của bé nhà mình kéo khá dài. Giai đoạn dài nhất bé đã trải qua là khoảng hơn 1 tháng rưỡi. Có những bữa bé lắc đầu từ chối trước tất cả các loại thức ăn trừ hoa quả. Ôi những lúc này mẹ khá “xì trét” đó nha. Nhưng để xử lý con vi rút biếng ăn mẹ phải thật kiên nhẫn, kiên nhẫn và kiên nhẫn. Đừng nóng vội, đừng để áp lực của mình truyền sang con. Hãy tự nhủ và đọc thần chú “1 ngày đẹp trời nào đó con sẽ ăn trở lại”.
Theo mình, nấu là việc của mẹ, ăn là việc của con. Mẹ có thể quyết định con ăn gì, ăn khi nào, ăn ở đâu. Còn việc con ăn bao nhiêu là do con quyết định.
"Mình luôn cố gắng tìm tòi và thay đổi cách chế biến các món ăn mới để kích thích thị giác và vị giác của bé".
Mình cũng đi tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến việc biếng ăn của con. Khắc phục bằng cách đổi mới cách nấu nướng, học các món mới, thay đổi cấu trúc thức ăn liên tục để tránh sự nhàm chán và tạo sự mới mẻ cho con. Mình có thể thay đổi bằng cách kết hợp các bữa ăn BLW với ADKN để bé tự do khám phá thức ăn và tạo sự hứng thú.
Thêm nữa, hãy cho con vận động thật nhiều. Càng vận động nhiều càng đốt cháy calo và càng nhanh đói.
Về bí quyết giúp con ăn ngon, thực ra mình chẳng có bí quyết nào đặc biệt. Mình luôn nấu ăn cho con bằng cả tình thương yêu. Mình cảm thấy vô cùng hạnh phúc và may mắn khi được chuẩn bị bữa ăn cho con. Mỗi món con ăn không chỉ được chế biến cẩn trọng mà còn được nêm nếm gia vị từ tình yêu của mẹ.
Trẻ con luôn bị kích thích bởi sự mới mẻ. Bởi vậy mình luôn cố gắng học hỏi thật nhiều để thay đổi thực đơn cho bé, giúp bé hứng khởi hơn khi ăn.
Thực đơn của con qua các tuần tuổi
Mình theo nguyên tắc và cách chế biến của ADKN nhưng không quá cứng nhắc nên thực đơn của bé khá phong phú.
Mỗi giai đoạn bé sẽ cần một thực đơn phù hợp. Ví dụ giai đoạn 6 – 8 tháng thời điểm bé chuẩn bị mọc răng mẹ có thể thay đổi cấu trúc thức ăn từ dạng lòng sang sền sệt. Mẹ cũng có thể thái nhỏ và hầm nhừ rau củ hay hoa quả để luyện cơ nhai cho bé. Giai đoạn 8 – 11 tháng bé cần nhiều dinh dưỡng hơn, mẹ nên cân bằng và tìm hiểu các thức ăn cao năng lượng. Cần cân bằng các nhóm dưỡng chất trong 1 bữa ăn và không nên quá chú trọng đến thức ăn chưa đạm động vật. Đạm trong thực vật như các loại đậu đỗ rau củ cũng khá nhiều, đó là nguồn đạm cực kỳ khỏe mạnh cho sự phát triển của con.
Mình không khéo và không quá cầu kỳ trong việc nấu ăn cho con. Vậy nên thường là bếp có gì mình sẽ chế biến món ăn phù hợp nhất cho con.
Dinh dưỡng trong bữa ăn
Mình hoàn toàn không đề cao hay coi nhẹ bất cứ dinh dưỡng nào. Việc của mẹ là phải cân bằng dinh dưỡng trong bữa ăn của con. Một bữa ăn đầy đủ dưỡng chất nhất phải có tinh bột, đạm, vitamin và khoáng chất, chất béo. Có nhiều người quan niệm rằng phải ăn đạm động vật mới cứng cáp, đủ chất và nhanh nhẹn. Mình hoàn toàn ngược lại. Mình nghĩ thế giới thức ăn thực vật cũng có rất nhiều đạm khỏe mạnh. Mẹ nên tìm hiểu thật kỹ và áp dụng chế biến sao cho phù hợp nhất với con.
Con ăn chay hay ăn mặn không quan trọng bằng việc con có vui vẻ lúc ăn hay không. Và việc phân bổ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp bé có thế kết nạp đủ nhóm dinh dưỡng vào cơ thể trong một bữa ăn. Mẹ cũng không nên quá lo lắng. Nếu bữa này bé ăn ít thịt nhiều rau thì bữa sau mẹ có thể điều chỉnh giúp bé.
Bé sắp 1 tuổi nên mình đang định cân đối lại lịch sinh hoạt của bé. Hy vọng bước sang tuổi mới bé sẽ cứng cáp hơn, yêu thích việc ăn uống hơn nữa.
Chúc các mẹ nuôi con khỏe mạnh và dưới đây là các món ăn mà mình thường nấu cho con, mình xin được giới thiệu đến các mẹ: