Tục ngữ có câu “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, gia đình nào cũng có hoàn cảnh riêng và cách nuôi dạy con cái khác nhau. Nhưng điểm chung của những người làm bố mẹ đều hy vọng con cái lớn lên thành đạt, hạnh phúc và là người có ích cho xã hội.
Mặc dù đích đến là như thế, tuy nhiên có đạt được hay không thì còn ảnh hưởng từ môi trường giáo dục gia đình. Bởi vì nơi đây là cái nôi đầu tiên trẻ được sinh ra, và cha mẹ cũng là những người thầy đầu tiên uốn nắn, dìu dắt trẻ bước vào cuộc sống này.
Đứa trẻ may mắn được nuôi dạy trong một gia đình, mà bố mẹ là những người thông minh và khéo léo thì sau này trẻ sẽ đỡ vất vả hơn. Bởi vì, họ sẽ luôn ở sau lưng âm thầm hỗ trợ trẻ trong suốt hành trình khôn lớn, thay vì hạn chế tiềm năng của trẻ.
Ngược lại, đứa trẻ kém may mắn hơn khi bố mẹ là những người có tư tưởng sai lệch, và vô tình bản thân được giáo dục trong môi trường không đúng đắn khiến cho tương lai bị ảnh hưởng.
Thực tế, bố mẹ thông minh sẽ nuôi dạy một đứa trẻ hạnh phúc, không khiến trẻ rơi vào những hoàn cảnh đau buồn, xấu hổ.
Theo các chuyên gia, có 3 điều mà bố mẹ càng ít “tiết lộ” ra bên ngoài, con sẽ càng biết ơn bố mẹ và dành sự tôn trọng, yêu thương cho bố mẹ nhiều hơn
Thường xuyên than vãn về gia đình
Gia đình là môi trường xã hội đầu tiên mà trẻ tiếp xúc, cũng là nhân tố quyết định đến quá trình hình thành nhận thức, tính cách và tâm lý của trẻ. Đặc biệt là trẻ ở độ tuổi dậy thì, giai đoạn mà sự thay đổi tâm sinh lý diễn ra mạnh mẽ nhất. Lúc này mọi lời nói và hành vi của bố mẹ đều sẽ gây ra những tác động lớn nhỏ đến trẻ.
Nếu ứng xử đúng cách, bố mẹ sẽ trở thành tấm gương sáng để trẻ noi theo. Nhưng nếu vì những sai lầm nhất thời, bố mẹ có thể đẩy trẻ vào tình huống khó xử. Chẳng hạn như việc tiết lộ hoàn cảnh gia đình cho nhiều người biết.
Trong trường hợp trẻ có xuất phát điểm gia đình thấp, hoặc đổ vỡ hôn nhân, bạo lực, nếu bố mẹ thường xuyên kể lể với người khác về gia cảnh của mình, trẻ sẽ hình thành tính cách tự ti.
Đặc biệt là với các bạn bè đồng trang lứa, sự tuổi thân và mặc cảm bởi hoàn cảnh gia đình có thể khiến trẻ đánh giá sai về giá trị của bản thân, luôn thấy xấu hổ khi đối diện với bạn bè. Vì lẽ đó, kỹ năng giao tiếp xã hội của trẻ dần hạn hẹp.
Thậm chí, đối với những người không biết cảm thông, họ sẽ tỏ thái độ chê cười, khinh thường và cho rằng việc chia sẻ hoàn cảnh gia đình là vì mục đích muốn tìm kiếm sự thương hại từ người khác. Trong tình huống này, trẻ có thể nhận lại sự thiếu tôn trọng, thái độ kỳ thị và xa lánh từ bạn bè.
Hoàn cảnh gia đình kém may mắn, khi bố mẹ nói thường xuyên ra bên ngoài, con sẽ hình thành sự mặc cảm.
Thích khoe con
Sự khác nhau lớn giữa cách giáo dục con của nhiều bố mẹ, đó là có người che giấu sự tài giỏi của những đứa trẻ, có người thì lại thích khoe khoang và phô trương thành tích của con. Mặc dù biết bố mẹ nào cũng đều hạnh phúc và tự hào khi con cái thành đạt, giỏi giang và tạo được những giá trị tốt đẹp cho xã hội. Nhưng cảm xúc này nên được tiết chế ở một giới hạn nhất định. Nếu không, cuộc sống của trẻ sẽ bị bố mẹ làm cho rối loạn.
Trẻ càng trưởng thành, càng thích được bố mẹ tôn trọng quyền riêng tư. Hành vi bố mẹ tự ý khoe khoang, công khai thành tích và những việc trẻ làm ra cộng đồng sẽ khiến nhiều đứa trẻ cảm thấy vô cùng khó chịu, đặc biệt là đứa trẻ có tính cách khiêm tốn.
Ngược lại, hành vi này sẽ là sự tai hại lớn đối với những đứa trẻ tự cao, tự đại. Nếu bố mẹ càng khoe khoang, trẻ sẽ càng hình thành sự ảo tượng về sức mạnh của bản thân, từ đó đánh mất đi ý chí vươn lên trong học tập và cuộc sống.
Nhiều kết quả khảo sát thực tế đã đưa ra con số, trẻ nhỏ mắc bệnh trầm cảm và tự kỷ vì áp lực đang ngày càng gia tăng chóng mặt. Trong đó, áp lực xuất phát từ gia đình chính là yếu tố tác động mạnh mẽ nhất. Kỳ vọng của bố mẹ càng cao, áp lực của trẻ sẽ càng lớn.
Vì vậy, việc bố mẹ thích khoe con cái với người khác, đôi khi sẽ không mang lại lợi ích gì, mà còn vô tình khiến áp lực đè nặng lên trẻ.
Con cái sẽ vô tình bị bố mẹ tạo áp lực lớn, khi bố mẹ phô trương thành tích của trẻ ra bên ngoài.
Phô trương vật chất
Nếu bố mẹ có thể cho con một xuất phát điểm tốt, đó là điều may mắn mà mọi đứa trẻ nên trân trọng. So với những người bạn bất hạnh hơn, trẻ lại được tạo điều kiện để đi trên con đường bằng phẳng và ít chông gai. Tuy nhiên, điều này nên trở thành điểm mạnh của trẻ, thay vì biến nó thành “tảng đá” đè bẹp tương lai của trẻ.
Khi bố mẹ thỏa mãn giá trị vật chất cho trẻ một cách vô tội vạ mà không có điểm giới hạn cụ thể, trẻ sẽ hình thành thói quen dựa dẫm và tự mãn. Đặc biệt, hành vi bố mẹ phô trương gia cảnh giàu có ra bên ngoài, sẽ khiến nhiều đứa trẻ cảm thấy vô cùng phấn khích, bởi vì lúc này “sĩ diện ảo” của trẻ đã được đáp ứng.
Thực tế, “Sĩ diện ảo” có thể khiến một đứa trẻ mất dần ý chí phấn đấu, cố gắng để vươn lên hoàn thiện chính mình. Đây là sai lầm lớn mà nhiều bố mẹ đã mắc phải trong vấn đề giáo dục con cái, khiến cho tương lai sau này của con là những chuỗi ngày đối mặt với vô vàn khó khăn.
Bên cạnh đó, hành vi này của bố mẹ còn khiến cho các mối quan hệ xã hội của con bị hạn chế, thậm chí là phá vỡ. Có người vì ganh ghét, đối kỵ mà tìm mọi cách để dìm trẻ xuống bằng cách nói xấu sau lưng hoặc bôi nhọ danh dự của trẻ.
Cũng có người cảm thấy không cùng đẳng cấp nên tỏ ra dè chừng và từ kết bạn. Dần dần vòng tròn giao tiếp, gắn kết xã hội của trẻ bị hẹp lại và cuối cùng trẻ sẽ sống trong sự lạc lõng, cô đơn từ chính tư tưởng sai lầm của bố mẹ trong phương pháp giáo dục con.
Bố mẹ dung nạp vào tư tưởng và lối sống của con về sự giàu có, con dễ hình thành tính cách kiêu ngạo.