Rất nhiều quan niệm phổ biến khi cho con tập ăn dặm được các mẹ rỉ tai nhau, lưu truyền rộng rãi từ người này qua người khác mà không hề biết, có những quan niệm cực kì sai lầm và có hại cho bé yêu.
Nêm gia vị vào thức ăn của bé
Việc thêm mắm muối vào thức ăn của bé là hoàn toàn không cần thiết. Trẻ nhỏ chỉ cần một lượng muối rất nhỏ: ít hơn 1g (0,4g sodium) /1 ngày cho đến khi bé được 12 tháng tuổi. Thận của các bé còn rất yếu và chưa phát triển đầy đủ nên không thể “tải” được lượng muối nhiều hơn thế.
Đối với những trẻ bú mẹ, trong sữa mẹ đã có thành phần muối phù hợp với bé. Sữa công thức cũng được bổ sung một lượng muối có tỷ lệ y hệt sữa mẹ. Do đó, với trẻ sơ sinh dưới 1 năm tuổi, khi sữa vẫn là nguồn thức ăn chủ yếu, lượng muối trẻ nhận được mỗi ngày qua sữa là hoàn toàn đủ cho hoạt động của cơ thể.
Con nhăn mặt trước đồ ăn mới là mẹ... “thôi” luôn
Hôm nay bé ghét món này nhưng có thể ngày mai bé lại đòi ăn chính món đó. Mẹ cần phải kiên nhẫn và tập cho con ăn đa dạng các loại thức ăn để bé có thể hấp thụ các chất dinh dưỡng một cách đầy đủ và hiệu quả nhất. (Ảnh minh họa)
Một cái cau mày, một cái nhăn mặt hay ngúng nguẩy đôi khi chưa hẳn đã là trẻ ghét món ăn đó. Kể cả khi trẻ tỏ ra cực kì khó chịu, có thể chỉ đơn giản là bé đang ngạc nhiên và chưa kịp thích ứng với việc thử một loại thức ăn mới mẻ. Trẻ sơ sinh sinh ra không thực sự đã hình thành khái niệm thích và không thích. Các bé sinh ra với xu hướng thích đồ ngọt hơn và cần phải học để điều chỉnh vị giác qua việc khám phá những món mới. Hơn nữa, trẻ nhỏ thường hay thay đổi quyết định như... chong chóng. Hôm nay bé ghét món này nhưng có thể ngày mai bé lại đòi ăn chính món đó. Mẹ cần phải kiên nhẫn và tập cho con ăn đa dạng các loại thức ăn để bé có thể hấp thụ các chất dinh dưỡng một cách đầy đủ và hiệu quả nhất.
Thường xuyên hầm xương lấy nước cho con ăn
Nhiều bà mẹ quan niệm “ăn xương cứng xương”, vị ngọt của xương sẽ giúp bé ăn ngon miệng, dễ tiêu hóa nên việc chăm chỉ hầm xương lấy nước nấu cháo cho con diễn ra khá phổ biến. Khi hầm xương cho bé, nước tuy ngọt nhưng trong đó chủ yếu toàn mỡ, lại là mỡ động vật, khó tiêu hóa đối với trẻ, trong khi đó, hàm lượng đạm và canxi trong nước xương lại có ít. Vì vậy, mẹ nên cho trẻ ăn cả thịt bằng cách nghiền, xay hoặc băm nhỏ để đảm bảo bé nhận đủ lượng đạm cần thiết.
Vừa cho con ăn vừa dọn đống bừa bãi của con
Các bé tập ăn thường rất thích bày bừa, làm tung tóe đồ ăn ra khắp nơi, khiến cho mẹ lúc nào cũng chỉ muốn lăm lăm cầm khăn lau để lau miệng cho con hay dọn dẹp đống vung vãi đó cho đỡ “ngứa mắt”. Tuy nhiên, các mẹ hãy cứ bình tĩnh cho con ăn xong rồi tính sau. Trẻ nhỏ cần được tạo cơ hội để cầm, nắm và khám phá đồ ăn mà không bị mẹ làm ngắt quãng bằng việc chăm chăm lau tay, lau mặt. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, bé sẽ ghi nhớ tên món ăn nhiều hơn nếu được thoải mái chơi đùa với chúng. Bé có thể cảm nhận được hình dạng, mùi, vị của thức ăn khi tự tay sờ, nắm chúng. Vì thế, hãy để mỗi bữa ăn của trẻ là một giờ vui, tạo sự thích thú với việc ăn uống.
Lạm dụng máy xay sinh tố
Thường xuyên cho nhiều đồ ăn vào máy xay sinh tố rồi xay nhuyễn cho con ăn là việc làm khá phổ biến của nhiều bà mẹ vì quan niệm cho rằng, con ăn như vậy là dễ nhai, dễ tiêu hóa, lại ăn được nhiều loại thực phẩm cùng một lúc, đủ chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, đây lại chính là nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn hơn và còn hại cho dạ dày của trẻ. Ăn đồ xay nhuyễn nhiều khiến bé chỉ có phản xạ nuốt, bỏ qua giai đoạn nhai, dịch vị không được kích thích, không có cảm giác thèm ăn, lâu dần bé sẽ lười ăn. Hơn nữa, việc xay nhuyễn thức ăn khiến bé quen ăn nát, chỉ cần ăn chút gì hơi lạo xạo là sẽ nôn trớ. Do đó, khoảng 8 tháng tuổi, bạn nên đổi qua nấu cháo cho bé ăn, hoặc ăn xen kẽ bột, cháo, mỳ,... cho bé tập nhai.