Khi con đạt thành tích tốt, bạn nói:
“Bố mẹ rất tự hào về con!”
Thực tế thì, một câu nói như vậy chỉ khiến trẻ cảm thấy thêm áp lực, nghĩ mình cần phải có trách nhiệm với niềm tự hào của cha mẹ. Hoặc tệ hơn: Nếu mình không đạt thành tích tốt, cha mẹ sẽ thất vọng về mình.
Cách nói đúng ở đây đơn giản là: Chúc mừng con!
Khi bạn muốn con làm theo ý mình và trẻ không đồng ý:
“Đừng có cãi lời mẹ!”
Trẻ nhỏ được sinh ra là để hỏi, để nói, để tranh luận và thắc mắc. Mẹ đã phải chờ bao ngày tháng rồi vỡ òa hạnh phúc khi con cất tiếng nói đầu tiên. Vậy tại sao lại nỡ cắt đứt những tranh luận của trẻ với chỉ một câu nói độc đoán như thế?
Việc lặp đi lặp lại câu “Đừng có cãi mẹ” sẽ khiến trẻ cảm thấy bất công và nếu chúng có thôi cãi thì đó cũng là biểu hiện bên ngoài còn trong đầu chúng không-phục-mẹ-đâu.
Khi con hư ở chỗ đông người:
“Cứ chờ đó đến lúc về mẹ sẽ…xử lý con!”
Có hai điều sai trong câu nói trên. Một là, nó khiến cho trẻ hiểu rằng trẻ sẽ không bị trừng phạt ngay và điều đó có thể khiến trẻ tỏ ra ít vâng lời hơn. Thứ hai, nó ám chỉ rằng bạn không có chút khả năng kiểm soát nào trong tình huống này.
Hơn nữa khi người lớn nói câu này không khác gì là một hình thức dọa trẻ. Trẻ nhỏ tâm lý còn yếu ớt, nếu thường xuyên phải nghe những câu dọa nạt kiểu này sẽ không tốt cho tinh thần và tâm trí của trẻ. Thay vì chờ đợi người khác “xử lý” bé, mẹ nên trực tiếp chỉ ra lỗi sai và phạt con ngay tại thời điểm hiện tại, chớ đừng gieo nỗi sợ hãi lâu dài cho trẻ.
Khi muốn “làm gương” cho con:
"Hồi bằng tuổi con, mẹ đã….rồi!"
Lời nói như ngầm khẳng định mẹ giỏi hơn con nhiều khi ở tuổi của con dễ khiến trẻ tự ái. Lâu dần tạo tâm lý mặc cảm và suy nghĩ tiêu cực rằng mình làm việc gì cũng hỏng. Điều này ảnh hưởng xấu đến sự hình thành nhân cách.
Khi muốn khích lệ con cố gắng hơn:
“Con xem con nhà người ta. Sao con không được như…nhỉ?”
Nếu bố mẹ có thói quen so sánh bé với bạn bè hay anh chị, bé sẽ dần hình thành tâm lý bi quan, mặc cảm hoặc cáu kỉnh, khó chịu. Không những vậy, trong lòng bé sẽ sinh ra nhiều thói ghen ghét, bé sẽ ghét những người mà bé bị so sánh hay thậm chí là ghét bỏ chính bố mẹ. Không có gì khiến một đứa trẻ cảm thấy khổ sở hơn là bị cho là kém cỏi hay hư đốn hơn bạn bè, anh chị em
Khi đã bị tổn thương, thậm chí, bé sẽ không muốn cố gắng để đạt được những hành vi tốt nữa. Cha mẹ nào cũng mong muốn con cái mình thông minh, giỏi giang, ngoan ngoãn tuy nhiên nên học cách chấp nhận thực tế rằng, mỗi bé là một cá thể độc lập. Thay vì nói điều này, bạn nên cổ vũ cá tính và những mặt mạnh của con.
Khi con làm sai một bài tập đơn giản và bạn muốn con biết bài này rất dễ:
"Dễ thế mà con cũng sai"
Câu nói đầy tính khinh khi + 'mặt nặng, mày nhẹ' chính là cách tệ hại nhất mẹ khiến bé lo lắng, mất tự tin, không dám hỏi khi có thắc mắc vì sợ mẹ nổi giận.
Vì thế, khi trẻ làm sai điều gì, mẹ nên bình tĩnh chỉ dẫn làm lại từ đầu. Khuyến khích để trẻ tập trung hoàn thành từng phần việc nhỏ một, từ việc dễ đến việc khó. Tuyệt đối không nên cười chê, chế nhạo nếu chẳng may bé không tự mình làm được. Thay vào đó, mẹ nên tạo không khí vui vẻ để trẻ không bị căng thẳng.
Khi bạn yêu cầu con làm gì và trẻ liên tục hỏi tại sao:
"Vì mẹ/ bố bảo thế!"
Đây là một câu nói sai lầm kinh điển mà chúng ta cần phải vĩnh viễn bỏ qua. Khi yêu cầu con cái làm điều gì, bạn cần giải thích rõ ràng và hợp lý nếu không trẻ sẽ thấy có lý do gì phải dừng hành động hay thái độ được cho là sai trái của mình.
Trẻ nhỏ thường thích có nhiều hành động và thói quen mà bố mẹ không ngờ tới, chúng có thể thích nghịch bẩn, thích chạy nhảy lung tung khắp nhà. Tuy nhiên trước những hành động đó của con, bố mẹ không nên thẳng thắn ngăn cấm con mà hãy nhẹ nhàng nói lí do tại sao con không nên làm như vậy. Khi ép buộc trẻ làm theo điều mình nói mà không có lí do thì sẽ khiến trong lòng trẻ cảm thấy không thoải mái.