Bắt đầu một năm học mới luôn khiến trẻ lo lắng - dù có là năm học đầu cấp hay không. Khi trẻ đang quen với nếp ăn chơi mà lại phải vào guồng quay học hành thật sự khó khăn. Chuẩn bị tốt cho trẻ trước một năm học mới sẽ giúp cả bạn và bé đỡ vất vả hơn.
1. Lên thời gian biểu
Hãy để con bạn biết lịch trình của mình sẽ như thế nào. Bé cần nắm rõ thời gian bắt đầu và kết thúc buổi học mỗi ngày. Khi trẻ biết rõ thời gian và những việc mình cần làm, bé sẽ tự giác hơn. Đừng để tình trạng trẻ chây ì, đến giờ cần làm gì thì lại có người nhắc nhở.
2. Trò chuyện với con
Hỏi con bạn về cảm xúc của bé - cả sự phấn khích và những mối quan tâm về việc đi học. Trẻ sẽ học tốt nhất nếu bé có một người để có thể chia sẻ những băn khoăn của mình. Vì vậy, hãy trò chuyện cởi mở với trẻ về bất cứ chuyện gì. Giao tiếp với con cũng là một cách để kéo sự chú ý của trẻ ra khỏi TV, máy tính, điện thoại,... - những thiết bị điện tử đã cuốn bé suốt mấy tháng hè.
3. Gặp gỡ thầy cô giáo
Bố mẹ nên đến trường và trò chuyện với giáo viên của con trong năm học này. Mỗi năm học lại có những thách thức và khó khăn riêng về kiến thức, hoạt động ngoại khóa mà bố mẹ cần nắm. Nắm bắt sớm những việc cần chú ý sẽ giúp bố mẹ có sự chuẩn bị tốt nhất cho con.
4. Ngủ đúng giờ
Khi trẻ đang quen chơi, bắt trẻ đi ngủ và dậy đúng giờ là một việc khó. Bạn cần cho trẻ quen với nếp ngủ nghỉ đúng giờ để tránh gây căng thẳng trong suốt cả năm học khi mỗi ngày đánh thức con dậy là một lần vất vả.
5. Hỏi con về bài tập về nhà
Hỏi con bài tập về nhà không phải là để thúc ép bé mà là một cách thể hiện mối quan tâm với những gì trẻ đã học ở trường. Thoải mái chia sẻ với bố mẹ những băn khoăn còn vướng mắc ở trên lớp sẽ giúp bạn nhanh chóng nắm bắt để củng cố kiến thức cho trẻ.
6. Tham gia các hoạt động dành cho phụ huynh
Tham gia vào các sự kiện của trường lớp là một cách thiết thực để thể hiện sự ủng hộ và nhiệt tình với sự học tập của con em. Đây cũng là một cách để bạn kết nối với nhà trường và giáo viên. Ngoài ra, bạn cũng có thể thu được nhiều kinh nghiệm bổ ích khi nói chuyện với các bậc phụ huynh.
7. Kết nối với giáo viên
Giao tiếp với giáo viên của con một cách thường xuyên là một phần thiết yếu. Giáo viên có thể cảnh báo bạn những khó khăn về tình cảm, xã hội, hoặc học tập mà họ cảm nhận về con bạn ở trường. Ngược lại cũng vậy - bạn cần thông báo cho giáo viên về những thay đổi có thể ảnh hưởng đến hành vi của con mình ở trường. Một số ví dụ là bệnh tật, bố mẹ ly hôn, một thành viên trong gia đình qua đời,...
8. Những chú ý cho bố mẹ có trẻ vào lớp 1
- Trấn an con rằng nếu có vấn đề phát sinh ở trường, bạn sẽ ở đó để giúp con giải quyết.
- Điểm ra các khía cạnh tích cực của việc học.
- Tìm cho con một người bạn cùng lớp trước ngày đầu tiên đến trường. Trẻ sẽ bớt lo lắng hơn khi có bạn ở bên.
- Chỉ cho trẻ chỗ đi vệ sinh. Hầu hết các trường cấp 1 đều có nhà vệ sinh ở khá xa lớp học. Bạn cần dặn dò trẻ cách xin phép cô giáo đi vệ sinh, cũng như cách tự lau chùi, rửa ráy cho mình khi giải quyết xong.
- Dạy trẻ cách cầm bút, sử dụng kéo,....thành thạo trước khi bé đến trường. Khả năng cầm nắm, điều khiển bàn tay và các ngón tay,...sẽ hỗ trợ nhiều trong việc cầm bút viết.
- Nhiều trẻ quen với tên gọi thân thuộc ở nhà mà quên mất tên thật của mình. Dạy cho trẻ nhớ tên thật của mình. Ngoài ra, trẻ không cần biết viết nhưng cần nhận ra mặt chữ tên của mình. Hãy chơi trò ghép chữ hoặc để cho tên của trẻ xuất hiện nhiều nhất trong tầm mắt của bé.