Trẻ ở độ tuổi đóng bỉm không nhiều thì ít cũng một lần bị hăm tã. Tại khu vực da tiếp xúc với tã của trẻ sẽ ửng đỏ, nặng hơn thì bị nứt nẻ, đóng vẩy và có thể dẫn tới mưng mủ. Chứng hăm tã tuy phổ biến ở trẻ nhỏ nhưng lại rất dễ chữa trị và phòng ngừa. Quan trọng nhất là mẹ cần giữ vệ sinh cho bé thật sạch và khô ráo.
Bên cạnh các loại thuốc chống hăm tã, nhiều mẹ bỉm sữa tìm đến các phương pháp tự nhiên - lành tính và an toàn cho trẻ nhỏ.
1. Chữa hăm bằng lá trầu không
Lá trầu không có tác dụng tiêu viêm, sát trùng, kháng khuẩn. Để trị hăm cho bé, mẹ rửa sạch 3-4 chiếc lá trầu không, đun sôi để nguội. Sau khi vệ sinh cho bé bằng nước sạch, mẹ dùng một chiếc khăn mềm nhúng nước lá trầu không, vắt ráo nước và nhẹ nhàng chấm lên vùng da bị hăm và xung quanh. Mỗi ngày 3 lần, liên tục cho đến khi vết hăm biến mất.
2. Chữa hăm tã bằng lá khế
Trong dân gian, lá khế hay được dùng để trị mề đay, dị ứng, mụn nhọt. Với chứng hăm tã, mẹ lấy một nắm lá khế rửa sạch, vẩy khô, giã nát cùng chút muối, cho thêm nước sôi để nguội rồi chắt lấy nước. Bạn lấy chiếc khăn sạch, chấm nước lá khế và vắt ráo, rồi nhẹ nhàng thấm vào vùng hăm của bé.
3. Chữa hăm bằng lá chè
Lá chè xanh lành tính và có tác dụng kháng khuẩn rất tốt. Trong trà xanh có chất Lyzozym giúp sát trùng da và tiêu diệt vi khuẩn. Vì vậy, lá chè là một trong những thảo dược giúp trị hăm tã ở trẻ. Ngoài việc dùng nước lá chè xanh để lau rửa, mẹ có thể đặt một túi trà khô vào trong tã hoặc bỉm của trẻ để tinh chất tannin trong trà giúp cho da bé khô thoáng và phục hồi dần những vùng da bị tổn thương.
4. Chữa hăm tã bằng cây mã đề
Mã đề giúp phần bị thương đỡ nhiễm trùng, ít mủ, giảm mùi hôi thối, lên da non tốt, thịt phát triển đều, không sần sùi. Mẹ hãy dùng một ít lá mã đề tươi, rửa sạch, ngâm qua nước muối để ráo rồi vò nát sau đó thoa nhẹ nước lên vùng da bị hăm.
5. Chữa hăm tã bằng búp ổi non
Trong lá ổi non và búp non có 7-10% tanin pyrogalic, khoảng 3% nhựa là những hoạt chất có tính kháng khuẩn. Chị em có thể lấy búp ổi hoặc lá ổi rửa sạch, đun lên lấy nước rửa chỗ hăm cho bé.
6. Chữa hăm tã bằng cỏ roi ngựa
Trong Đông y, cỏ roi ngựa thường được dùng để trị lở ngứa, mụn nhọt...Đun sôi lá cỏ roi ngựa khô từ 10 đến 15 phút. Tiếp theo, mẹ lấy miếng bông mềm thấm nước cỏ roi ngựa chấm vào các vết hăm cho bé, để tự khô, ngày làm 2 đến 3 lần.
7. Chữa hăm tã bằng baking soda
Baking soda, được bán nhiều ở các siêu thị và cửa hàng làm bánh, cũng có công dụng điều trị hăm tã. Hòa tan một muỗng baking soda trong khoảng 4 ly nước. Mỗi lần thay tã cho bé, bạn rửa vết hăm với hỗn hợp này. Sử dụng một chiếc khăn khô để lau nhẹ da trước khi thay tã mới.
8. Chữa hăm tã bằng bột yến mạch
Hàm lượng protein cao trong bột yến mạch giúp làm dịu làn da nhạy cảm và bảo vệ hàng rào tự nhiên của da. Bột yến mạch cũng chứa hợp chất hóa học saponin, giúp loại bỏ các loại dầu và bụi bẩn từ lỗ chân lông trên da. Mẹ chỉ cần pha thêm một muỗng canh bột yến mạch khô vào nước và rửa cho bé 2 lần mỗi ngày. Sau đó rửa sạch lại bằng nước sạch và lau khô.
9. Chữa hăm tã bằng dầu dừa
Đặc tính kháng nấm và kháng khuẩn của dầu dừa có thể tiêu diệt các loại nấm men gây hăm tã như Candida. Nó cũng có tác dụng làm dịu và chữa lành vết thương trên da bé. Hàng ngày, bạn bôi một chút dầu dừa lên vùng hăm tã nhiều lần.