Đọc bài viết 'Bà giành quyền chăm cháu, em uất lắm!' và 'Bất lực nhìn bà chăm cháu kiểu lạ đời', tôi cũng muốn chia sẻ câu chuyện của mình.
Mâu thuẫn giữa hai thế hệ trong việc chăm sóc con cái từ lâu vốn đã là đề tài muôn thủa trong những cuộc “buôn bán” của các chị em công sở chỗ tôi. Đành rằng các bà mẹ chồng của chúng ta rất yêu cháu và cũng có kinh nghiệm chăm con mà “bằng chứng sống” chính là các đức ông chồng của chúng ta đây. Tuy nhiên, thời gian trôi qua xã hội đổi khác. Việc chăm sóc trẻ em ngày nay đã có nhiều tiến bộ dựa trên khoa học hẳn hoi nhé, vậy tại sao ta cứ phải chịu để mẹ chồng dùng những kinh nghiệm cổ hủ lạc hậu đấy mà nuôi con mình? Không! Ai chứ tôi thì không thể chấp nhận chuyện đấy được.
Tôi còn nhớ như in quãng thời gian ấy, khi Cốm mới chỉ là đứa trẻ sơ sinh vài ngày tuổi. Trời tháng 4 đã nóng lắm rồi, vậy mà mẹ chồng tôi vẫn cuốn cho cháu tầng tầng lớp lớp khăn xô áo quần. Dù nhiệt độ ngoài trời có là bao nhiêu, bà vẫn luôn bật lò sưởi rồi đóng cửa kín mít để “hun” hai mẹ con tôi. Tối nào trước khi đi ngủ, bà cũng không quên đắp thêm cho Cốm một chiếc chăn bông to sụ. Mặc tôi đã nhỏ nhẹ nói với mẹ chồng rằng việc ủ trẻ quá kỹ sẽ khiến mồ hôi không thoát ra được gây cảm lạnh thì bà cũng không chịu nghe theo. Bà bảo với tôi là “Trẻ con nó khác chị, chị là trâu là ngựa mới không thấy lạnh. Nó mỏng manh bé xíu thế kia sao chịu được rét? Nó mà có làm sao, chị chịu trách nhiệm được không?”.
Phải nói, tôi vốn trước đây cũng là một nàng dâu rất biết nghe lời. Ngay từ ngày đầu bước chân về làm dâu, tôi đã luôn tâm niệm, mẹ chồng nói sai hay đúng cũng phải vâng dạ, ạ thưa. Kể cả có không làm theo bà, tôi cũng không được cãi. Vậy là, dù rất bứt rứt, nhưng tôi cũng chỉ còn cách “cầu cứu” chồng mình. Những tưởng anh là người hiểu biết, sẽ phân biệt đúng sai thế nhưng chồng tôi chỉ một điều mẹ đúng, hai điều mẹ giỏi. Các chị em hẳn cũng hiểu, làm mẹ mà ngay cả việc cởi bớt cho con một cái chăn tôi cũng không có quyền làm. Cay đắng biết bao!
Làm mẹ mà ngay cả việc cởi cho con cái chăn tôi cũng không có quyền (ảnh minh họa).
Sự tình cứ vậy diễn ra được vài ngày thì con tôi bắt đầu có dấu hiệu ho và thở khò khè rất khó khăn. Lúc này tôi đã lo lắng lắm rồi, ruột gan cứ như lửa đốt. Bố chồng và chồng tôi thì cố tỏ ra thản nhiên mà khuyên tôi là trẻ nhỏ sinh mổ, đứa nào chẳng thế. Về phần mẹ chồng, cho là cháu bị lạnh, bà càng ra sức ủ ấm. Thậm chí, tranh thủ lúc tôi không có ở trong phòng, mẹ chồng tôi còn lén lút pha nước gừng rồi cho Cốm uống. Đỡ đâu không thấy, chỉ thấy sức khỏe Cốm ngày một yếu đi. Con sốt cao, bú kém, thường xuyên quấy khóc, đi tiêu lỏng liên tục trong ngày. Đến lúc này thì cả nhà chồng tôi mới hốt hoảng gọi taxi đưa Cốm đi cấp cứu. Vậy là hồi đấy, cả nhà tôi ăn đầy tháng Cốm trong viện.
Vì quá bực tức, từ ngày ở viện về, tôi khóa trái cửa phòng. Trừ ngày hai buổi cô giúp việc vào đưa cơm, tôi không cho ông bà gặp cháu. Nghe chồng bảo, mẹ chồng tôi buồn và ân hận lắm. Tối nào bà cũng thức để nấu cháo đêm rồi mang lên tận phòng cho tôi. Tôi biết thừa bà chỉ cố lấy cớ đó để được gặp Cốm. Vì vậy tôi thường từ chối không ăn. Những hôm có hứng ăn cháo, tôi cũng cố ăn nhanh nhanh rồi nhắc khéo bà bê bát xuống. Dù chỉ một phút nhìn thấy bà lén âu yếm cưng nựng Cốm của tôi thôi là tôi khó chịu vô cùng. Không khí gia đình ngày càng căng thẳng.
Cho tới hôm rồi, trong khi đang ngồi ăn cháo, tôi đột nhiên thấy mẹ chồng bế Cốm lên và hôn yêu vào miệng cháu. Bực mình, tôi đứng dậy giật phắt Cốm từ tay bà rồi quát to “Mẹ đang làm gì thế? Mẹ hại cháu một lần chưa đủ sao? Miệng đầy vi trùng thế mà lại hôn vào miệng cháu?”. Mẹ chồng tôi ngỡ ngàng lắm, bà buồn bã đi ra khỏi phòng. Từ hôm ấy đến giờ, tôi chẳng thấy bà nấu cháo mang lên cho tôi nữa. Chồng tôi thì ngày một kiệm lời, anh cũng chẳng muốn nói năng gì với tôi. Tôi bỗng chợt thấy lo lắng, liệu có phải tôi đã quá đà rồi không?
Tâm sự của độc giả ở địa chỉ hoa_pham....@yahoo.com