Hoàng Thùy Trang (Trang Terumi - sinh năm 1988) là một trong những hotgirl đời đầu ở Hà Nội. Không chỉ nổi tiếng bởi vẻ ngoài xinh đẹp mà bất cứ ai khi tiếp xúc đều phải công nhận rằng Trang "tài sắc vẹn toàn".
Đoạt giải nhất Hoa học trò Icon năm 2006, top 24 Vietnam Idol 2007, Top 8 Phụ nữ thế kỷ 21 năm 2007, tốt nghiệp trường Đại học xây dựng, giành bằng thạc sĩ kinh tế tại Anh và làm quản lý tại Singapore ở một công việc thuộc lĩnh vực nhà hàng... bằng ấy những thông tin về Trang đủ cho thấy: dù là làm công việc gì, ở lĩnh vực nào, cô gái sinh năm 1988 này cũng luôn nỗ lực hết mình. Giờ đây, khi đã làm vợ, sinh con, Thùy Trang đang tiếp tục đạt được những thành công đầu tiên ở lĩnh vực mới mẻ mang tên: làm mẹ.
Bé Tiara - con gái của Thuỳ Trang và ông xã người Singapore hiện mới được 3 tháng nhưng đã nặng 6,5kg, vô cùng đáng yêu và nhanh nhẹn. Điều tuyệt vời nhất chính là: Tiara được mẹ cho bú sữa mẹ hoàn toàn từ khi mới sinh và hiện cô nhóc này còn được mẹ dự trữ hẳn một tủ lạnh sữa đầy.
Mỗi ngày trôi qua của bà mẹ một con Thuỳ Trang, giờ đây, không chỉ đầy áp lực với công việc ở Singapore, hay chuyện chăm sóc cô con gái nhỏ mà còn "kiêm" cả việc trở thành "quân sư" cho những bà mẹ đang và muốn được nuôi con bằng sữa mẹ.
Hoàng Thuỳ Trang (Trang Terumi - sinh năm 88) là một trong những hotgirl đời đầu ở Hà Nội. Không chỉ nổi tiếng bởi vẻ ngoài xinh đẹp mà bất cứ ai khi tiếp xúc đều phải công nhận rằng Trang "tài sắc vẹn toàn".
Khi đã làm vợ, sinh con, Thuỳ Trang đang tiếp tục đạt được những thành công đầu tiên ở lĩnh vực mới mẻ mang tên: làm mẹ.
3 kinh nghiệm "xương máu" để nhiều sữa nuôi con
Dù mới bắt đầu công cuộc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ, chị thậm chí đã dự trữ được cả một tủ lạnh sữa. Một câu hỏi quen thuộc nhưng là điều vẫn khiến rất nhiều chị em sắp và đang làm mẹ muốn học hỏi: Chị đã làm thể nào để có nhiều sữa mẹ nuôi con?
Thực ra theo mình nghĩ nhiều sữa hay ít sữa còn phụ thuộc vào cơ địa của mỗi người mẹ khác nhau. Tuy nhiên nếu các mẹ ít sữa làm đúng cách, biết kích sữa, thì lượng sữa sẽ ngày một tăng lên nhiều hơn.
Bản thân mình cũng có một số kinh nghiệm, kinh nghiệm trước tiên, cũng là quan trọng nhất theo mình, đó là mỗi người mẹ khi đang mang thai cần tìm hiểu trước các tài liệu về việc nuôi con bằng sữa mẹ. Mình ban đầu không nhận thức được tầm quan trọng của sữa mẹ, chỉ nghĩ nếu mình có thì tốt mà không có thì đành chịu và cho con uống sữa công thức.
Tuy nhiên từ hồi mang thai 5 tháng khi bắt đầu tìm hiểu và đọc nhiều tài liệu, mình mới thấy sữa mẹ là vô cùng quan trọng và quý báu cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, từ đó có quyết tâm mình bằng mọi cách phải nuôi con bằng sữa mẹ.
Cũng từ quyết tâm đó, từ một người mẹ trẻ lần đầu nuôi con, chưa biết thay tã, chưa biết cho con bú, không có tí kiến thức cũng như kinh nghiệm nào, mình trở thành một người am hiểu về sữa mẹ, không những giúp được bản thân mà còn giúp được rất nhiều mẹ khác. Có nhiều mẹ nhắn tin nhờ mình tư vấn về vấn đề này, có mẹ đã mất sữa hoàn toàn, có mẹ ngày một ít sữa đi, họ đều có một điểm chung là không hề đọc và tìm hiểu gì trước khi sinh con nên dẫn đến nhận thức sai lầm, khi đã mất sữa rồi mới tìm hiểu và hối hận. Vì thế kinh nghiệm trước tiên là các mẹ hãy tự trang bị kiến thức cho mình để tự tin nuôi con bằng sữa mẹ.
Kinh nghiệm thứ hai là dù ít hay nhiều sữa, cũng phải cho con bú mẹ thật nhiều những năm tháng đầu đời. Dạ dày của em bé sơ sinh rất nhỏ, đừng sợ mình không đủ sữa mà con đói. Sau này khi đã có nhiều sữa, mình thường cho em bé bú no rồi sau đó hút hết sữa ra. Mình chứng kiến có lần vừa hút sạch sữa ra bằng máy thì bé lại đòi bú thêm, mình đã nghĩ hết sạch sữa rồi, ai dè con bú được 30 giây thì mình cảm nhận rõ sữa tiếp tục về. Mình kể những điều này để thấy việc bé bú mút tốt hơn bất cứ loại máy hút sữa nào, sẽ kích thích sữa mẹ về nhanh hơn và nhiều hơn. Cho con bú mút nhiều không chỉ giúp mẹ có sữa mà còn giúp bé có tình yêu với bầu ngực của mẹ, tránh trường hợp bé được bú bình sớm rồi bỏ ti mẹ.
Thùy Trang hạnh phúc bên ông xã người Singapore và con gái nhỏ mới chào đời.
Mới nuôi con nhưng bà mẹ trẻ cũng đã kịp có một tủ lạnh sữa mẹ.
Về chế độ ăn uống thì sao, việc ăn uống có là tác nhân giúp hỗ trợ chị nhiều sữa nuôi con?
Có chứ! Kinh nghiêm thứ ba để nhiều sữa nuôi con chính là chế độ ăn uống:
Về uống: Mình uống nhiều nước, ngoài ra mình còn uống chè vằng. Mỗi ngày pha một ấm chè vằng khoảng 1-1,5l sau đó uống cả ngày, bên cạnh đó uống thêm nước ấm trước khi cho con bú hay hút sữa, uống sữa, nước cam, nước canh, sao cho mỗi ngày đủ 2,5-3l nước.
Về ăn: Mình kiêng ăn tanh và uống sữa bò trong vòng tháng đầu, còn lại mình ăn đầy đủ chất có trong các loại thịt, rau, hoa quả chứ không ăn theo thực đơn thịt nạc rau ngót cả tháng như nhiều mẹ. Mình không ăn nhiều thật nhiều mà ăn theo nhu cầu, quan trọng là đa dạng và đủ chất cho con. Trước khi bắt đầu ăn món gì mới như hải sản, sữa vv.. mình sẽ theo dõi con, nếu con vẫn tiêu hóa bình thường thì tiếp tục duy trì ăn.
Sau khi sinh mình có trao đổi với bác sĩ dinh dưỡng và bác sĩ sơ sinh, được các bác sĩ tư vấn rằng mẹ phải ăn đủ chất thì con mới đủ chất. Thức ăn mẹ dung nạp vào không phải sẽ ra luôn sữa cho con, mà còn quá trình trao đổi bên trong cơ thể mẹ, để khi tiết ra sữa cho con bú là sữa đó hoàn toàn vô trùng và thích hợp cho sự phát triển của các em bé. Em bé nhà mình trộm vía cho đến giờ tiêu hóa rất tốt, lên cân đều.
Thuỳ Trang cho biết, cô ăn uống đủ chất, ít kiêng khem. Con gái Trang lên cân tốt và khoẻ mạnh
Đã từng sai lầm khi nghĩ mình không đủ sữa
Theo chị, người mẹ nên "chờ sữa về" mới cho con bú hay nên chủ động "gọi sữa" ngay từ khi con mới chào đời?
Người mẹ không thể chỉ ngồi chờ sữa về, như vậy khi ấy sữa chưa về con sẽ uống sữa gì? Đó là quan niệm hết sức sai lầm, ngược lại, sữa càng chưa về càng phải cho con bú mút để kích thích sữa về nhanh hơn, cũng đừng thấy mình vắt tay không có sữa thì em bé bú sẽ không có sữa.
Bản thân mình cũng từng mắc sai lầm ở quan niệm này. Mình sinh mổ nên ban đầu không hề có sữa mẹ. Sữa chưa về, mình dùng tay kiểm tra thì thấy không có sữa. Em bé bú sai khớp ngậm làm mình đau buốt, em lại bú rất lâu, phải 1-2 tiếng, cứ dứt ra là lại khóc ầm lên. Mình sợ không có sữa em bé đói, nên mình lấy sữa đã xin của một mẹ trước đây để cho em bé ăn. Giữa chừng có một cô y tá vào và hỏi vì sao mình không cho em bé bú nữa?
Mình trả lời do mình không có sữa, không đủ cho em bé.
Cô y tá mới nói sao mình biết là mình không đủ sữa, nếu em bé vẫn muốn bú thì mình phải cho em bú khắc sẽ có sữa. Rồi cô y tá đặt em bé lên giường bú mẹ tiếp. Nhờ vậy mà hôm sau mình mới có nhiều sữa về.
Theo Thuỳ Trang, các bà mẹ không nên chờ sữa về mà phải chủ động cho con bú ngay từ khi mới chào đời.
Nếu để nói về một sai lầm về nhận thức hoặc hành động mà chị đã nhận ra khi nuôi con bằng sữa mẹ và muốn cảnh báo các bà mẹ, chị sẽ nói về vấn đề gì?
Nếu để nói về sai lầm về nhận thức mà mình mắc phải, ngoài sai lầm về việc nghĩ mình không đủ sữa khi mới sinh như mình đã nói ở trên thì sai lầm thứ hai là khi mới bay sang Sing, vì chuyến bay sớm và cả nhà bận đóng gói đồ đạc nên mình hoàn toàn không ngủ đêm hôm đó, trong quá trình bay cũng không ngủ được tẹo nào vì có em bé. Sang đến nơi, sữa mình hút ra gần như không có tí nào, trong khi trước đây thì vô cùng dồi dào. Mình đã stress, còn khóc nữa vì lo lắng mình mất sữa cho con. Nhưng càng stress càng lo lắng thì sữa lại càng không về.
Chính vì thế nếu rơi vào trường hợp này quan trọng là các mẹ phải bình tĩnh, tiếp tục ăn đầy đủ và uống thật nhiều nước ấm, sữa, nước trái cây. Ngoài ra, tích cực cho con bú, ngủ thật ngon, sữa sẽ về lại.
Không thể đổ lỗi vì sữa mẹ mà con không tăng cân.
Có một thực tế là ngày nay nhiều bà mẹ thậm chí có sữa mẹ vẫn muốn cho con uống sữa công thức vì thấy uống sữa mẹ con không lên cân. Chị quan niệm thế nào về vấn đề này?
Trước tiên phải làm rõ vấn đề thế nào là con không lên cân? Có hai trường hợp xảy ra.
Một là con bú mẹ mà không lên cân, con quá nhỏ, so sánh với bảng chỉ số cân nặng chiều cao của WHO thì con thiếu cân, lúc này mẹ cần đưa con đi khám với bác sĩ dinh dưỡng để được tư vấn thêm.
Hai là con bú mẹ mà ko lên cân hay lên cân chậm, vẫn trong chuẩn của WHO, con nhanh nhẹn lanh lợi, thì không có lý do gì lại cho con uống sữa công thức cả.
Có thể do bố mẹ thích con bụ bẫm, bố mẹ so sánh cân nặng của con với những đứa trẻ khác rồi sốt ruột, nhưng hấp thụ tốt, gầy hay béo là tùy theo cơ địa của mỗi đứa trẻ, đừng so sánh mà tội con. Mình thấy nhiều mẹ nuôi con bằng sữa mẹ, em bé vẫn bụ bẫm và tăng cân nhiều. Như em bé nhà mình mỗi tháng lên hơn 1 kg, 3 tháng bé đã đc hơn 6,5kg. Chính vì thế không thể đổ lỗi vì sữa mẹ mà con không tăng cân.
Xem: Bảng chiều cao cân nặng trẻ theo chuẩn WHO 2015
Bé Tiara bên bố.
Kinh nghiệm để đi làm vẫn không mất sữa nuôi con
Nhiều bà mẹ hay than phiền rằng việc đi làm khiến họ bị mất sữa, không còn sữa nuôi con. Khi con gái mới chưa đầy 3 tháng tuổi, chị lại đã quay lại đi làm với một khối lượng công việc khổng lồ. Làm thế nào để chị có thể tiếp tục duy trì con đường nuôi con bằng sữa mẹ?
Trước khi quay lại Sing làm việc, mình đã mang theo rất nhiều sữa mẹ được cấp đông để trong trường hợp đi làm bị thiếu sữa sẽ có đủ cho con, tuy nhiên cho đến giờ phút này mình vẫn chưa phải dùng đến. Mình thỏa thuận với cấp trên sẽ đến sớm hơn để hoàn thành công việc sớm và chiều về sớm, vì em bé nhà mình ngủ dậy hơi muộn nên đi làm sớm mình sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian ở với con hơn, cấp trên cũng đồng ý cho mình nghỉ trưa dài hơn để kịp về nhà cho con bú và vắt sữa.
Ngày của mình bắt đầu từ lúc trời còn chưa sáng, mình thức dậy, cho em bé bú, vắt sữa, có mặt ở chỗ làm lúc 7h. Trưa về cho em bé bú, vắt sữa. Chiều xong việc có thể về sớm, có lúc 3h đã có thể về. Khi đã về nhà là em bé sẽ bú mẹ trực tiếp đến tận sáng hôm sau. Mình vắt sữa thêm một lần trước khi đi ngủ nữa. Hiện tại ông bà ngoại đang giúp mình chăm sóc em bé khi mình đi làm.
Mình nhận ra sữa của mình sẽ ít đi khi mình mệt mỏi, thiếu ngủ, ăn uống ít. Vì thế mình lập ra thời khóa biểu cho riêng mình để duy trì nguồn sữa thật chất lượng.
- Khi đi làm cần lên kế hoạch làm việc khoa học và tập trung cao độ vào công việc để có năng suất cao, giải quyết hết việc tại chỗ làm, tuyệt đối không bê về nhà.
- Khi đã về nhà là hoàn toàn dành thời gian cho con, và ngủ giấc đêm thật ngon, thật sâu, mình đã tập cho bé Tiara ngủ đêm từ bé nên giờ cũng đỡ vất vả buổi đêm hơn và mình được ngủ đầy đủ.
- Dù ở chỗ làm có bận bịu mệt mỏi, vẫn phải duy trì ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, uống thật nhiều sữa, nước để có được nguồn sữa dồi dào và đủ chất cho bé.
- Khi đi làm về mệt vẫn phải cố gắng cho bé bú trực tiếp thật nhiều để kích thích tuyến sữa.
Tuy mình đi làm nhưng nhờ thời khóa biểu này mà bé Tiara chỉ bú có 2-3 cữ bình một ngày, còn lại là bú trực tiếp hoàn toàn..
Nhận một công việc vô cùng áp lực ở Singapore nhưng Thuỳ Trang vẫn thu xếp vẹn toàn để có nhiều nhất thời gian bên con
Nếu người mẹ biết sắp xếp hợp lý, không có chuyện mất sữa khi đi làm.
Từng vận chuyển 15 lít sữa mẹ sang Singapore
Chị nói chị đã mang theo sữa mẹ cấp đông sang tận Singapore, cụ thể như thế nào?
Chuyển sữa sang Sing thì ban đầu mình cũng lo lắng lắm. Tại chỉ cần hơi chảy một tí là sẽ không đảm bảo nhiệt độ tiêu chuẩn để trữ sữa đông lạnh. Tìm hiểu đủ các cách cuối cùng mình quyết định dùng đá khô để vận chuyển mặc dù cũng hơi run.
Vì khi tìm hiểu thì đá khô cực kì lạnh, nếu sờ tay vào sẽ bị bỏng lạnh, để trong bình quá kín sẽ dễ bị nổ. Bù lại đá khô lạnh nên sữa được đảm bảo, đá khô không chảy nước như đá thường mà bay hơi dần nên sạch sẽ, chỉ cần dùng một lượng ít nên không bị nặng hành lý.
Mình dùng thùng xốp, lót giấy báo rồi đổ một lớp đá khô mỏng, tiếp tục lót giấy báo rồi xếp sữa vào. Cứ một lớp giấy báo, một lớp đá khô, một lớp sữa. Mình đóng gói từ 4h sáng toàn bộ khoảng 15 lít sữa mẹ để ra sân bay. Sau 8 tiếng mình mở ra ở Sing thì đá vẫn còn chưa bay hơi hết và sữa thì đông lạnh hoàn toàn. Mình thở phảo nhẹ nhõm vì dù thế nào vẫn quyết tâm trân trọng từng giọt sữa mẹ cho con.
Chồng và gia đình có vai trò gì không trong hành trình nuôi con bằng sữa mẹ của chị?
Trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ, giúp đỡ lớn nhất của chồng mình đó là ủng hộ hoàn toàn quyết định của mình, kiên trì cùng mình chờ sữa về mà không sốt ruột. Anh động viên từ những hành động rất nhỏ thôi, như cầm bình sữa hứng ở dưới cho mình vắt sữa bằng tay, vì khi mới sinh chưa dùng được máy hút sữa.
Những ngày tháng đầu khi bé mới chào đời, vì sinh mổ nên mình rất đau, sữa non ít nên em bé bú lâu, nhiều, liên tục, chồng mình là người cả đêm cũng như ngày bế con đặt cạnh để mình cho bé bú nằm, hết bên này lại bế sang bên kia. Đêm khi bé quấy khóc anh cũng là người bế con, cho con ngủ, để mình được nghỉ ngơi đầy đủ sau sinh và sữa về dồi dào hơn.
Tuy nhiên ủng hộ mình thì không thể không nhắc đến bố mẹ mình, ngoài động viên tinh thần cho việc nuôi con bằng sữa mẹ, ông bà còn chăm sóc mình từng bữa ăn, thức uống.
Xin cám ơn chị đã chia sẻ!