Tính con gái tôi hơi nhút nhát khi gặp người lạ. Khi cháu được 2 tuổi, gia đình tôi cho đi nhà trẻ. Từ ngày đi học, cháu mạnh dạn hơn rất nhiều nhưng đêm hay dậy khóc gào. Tình trạng này kéo dài 2 tháng nay rồi, đêm nào cháu không dậy khóc nức nở thì cũng khóc nhẹ.
Tôi để ý những lúc đó cháu hoàn toàn vẫn đang ngủ, phải đánh thức cháu dậy hẳn vì tôi nghĩ cháu ngủ gặp ác mộng. Thức giấc rồi cháu vẫn khóc. Hôm nào bị vợ chồng tôi la mắng (chỉ quát nhẹ chứ không làm cháu sợ khiếp) là y như rằng tối đó cháu lại khóc thét.
Mong được các chuyên gia tư vấn giúp, liệu việc này có ảnh hưởng tới sự phát triển hệ thần kinh của cháu không? Chúng tôi cần có biện pháp chữa trị cho con như thế nào? (Bích Hà)
Ảnh minh họa: Kiddycharts.com. |
Trả lời:
Chào bạn,
Như bạn chia sẻ, con bạn đi học từ lúc 2 tuổi và đến nay đã được 6 tháng nhưng tối nào cũng ngủ mơ, la hét thảm thiết, thường 1-2 lần trong đêm và kéo dài từ 30 phút đến một tiếng. Cháu khóc khi đang ngủ, đánh thức dậy hẳn vẫn khóc, đặc biệt là những hôm bị bố mẹ la mắng. Với những vấn đề bé đang mắc phải có thể do một trong hai nguyên nhân sau:
Nguyên nhân thứ nhất, có thể do bé khá nhút nhát, được gia đình chăm sóc và bao bọc rất cẩn thận nên khi thay đổi môi trường thì gặp khó khăn trong việc thích nghi, làm quen với môi trường mới.
Nguyên nhân thứ hai có thể do môi trường mới chưa thực sự phù hợp với trẻ. Để xác định xem trường hợp của bé có thuộc nguyên nhân này hay không, bạn hãy tham khảo các phụ huynh khác có con học cùng lớp xem các bạn ấy có gặp phải tình trạng tương tự không. Quan trọng là bạn phải biết được các hình thức và phương pháp tiếp cận của giáo viên trong lớp với cháu đồng thời tìm hiểu rõ thời gian biểu, sinh hoạt của cháu tại lớp như thế nào.
Sau khi đã hiểu rõ nguyên nhân khiến bé có biểu hiện không tích cực này, bạn hãy giúp bé khắc phục bằng cách:
Nếu nguyên nhân do bé quá nhút nhát, bạn hãy giảm bớt bao bọc bé, cho bé cơ hội tiếp xúc, giao lưu và thử nghiệm bản thân nhiều hơn. Bố mẹ nên hướng dẫn trẻ giao lưu kết bạn, không nên quát mắng, dọa nạt trẻ mà nên khuyến khích, khen ngợi để trẻ trở nên tự tin. Còn khi nguyên nhân là do môi trường mới chưa phù hợp với trẻ thì bạn nên trao đổi với giáo viên của bé, với nhà trường để được sự phối hợp giúp đỡ, tạo môi trường tốt cho trẻ hoặc tìm cho con một môi trường mới phù hợp hơn.
Ngoài ra, bạn cần tìm hiểu xem môi trường ngủ đã đảm bảo an toàn cho giấc ngủ của trẻ chưa? Cần kiểm tra âm thanh và ánh sáng có gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của con không? Những hoảng loạn và mơ mộng trong khi ngủ có thể xuất phát từ nguyên nhân tâm lý. Khi trẻ thay đổi môi trường sinh hoạt, trẻ khó thích nghi, đặc biệt là trong giai đoạn chuyển tiếp từ môi trường vui chơi tự do trong gia đình sang môi trường lớp học, trẻ dễ hoảng loạn và hay giật mình, mơ và khóc trong đêm. Bên cạnh đó, hệ thần kinh của trẻ chưa phát triển ổn định, nếu ban ngày trẻ nô nghịch quá, đêm đến trẻ cũng hay mơ màng, hoảng loạn.
Với trường hợp của bạn, tình trạng của con bạn kéo dài thường xuyên, với mức độ 1-2 lần trong đêm thì bạn có thể thay đổi môi trường lớp học mới để xem con có những biểu hiện như vậy không? Đồng thời bạn có thể đưa con đến bệnh viện hoặc các trung tâm hỗ trợ về tâm lý để kiểm tra và có phương hướng can thiệp phù hợp cho con.
Chúc bạn thành công.
Thạc sĩ Tạ Thị Thu Huế
Trung tâm hỗ trợ tâm lý cộng đồng SPC