Với các biểu hiện như vậy thì bé nhà em chậm nói hay bị câm ạ? Nhờ các chuyên gia tư vấn giùm em? (Thư Hà)
Trả lời
Chào bạn,
Đối với trẻ 27 tháng tuổi, trong sự phát triển ngôn ngữ trẻ cần đạt được các mốc như sau:
- Nói câu 2 từ: Trẻ cần nói được những câu bao gồm 2 từ, ví dụ như “con mèo”, “con cá”, “quả cam”, “ăn cơm”, “uống nước”…
Ảnh minh họa: Funny-pictures.picphotos.net. |
- Chỉ đúng 3- 4 hình: Chỉ vào hình ảnh khi người lớn gọi tên hình và hỏi trẻ, ví dụ mẹ đưa ra 4 tranh hình con chó, mèo, cá, ngựa và hỏi trẻ “con chó đâu?”, trẻ biết chỉ đúng hình con chó trong 4 hình đó, lần lượt với những con vật còn lại.
- Gọi tên một hình: Gọi đúng tên hình ảnh đó khi bố mẹ đưa hình ảnh cho trẻ và hỏi trẻ “con/quả/cái gì đây?”
- Chỉ 6 bộ phận cơ thể: Chỉ đúng mũi, mắt, miệng, tai… 6 bộ phận khi bố mẹ hỏi, ví dụ “mũi con đâu?” hoặc chỉ vào con búp bê, người đối diện với trẻ.
- Hiểu lời trẻ nói: Những từ trẻ diễn đạt ra bố mẹ, người khác nghe và hiểu được điều trẻ nói.
- Hiểu 2 hành động: Đưa cho trẻ bức tranh hình con mèo, chó, chim, ngựa… hỏi trẻ xem con nào biết bay/kêu meo meo/sủa gâu gâu… trẻ đạt chỉ tiêu khi chỉ đúng 2/4.
Khi trẻ đạt được 4/6 tiêu chí trên thì mốc phát triển ngôn ngữ của trẻ đang ở ngưỡng phát triển bình thường. Dưới 4 tiêu chí thì sự phát triển ngôn ngữ của trẻ là nghi ngờ chậm phát triển hoặc chậm phát triển ngôn ngữ.
Theo thông tin mà bạn chia sẻ thì hiện tại bé nhà bạn đang bị chậm phát triển ngôn ngữ, cụ thể là bé chậm phát triển trong ngôn ngữ diễn đạt. Bạn có lo lắng là bé chậm nói hay bị câm (theo tôi hiểu là bạn đang lo lắng không biết bé chỉ chậm nói trong một thời gian nhất định hay bị câm suốt đời). Với thông tin mà bạn chia sẻ thì chúng tôi chưa đủ điều kiện để kết luận về tình trạng chậm nói của trẻ xem trẻ có khả năng nói được hay không.
Để xác định xem bé có bị câm hay không bạn cần cho bé đi kiểm tra y học tại các bệnh viện, các bác sĩ sẽ kiểm tra lưỡi, vòm họng, khả năng thổi hơi, phát âm, nghe và có thể kiểm tra cả não bộ của trẻ nữa, thông qua những thông tin này bác sĩ sẽ cho bạn biết tiền đề ngôn ngữ về mặt sinh học của bé có đáp ứng được hay không.
Bên cạnh đó bạn cần đưa bé đến các trung tâm tâm lý để kiểm tra các tiền đề ngôn ngữ về mặt tâm lý của trẻ, kiểm tra xem trẻ có bị rối nhiễu tâm lý nào ảnh hưởng đến ngôn ngữ hay không. Thông qua việc kiểm tra, đánh giá trực tiếp các chuyên gia sẽ chỉ cho bạn phương pháp giáo dục can thiệp để khắc phục chứng chậm nói của trẻ.
Tuy nhiên, đối với con bạn, theo những thông tin về bé, chúng tôi thấy rằng cháu có được một số tiền đề về ngôn ngữ khá khả quan, đó là bé có thể phát ra được những âm bi ba bi bô, khả năng nghe và hiểu ngôn ngữ của bé khá tốt. Với những thông tin này chúng tôi rất hy vọng bé chỉ bị chứng chậm nói tạm thời. Điều cần thiết bây giờ là bạn không nên quá lo lắng về trẻ mà cần đưa bé đi khám cả y học và tâm lý để xác định tình trạng chậm nói và định hướng giúp đỡ bé càng sớm càng tốt.
Chúc gia đình bạn gặp nhiều may mắn và bé yêu ngày càng tiến bộ.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Quỳnh
Trung tâm hỗ trợ tâm lý cộng đồng SPC