Tôi nói đủ cách thì cháu cũng lấy sách ra tập tô màu nhưng theo kiểu nhìn xem mẹ có để ý không. Tôi không biết phải làm sao để cháu có tính tự giác học tập vào mỗi buổi tối? Ngoài ra, cháu rất lười ăn, tôi cũng không biết làm thế nào. Nhờ chuyên gia tư vấn. (Minh Huệ)
Ảnh minh họa: MT. |
Trả lời:
Chào bạn,
Bạn có lo lắng hai vấn đề ở trẻ, đó là: trẻ lười ăn và chưa tự giác học tập. Tôi xin chia sẻ với bạn về những vấn đề này như sau:
Trước hết về việc trẻ lười ăn, bạn có thể sử dụng khen thưởng để khuyến khích trẻ, không nên nóng nảy quát nạt khiến trẻ thêm sợ việc ăn uống. Bạn có thể biến giờ ăn thành những giờ chơi thú vị đối với trẻ bằng cách đóng vai khi ăn như “Con là Thỏ con thích ăn cà rốt và mẹ Thỏ nấu súp cà rốt cho Thỏ ăn nè”... Hoặc bạn đặt tên cho các món ăn thật mới mẻ, hấp dẫn như món thịt viên - mặt trời đáng yêu, canh cà chua - mây lượn vườn hồng... như vậy trẻ sẽ rất vui vẻ, thích thú.
Một điều không thể thiếu nữa là bạn cần thay đổi cách chế biến các món ăn thường xuyên để trẻ không chán, hôm nay có thể là món thịt kho, ngày mai có thể là thịt rán, thịt luộc, thịt xào, thịt làm nhân bánh, thịt trộn...
Thứ hai là việc tự giác học tập ở trẻ, bạn lưu ý rèn tính tự giác học tập cho con ngay từ nhỏ là rất tốt, tuy nhiên với lứa tuổi mầm non của con bạn cũng không nên quá nặng nề. Muốn trẻ tự giác học tập thì chính bản thân trẻ phải cảm thấy hứng thú học. Nếu bạn thúc giục, gò ép trẻ quá nhiều vô tình lại khiến trẻ thấy sợ học, chán học ngay từ nhỏ thì sẽ rất nguy hại về sau.
Vậy vấn đề bạn cần làm cho con hiện giờ là giúp con yêu thích việc học, yêu thích khám phá, yêu trường lớp, thầy cô, bạn bè thì một cách tự nhiên con sẽ hình thành tính tự giác học tập. Mỗi ngày đón con đi học về bạn có thể hỏi “Hôm nay trên lớp con có chuyện gì vui nhỉ? Hôm nay bạn nào được cô khen?...”.
Cha mẹ nên lồng ghép linh hoạt giữa học và chơi để trẻ cảm thấy việc học nhẹ nhàng, thú vị. Có rất nhiều cách mà trẻ vừa được chơi vừa thu nạp được kiến thức và ngược lại, chẳng hạn chơi trò bán hàng để học đếm, chơi xâu hạt để phân biệt màu sắc, chơi đóng vai để phát triển ngôn ngữ...
Ngoài ra, cha mẹ hãy khuyến khích con tự giác trong mọi việc hằng ngày chứ không chỉ riêng trong học tập, ví dụ: tự giác ngủ đúng giờ, dậy đi học, vứt rác vào đúng nơi quy định… có như vậy thói quen tự giác mới được hình thành ở trẻ ngay từ nhỏ một cách bền vững. Sau mỗi việc trẻ tự giác cha mẹ hãy dành tặng những lời động viên, khen ngợi chân thành nhất để kích thích trẻ tiếp tục phát huy.
Chuyên viên tâm lý Nguyễn Thế Anh
Trường mầm non Hoàng Gia