Có rất nhiều bằng chứng cho thấy các bé vừa chào đời đã có nhu cầu giao tiếp với người khác, và bé tương tác với chúng ta sớm hơn nhiều trước khi có nụ cười chính thức đầu tiên (không phải là cười mụ).
Từ rất sớm, bé có thể bắt chước các đặc điểm trên nét mặt của cha mẹ, chẳng hạn cử động lưỡi và mở to mắt. Thực tế, trẻ được lập trình để tham gia vào "điệu nhảy xã hội" bằng việc trao đổi ánh nhìn với bạn, và thay đổi lần lượt các kiểu nét mặt như trên. Hành vi này là cực kỳ hiệu quả trong việc thu hút sự chú ý của người khác.
Ảnh: treeoflifemothering.ning. |
Thông thường, một em bé sẽ nở nụ cười giao tiếp với người khác vào khoảng 4 đến 6 tuần tuổi, thậm chí còn sớm hơn và lướt qua rất nhanh. Nhà tâm lý Steve Biddulph cho biết, khi mới sinh, các bé trai có xu hướng tiếp xúc mắt ít hơn và cười ít hơn bé gái. Điều này có nghĩa cha mẹ cần tương tác vào trao đổi với trẻ nhiều hơn, để khi đến tuổi chập chững bé có thể nói chuyện tốt như các bé gái.
Trong một nghiên cứu của Canada về các ông bố, tất cả đều nói rằng yếu tố quan trọng trong giao tiếp với con là khi lần đầu tiên trẻ biết cười và "trò chuyện" với họ.
Nụ cười là sự khởi đầu của việc trở thành một con người xã hội. Thậm chí, nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ biết cười từ sớm là biểu hiện của sự thông minh.
Thuận An (theo babycenter)