Liên tiếp các vụ quên trẻ trên ô tô mùa nắng nóng
Bé trai ở Vĩnh Phúc hôn mê vì bị bỏ quên 3 tiếng trên xe giữa trời nắng
Những ngày qua có tới 2 vụ trẻ bị bỏ quên trên ô tô, đáng nói những vụ việc này lại xảy ra vào lúc thời tiết miền Bắc đang trong những ngày nắng nóng gay gắt, dễ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ.
Mới đây, một bé trai 19 tháng tuổi ở Vĩnh Phúc bị bố mẹ bỏ quên trên xe ô tô 3 giờ đồng hồ dẫn đến việc bé bị hôn mê, sốt cao 41 độ C, co giật... đã khiến dư luận xôn xao. Các bác sĩ đã xác định bé bị sốc nhiệt do nắng nóng. Sau 1 ngày điều trị tại bệnh viện, bé trai này đã có thể tiếp xúc chậm, chưa tỉnh hoàn toàn, vẫn còn những cơn kích thích thích vật vã, sốt 37,5-38,5 độ C, chưa tiêu hoá được thức ăn, ăn vào lại nôn ra.
Ngày 9/6, lại thêm 1 bé trai lớp 4 bị bỏ quên trên xe đưa đón ở Hà Nội. Theo đó, khoảng 7h20 sáng 9/6, trường tiểu học Nam Từ Liêm nhận được tin báo của người dân địa phương về việc phát hiện em N.M. bị bỏ quên trên xe ô tô BKS 29B-061…
"Khi đó, người dân chụp ảnh gửi cho nhà trường. Nhà trường đã lập tức cử bảo vệ đi tìm vị trí xe ô tô đang đỗ vì xe này không thuộc quản lý của nhà trường" - Hiệu trưởng nhà trường thông tin.
Trong quá trình nhà trường đi tìm nơi xe đưa đón dừng đỗ, tài xế ô tô đã tự lấy xe máy chở em N. M. vào trường.
Sau đó, chia sẻ với giáo viên chủ nhiệm, em N.M. kể rằng, em đã ngủ quên nhưng không thấy ai gọi dậy. Khi tỉnh dậy, em M. đã tự đập cửa, nhờ người dân gần đó hỗ trợ đưa ra ngoài.
Các vụ việc trên khiến không ít người nhớ lại sự việc bé trai 6 tuổi tử vong sau khi bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường Gateway hồi tháng 8/2019. Bé L.H.L (6 tuổi) học sinh lớp 1 tại Trường quốc tế Gateway (Cầu Giấy, Hà Nội) tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh của nhà trường đã gây rúng động và phẫn nộ trong dư luận.
Chỉ sau vụ việc cháu L.H.L hơn 1 tháng, ngày 16/9/2019 1 bé trai 3 tuổi cũng đã bị quên trên xe đưa đón của trường mầm non ở Bắc Ninh. Bé trai sau đó được phát hiện và nhập viện trong tình trạng hoảng loạn, sốt.. do bị bỏ quên 8 tiếng trên xe.
Những vụ việc nghiêm trọng trên chính là lời cảnh báo tất cả các bậc phụ huynh cần hết sức tập trung, cẩn trọng khi cho con đi xe ô tô, đặc biệt là trong lúc thời tiết đỉnh điểm nắng nóng như hiện tại.
Bỏ quên trẻ em trên xe ô tô: Hiểm họa khó lường và cách hạn chế
Theo các chuyên gia y tế, bị bỏ quên trên xe hay ngủ trong ô tô đóng kín, bật điều hòa rất dễ bị ngạt khí do thiếu oxy và được y học gọi là dạng ngạt hệ thống, rất khó cứu chữa. Bởi không gian bị đóng kín, lượng oxy trong khoang xe giảm dần, trong khi người ngủ trên xe hoặc ngủ say lịm dần, hoặc ngạt khí dần dần. Nếu không cấp cứu kịp thời sẽ thiếu oxy lên não, để lâu sẽ dẫn đến hôn mê, tử vong, cứu được cũng sẽ sống đời sống thực vật do não bị tổn thương.
Để hạn chế tối đa những điều nguy hiểm xảy ra với bé, bố mẹ cần lưu ý những điều sau đây:
Tuyệt đối không được để bé ở trên xe một mình
Ở bất cứ nơi đâu ngoài nhà mình, bố mẹ cũng tuyệt đối không nên để con nhỏ một mình, đặc biệt là để bé trên xe ô tô.
Dù không diễn ra thường xuyên nhưng hàng năm vẫn có những câu chuyện đáng tiếc xảy ra khi bố mẹ chủ quan để con trong xe một mình vì ý nghĩ chỉ đi có việc một lát rồi sẽ quay trở lại ngay.
Nếu để trẻ một mình trong xe khi xe vẫn còn nổ máy thì chỉ cần lũ trẻ tò mò đạp nhầm chân ga là có thể gây nguy hiểm chết người. Còn nếu xe đã tắt máy, điều hoà không hoạt động, nền nhiệt trong xe tăng cao có thể khiến trẻ bị sốc nhiệt hoặc ngạt khí CO2 dẫn đến tử vong.
Hướng dẫn trẻ nhỏ cách tự cứu mình khi ở trên xe một mình
Hãy hướng dẫn các em biết cách bấm còi và phát tín hiệu cảnh báo cho người bên ngoài chú ý.
Đối với những gia đình sử dụng xe ô tô hoặc có trẻ nhỏ thường xuyên đi xe công cộng thì các chuyên gia khuyên rằng, hay tự trang bị cho các con những kiến thức an toàn khi đi xe và cách tự giải thoát cho mình khi bị bỏ quên, mắc kẹt trên xe một mình.
Cụ thể, các bạn hãy dạy con cách mở cửa từ bên trong khi xe bị chốt khóa và tắt máy. Chỉ cho các em biết các nút mở cửa và vị trí lẫy khóa. Đồng thời, chỉ cho các em biết cách bật tín hiệu cảnh báo khẩn cấp trên xe và bấm còi (vì khi tắt máy thì các hệ thồng đèn khẩn cấp và còi xe vẫn hoạt động bình thường).
Thứ hai, bạn cũng cần hướng dẫn trẻ cách gây chú ý với người đi bên ngoài khi xe bị chốt cửa bằng cách dùng tay hoặc chân đập vào cửa kính, hay tìm các vật nhọn, cứng trên xe để đập vào kính.
Còn đối với xe khách, buýt, bạn nên chỉ cho các em vị trí cất búa cứu hộ trên xe và cách sử dụng để dùng khi bị bỏ quên trên xe.
Nghỉ ngơi, uống đủ nước nếu đi đường dài
Nếu gia đình có một hành trình di chuyển dài, bố mẹ nên sắp xếp để cả nhà dừng chân nghỉ ngơi thường xuyên. Vì trẻ nhỏ không thể chịu đựng tốt như người lớn, nếu được dừng nghỉ hít thở không khí bên ngoài, chạy nhảy, ăn uống sẽ giúp bé được nạp thêm năng lượng, tỉnh táo trong suốt chuyến đi.
So với việc đi xe ô tô, khi đi xe máy bé cũng phải tiếp xúc với ánh nắng trực tiếp và nhiệt độ cao hơn, việc này có thể khiến bé bị mất nước. Bố mẹ nên chuẩn bị đủ nước uống cho con. Tốt nhất là hạn chế di chuyển bằng xe máy nếu cả nhà có một chuyến đi dài.
Trang bị đồ chống nắng cho trẻ
Vào những ngày hè nóng bức, mặc dù ngồi trong xe, bật điều hoà không nóng nhưng ánh nắng mặt trời vẫn chiếu vào làn da của bé qua lớp kính. Ánh nắng mặt trời rất có hại cho da, nhất là da của trẻ con, nắng chiếu quá lâu cũng khiến trẻ bị say nắng. Vì vậy, bố mẹ cần trang bị rèm hoặc tấm che cửa sổ để sử dụng vào những ngày nắng nóng.
Đối với những gia đình cho trẻ nhỏ di chuyển bằng xe máy, bố mẹ chú ý đội mũ, mặc áo chống nắng, đeo kính mát cho con...
Nguồn: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/be-trai-hon-me-vi-bi-bo-quen-tren-xe-giua-nang-nong-hau-qu...Nguồn: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/be-trai-hon-me-vi-bi-bo-quen-tren-xe-giua-nang-nong-hau-qua-khon-luong-vi-1-phut-lo-la-20200611102335564.htm