Hơn 3 tháng gần đây, mỗi khi tức giận bé thường nổi khùng, khóc lóc và đòi cắn ai đó hoặc đánh mẹ. Người lạ đến nhà, bé không tiếp, nếu cố tình đòi bế hay động vào người là bé nổi khùng và đánh người đó. Tôi không biết đó có phải là một trong những dấu hiệu của bệnh tự kỷ không? Tôi phải dạy cháu thế nào mỗi lần cháu nổi khùng. (Hương)
Ảnh minh họa: Pixshark.com. |
Trả lời
Chào bạn,
Để nói về một trẻ có bị chứng tự kỷ hay không cần đánh giá trực tiếp trên rất nhiều phương diện về quan hệ xã hội, giao tiếp, hành vi, nhận thức, ngôn ngữ… Chính vì vậy, trường hợp của con bạn nếu chỉ có những biểu hiện như bạn nói ở trên thì chưa thể kết luận được rằng con bạn có bị tự kỷ hay không.
Theo như chia sẻ của bạn, cháu đang ở độ tuổi lên 3, đây là độ tuổi có những biến đổi về tâm lý mà khoa học gọi là “khủng hoảng tuổi lên 3”. Ở độ tuổi này, mỗi bé có những biểu hiện khác nhau, nhẹ là trở nên bướng bỉnh hơn, không nghe lời bố mẹ, hay nói ngược và đòi làm mọi thứ theo cách của mình hay nặng hơn có thể là ăn vạ, cáu kỉnh, đập phá đồ đạc hay đánh lại người khác. Mức độ khủng hoảng của trẻ phụ thuộc vào môi trường giáo dục. Các trẻ càng được dạy nhiều kỹ năng, khả năng ngôn ngữ tốt và được bố mẹ giáo dục đúng cách thì mức độ khủng hoảng sẽ ít đi.
Sở dĩ bé có biểu hiện này là do ở độ tuổi này, bé đã hình thành được một số kỹ năng vận động, ngôn ngữ, khả năng tự phục vụ mình. Trẻ hay so sánh mình với người lớn, muốn được làm mọi việc như người lớn. Tuy nhiên, với khả năng của mình, con chưa thể tự làm được mọi việc hoặc bị bố mẹ ngăn cấm nên nảy sinh xung đột. Mặt khác, khả năng ngôn ngữ chưa phát triển hoàn thiện khiến các bé chưa biết cách diễn đạt những mong muốn của mình. Và chính điều này gây ức chế, làm các bé dễ cáu bẳn và nổi khùng. Vì thế, khi cháu có những hành vi thái quá bạn chớ nên quy chụp cho bé là hư, láo, và không nên quát mắng, đánh trẻ. Điều này sẽ làm cho con cảm thấy căng thẳng, có thể sợ lúc đó mà im lặng nhưng sau đó sẽ có lúc bột phát, trở nên hung dữ hơn.
Để hạn chế những biểu hiện trên của con, bạn có thể:
- Khi con có hành vi đánh mẹ hay bất kỳ người nào khác, bạn hãy giữ bình tĩnh, không nên hà khắc và lập tức nổi nóng, bạn hãy tạo ra sự phân tâm cho con bằng một hành động khác để con quên đi việc đang định thực hiện. Bạn làm cho con cảm thấy an toàn như bế con lên, nhìn vào mắt con, nói nhỏ nhẹ rằng mình rất yêu con, âu yếm vuốt ve con, ôm chặt con vào lòng. Khi đó sự tức giận của con sẽ mất đi và sự đáng yêu sẽ trở lại với con.
- Tạo điều kiện cho con vui chơi thật nhiều, nhất là đóng vai: Bạn cho con được nhập vào các vai khác nhau để con thể hiện bản thân. Bạn có thể cùng chơi đóng vai với nhóm bạn. Điều lưu ý ở đây là trong bất cứ tình huống nào bạn cũng cần thật bình tĩnh, đừng bị kích động bởi những biểu hiện của bé. Lúc nào bạn cũng nên tỏ thái độ tôn trọng, đối xử với bé như một người lớn như khi bạn yêu cầu con làm điều gì đó, hãy nói nhẹ nhàng với con về điều đó một cách cụ thể, rõ ràng và đừng tỏ thái độ bắt ép hay ra lệnh cho bé.
- Bạn cần cố gắng kiểm soát cảm xúc của mình để không bị cuốn theo những cảm xúc của con, đặc biệt khi con có hành vi khóc hay đánh để đòi điều gì đó theo ý riêng. Bạn cần cứng rắn hơn với những gì con đòi hay cần thực hiện, nhưng lại hết sức tỏ ra thân thiện, yêu thương và đồng cảm với bé.
- Trong một số tình huống cần thiết, bạn có thể cũng phải có những hình phạt nhưng phải phù hợp, không nên sử dụng hình phạt đánh đòn vì làm cho bé sợ và làm theo ý bạn lúc đó nhưng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của trẻ về sau.
Sau một thời gian bạn áp dụng các phương pháp mà con không cải thiện, bạn có thể đưa con đến các trung tâm hỗ trợ tâm lý để được tư vấn và hỗ trợ để tạo điều kiện phát triển tốt nhất với con.
Chúc bạn và con sớm thành công.
Thạc sĩ tâm lý Tạ Thị Thu Huế
Trung tâm hỗ trợ tâm lý cộng động SPC