Nói chuyện với chuyên gia tâm lý, chị Hoa (mẹ của Trung) cho biết, mấy hôm trước chồng chị giận quá đã đét vào mông bé mấy cái đau điếng. "Mỗi lần thấy con phản ứng như thế tôi rất ngại nhưng không biết xử trí làm sao, chiều con thì mất mặt mà đánh lại sợ bé khóc, rồi người ta dị nghị", người mẹ trẻ bộc bạch.
Ảnh minh họa: Baby. |
Cũng làm cha mẹ nhiều phen bối rối, bé Thùy (quận 3, TP HCM) không những phản ứng gay gắt mỗi khi có ai đụng đến búp bê của mình mà còn chạy đến cắn người đó thật đau. Mấy hôm trước gia đình bác Xuân (bạn của mẹ) đến thăm nhà Thùy. Thấy nhiều búp bê đẹp, con gái của bác Xuân lấy ra chơi. "Vừa lúc đó Thùy đi học về thấy có người đụng đến búp bê của mình, con bé phản ứng dữ dội vừa khóc vừa lao vào cắn bạn. Vì quá bất ngờ nên không ai kịp can ra. Thật xấu hổ quá", mẹ của bé Thùy thuật lại.
Trò chuyện với phụ huynh, chuyên viên tham vấn tâm lý Phạm Thị Thúy giải thích, trẻ nhỏ thường thích đặt mình làm trung tâm và muốn sở hữu những đồ vật riêng không để người khác đụng đến. Khi chưa học được tính kiên nhẫn, phần lớn trẻ thường bốc đồng nên khó có thể ngồi đợi đến lượt mình được chơi.
Theo bà Thúy, cha mẹ có vai trò rất lớn trong việc giáo dục con trẻ đức tính biết chia sẻ và không sống ích kỷ. Vì thế ngay từ khi con còn nhỏ, cha mẹ có thể dạy bé bằng cách khuyến khích con biểu lộ sự quan tâm, thông cảm với người khác bằng một số cách như sau:
1. Cho trẻ thấy việc chia sẻ mang lại niềm vui như thế nào
Khi vui chơi cùng con, cha mẹ hãy dạy và khuyến khích con mình tham gia các trò chơi đòi hỏi tính tập thể, nhiều người cùng chơi như xếp hình, kéo co…, từ đó trẻ thấy rằng việc chia sẻ mang lại niềm vui.
Hãy rủ trẻ cùng thực hiện công việc hàng ngày như trồng cây, sơn hàng rào, hay rửa xe, lau bàn ghế, tạo cơ hội cho trẻ chia sẻ với bạn đồ ăn mà chúng thích. Nếu có điều kiện thì nhớ ghi hình những cuộc đi chơi của trẻ với bạn bè, những kỷ niệm vui vẻ đó sẽ được khắc ghi trong lòng trẻ.
2. Đừng phạt khi trẻ tỏ ra ích kỷ
Nếu cha mẹ mắng trẻ là “đồ ích kỷ”, rồi trừng phạt khi trẻ chưa biết chia sẻ, hoặc buộc bé phải chia một vật nào đó rất yêu thích thì bạn vô tình gieo rắc nơi trẻ sự oán hận, chứ không phải lòng quảng đại. Để khuyến khích trẻ biết chia sẻ thì sự khích lệ sẽ mang lại hiệu quả tích cực hơn lời quở trách.
Phụ huynh cũng không nên quá lo lắng khi thấy trẻ giữ riêng cho mình một số đồ chơi cụ thể nào đó. Có thể sau này khi trưởng thành, chúng sẽ hiểu được chia sẻ với các bạn khác thì vui hơn là giữ riêng một mình.
3. Giúp trẻ bày tỏ thái độ
Khi trẻ cãi nhau và giành giật đồ chơi, hãy giúp chúng hiểu ra điều gì đang xảy ra. Nếu một đứa trẻ đang giữ riêng một thứ đồ chơi nào đó, bạn hãy giải thích cho trẻ biết bạn của bé đang cảm thấy thế nào. Ví dụ, bé rất thích cái giỏ nhựa và không muốn ai đụng tay vào. Đừng vội la mắng bé, cha mẹ hãy đặt mình vào tình huống đó để hiểu tâm lý của bé. Biết đâu bạn khám phá ra rằng, bé không cho bạn mình chơi chung cái giỏ chỉ vì đã đựng đầy đồ bên trong, hoặc vì bé đặc biệt quý cái giỏ đó do ông nội tặng cháu nhân ngày sinh nhật…
4. Giải thích cho trẻ hiểu cảm giác bị bạn từ chối chia sẻ đồ chơi
Bạn đặt tình huống và hỏi con: “Bạn Minh có xe cẩu rất đẹp, con muốn mượn bạn chơi một chút, nhưng bạn không cho, con rất buồn đúng không?”. Bé sẽ trả lời: “Dạ, đúng ạ”. “Nếu bạn cho con mượn xe cẩu chơi một chút, thì con sẽ trả lại cho bạn sau khi chơi xong, đúng không?”. “Dạ, có”. “À, vậy nếu con là bạn Minh, con không cho bạn mượn xe cẩu chơi, bạn có buồn không?”. “Dạ, có ạ”. Giúp trẻ hiểu cảm giác bị từ chối sẽ khiến trẻ thông cảm với bạn hơn, từ đó sẽ dễ dàng chơi chung cùng bạn một cách hòa động hơn, thân thiện hơn.
5. Dạy trẻ cách giải quyết vấn đề
Nếu bé ôm chặt chiếc xe tải đồ chơi, không muốn đưa các bạn khác chơi cùng, có thể vì trẻ nghĩ: “Lỡ bạn ấy lấy luôn thì sao?”. Trong trường hợp này, cha mẹ hãy khuyến khích bọn trẻ thay phiên nhau chơi đồ chơi đó (bạn có thể chỉ lên đồng hồ, bảo con: “Kim chạy tới chỗ này thì thay phiên”), đồng thời bảo đảm với trẻ rằng, cho bạn chơi chung không có nghĩa là mình không được chơi đồ chơi đó. Nếu bé cho các bạn chơi chung đồ chơi, thì các bạn cũng chia sẻ lại như thế.
6. Chuẩn bị trước
Khi con rủ bạn bè về nhà chơi, cha mẹ hãy hỏi xem con có món đồ chơi nào muốn cất riêng không, rồi tìm chỗ để cất món đồ chơi đặc biệt đó để tránh xảy ra xung đột. Nên gợi ý để con chuẩn bị những trò chơi tập thể để cùng nhau chơi hoặc cùng nhau làm: chế ra dụng cụ để vẽ hoặc làm thủ công, gạch xây dựng, xếp hình… Như vậy, trẻ sẽ chuẩn bị trước trò chơi để các bạn cùng tham gia. Cũng có thể bảo những đứa trẻ kia mang theo đồ chơi để chúng dễ trao đổi và chia đồ chơi cho nhau.
7. Tôn trọng đồ đạc của trẻ
Nếu thấy người khác mặc quần áo, xem sách vở và chơi đồ chơi riêng của mình thì có thể bé sẽ vứt bỏ chúng ngay cả khi mới dùng. Vì thế cha mẹ nên hỏi ý kiến của con trước khi muốn mượn những món đồ đó và cho trẻ quyền quyết định. Đồng thời cần đảm bảo rằng anh, chị, em trong nhà cũng tôn trọng đồ đạc của trẻ, khi mượn thì phải biết giữ gìn cẩn thận.
8. Làm gương tốt cho trẻ
Cách tốt nhất để trẻ học được lòng yêu thương và chia sẻ là cho bé thấy mọi người chia sẻ cho nhau như thế nào trong cuộc sống hàng ngày. Chẳng hạn cha mẹ làm gương chia sẻ cây kem với trẻ, cho bé đội thử cái nón mới của mình, cùng trẻ nói chuyện về bạn bè và công việc. Hãy sử dụng từ "chia sẻ" để diễn tả cho trẻ hiểu điều cha mẹ đang làm. Đừng quên dạy cho trẻ biết cả những điều không thể sờ tới như cảm giác, ý tưởng, thời gian, những câu chuyện cũng là những thứ có thể chia sẻ được. Điều quan trọng nhất là cha mẹ hãy để cho trẻ thấy mình cho và nhận, thông cảm và chia sẻ với người khác như thế nào.
9. Giúp trẻ phân biệt rõ những gì nên và những gì không nên chia sẻ
Khăn mặt, bàn chải đánh răng, lược chải đầu… là những thứ chỉ nên dùng một mình. Đây là những đồ dùng cá nhân, sẽ không tốt khi dùng chung. Còn những thứ trẻ có thể chia sẻ là đồ chơi, kẹo bánh, truyện. Bé lớn hơn thì dạy biết đồng cảm với bạn khi bạn gặp khó khăn, giúp đỡ bạn cùng tiến trong học tập...
Thụy Ân