Tự tay bế con, chăm con từ những ngày sơ sinh, anh Trình Tuấn (sinh năm 1984, Tân Bình, TP.HCM) đã làm quen với việc thay tã cho con mỗi đêm, bế con vỗ về khi bé khóc, đi xin từng bịch sữa mẹ để bé được bú mẹ đầy đủ.
Sau sự ra đi của người vợ khi tuổi còn rất trẻ, anh muốn gục ngã nhưng rồi vẫn tự đứng dậy, để sống và đương đầu với biết bao gian nan, vất vả. Nước mắt anh rơi ngay khi bế con ra khỏi cánh cổng bệnh viện để về nhà, giữa những bộn bề lo toan anh Tuấn dường như cảm thấy chính mình muốn buông xuôi. Sau những biến cố vừa qua, nước mắt của một người đàn ông cứng rắn tưởng chừng đã cạn nhưng mỗi lần lên chùa thăm vợ, anh không thể nén được lòng mình.
Cuộc sống gia đình hiện tại không mấy dư dả, nhưng bản thân anh xác định sẽ cố gắng hết sức có thể để bé Ủn (tên thật là Nguyễn Kim Yến Nhi) - trái ngọt tình yêu của anh với bà xã có được một cuộc sống đầy đủ.
Chào anh Quốc Tuấn! Anh có thể chia sẻ một chút về câu chuyện tình yêu của anh và mẹ bé Ủn?
Chuyện tình yêu của chúng tôi bắt đầu từ khu nhà trọ sinh viên. Tôi và bà xã sống gần phòng nhau nhưng cũng chỉ coi nhau như anh em, vô tư, trong sáng. Tôi là thế hệ đầu 8x, còn bà xã là thế hệ cuối 8x. Ban đầu chúng tôi cũng không nói chuyện nhiều nhưng từ khi vợ tôi chuyển ra gần ban công – nơi mọi người vẫn ra hóng mát mỗi chiều thì trò chuyện nhiều hơn. Mọi người trong xóm trọ vẫn cứ nghĩ tôi và em là một cặp nhưng cả hai đều ngại ngùng chẳng dám ngỏ lời. Cho đến lần em bị cấp cứu vì đau dạ dày, tôi ở lại chăm sóc em, tình cảm nảy nở từ đó.
Yêu nhau được 3 năm, tôi và em kết hôn. Nhưng phải tới hai tháng sau, 2 vợ chồng mới chung một mái nhà vì không tìm được phòng trọ. Lúc đó, tôi bị tai nạn lao động, một mình bà xã lo mọi thứ khi chuyển nhà. Năm 2012 là năm mà vợ chồng tôi thường xuyên trú ngụ trong bệnh viện. Khi có bầu được 5 tháng, vợ tôi phải nhập viện vì bị tử cung ngắn. Sau đó, cô ấy phải nhập viện một lần nữa vì thiếu nước ối. Sau khi được ra viện, nước ối lại giảm, vợ tôi đau bụng dữ dội, có dấu hiệu sinh. Sau 2 ngày nằm chờ và hơn 10 tiếng truyền dịch để thúc sinh thì bé Ủn chào đời.
Anh Tuấn và bà xã những ngày hạnh phúc
Còn về ngày định mệnh bà xã ra đi mãi mãi, anh còn nhớ ngày đó như thế nào?
Hôm đó, tôi đi tham gia một sự kiện công nghệ ở Bình Dương. Bà xã cho bé Ủn bú như thường lệ nhưng không ngờ đó là ngày cuối cùng con gái được bú mẹ. Hôm đó, tôi để máy điện thoại ở chế độ im lặng nên không biết có 20 cuộc gọi nhỡ báo tin là vợ phải nhập viện gấp. Tôi vội vã trở về thành phố, bác sĩ nói cơ hội thành công rất thấp. Ca phẫu thuật hoàn tất thành công, sáng sớm hôm sau, tôi được vào thăm vợ nhưng em hôn mê và ra đi mãi mãi. Sau khi lo chuyện hậu sự cho vợ, tôi đón bé Ủn từ bệnh viện về với bao bộn bề lo toan, có lúc chỉ biết rơi nước mắt vì thương con quá.
Chỉ biết khóc một mình vì nhớ vợ, thương con
Thiếu vắng vợ, phải chăm con một mình, một người đàn ông cứng rắn như anh hẳn là cũng không thể tránh khỏi những khi rơi nước mắt?
Tôi đã nghĩ bản thân mình không còn đủ nước mắt để khóc nữa. Nhưng cứ mỗi lần lên chùa thăm vợ lại rơi nước mắt vì thương vợ và quá xót xa. Ủn là tình yêu còn lại, là điều duy nhất níu tôi lại với cuộc đời. Cho nên, tôi dành tất cả mọi tình thương để chăm sóc và bảo vệ bé từ điều nhỏ nhất. Đôi khi bà nội bé và người thân không phải lúc nào cũng hiểu và thông cảm được cho những điều đó. Đó là lúc tôi cảm thấy cô độc và bất lực nhất. Có những khi đi qua ngã tư tôi nhắm mắt theo nghĩa đen và cứ thế chạy qua đèn đỏ, cảm giác muốn buông xuôi nhưng số phận bắt tôi phải tiếp tục chịu đựng.
Để Ủn có sữa để bú hàng ngày, anh phải lặn lội xin sữa khắp nơi
Người ta thường nói đàn ông ít khóc nhưng khi khóc là lúc bản thân thực sự yếu đuối, điều gì đã giúp anh xốc lại tinh thần mỗi khi như vậy?
Bản thân tôi tự bắt buộc mình phải mạnh mẽ lên bởi Ủn cần một người cha, cần một niềm vui hơn là nỗi buồn. Mặc dù, nhiều khi cảm giác yếu đuối và thèm được một lần gục ngã. Những lúc cô độc không biết chia sẻ cùng ai chỉ biết gửi tâm trạng lên facebook – thế giới ảo. Tuy nhiên, những chia sẻ và động viên của bạn bè là thật, giúp tôi cố gắng hơn nữa.
Anh vừa nói về nỗi lo tương lai lâu dài của bé Ủn, điều gì đang khiến anh bận tâm nhất?
Sau này bé sẽ cảm nhận được sự thiếu vắng mẹ, thậm chí tự ti về điều đó. Nên tôi sợ Ủn có thể tự thu mình vào, dẫn đến ngại chia sẻ, không tự tin với bạn bè và thế giới xung quanh. Với một đứa trẻ đủ tình thương của cả cha lẫn mẹ thì khi gặp một thất bại nào đó trên bước đường đời có thể không sao, nhưng với một đứa trẻ bất hạnh hơn thì có thể cảm thấy đó là điều mà bản thân phải gánh chịu, thua kém mọi người…
Vậy anh làm như thế nào để bù đắp cho bé Ủn phần thiếu thốn tình thương người mẹ?
Cách của tôi là luôn giữ Ủn bên cạnh mình, dù bà nội và người thân muốn đón bé về quê chăm sóc nhưng tôi không chịu. Nhiều gia đình đi làm ăn xa thường đưa con cái về cho ông bà chăm sóc. Đúng là nghĩ rằng họ còn vợ, chồng còn làm thế huống hồ bản thân tôi. Tuy nhiên, sau khi chuyện xảy ra với vợ, tôi không bao giờ để bé ra khỏi tầm mắt. Và quan trọng là không muốn Ủn đã mất mẹ lại thiếu thốn tình thương của người cha.
Cô bé sớm mồ côi mẹ có nụ cười thiên thần.
Xin sữa gặp nơi kỷ niệm thời yêu nhau
Theo anh, một người đàn ông sống trong cảnh “gà trống nuôi con” có gì khác so với một người phụ nữ một mình chăm con?
Phụ nữ sinh con xong thường có sự thay đổi về tâm, sinh lý nên rất nhạy cảm và dễ tổn thương. Bản thân tôi là đàn ông không phải chịu cơn đau về mặt thể xác, sinh lý không bị biến đổi nên có thể đối diện với khó khăn. Mặt khác, người phụ nữ còn chịu nhiều áp lực khác nên dễ bị stress và trầm cảm nếu không nhận được sự cảm thông chia sẻ từ chồng và người thân.
Có một điều khác nữa có lẽ là lo nguồn sữa cho con bú trong những năm tháng đầu đời?
Lúc đầu có một số người bạn xin giúp tôi, thậm chí bản thân tôi cũng lên các diễn đàn và facebook để xin sữa của nhiều bà mẹ. Điều khó khăn nhất là lúc cần sữa thì không có, còn có lúc đang còn nhiều thì được cho thêm khiến tủ lạnh nhiều lần quá tải. Có mẹ thường xuyên cho bé sữa, trong giai đoạn Ủn bú nhiều thì con của các mẹ đó cũng bú nhiều nên nhiều khi phải đi xin thêm mẹ khác.
Bé được bố tự tay thay tã mỗi đêm, cho bé bú bình sữa, chăm sóc rất tỉ mỉ
Trong quá trình xin sữa cho bé Ủn, câu chuyện nào khiến anh nhớ mãi?
Chuyện xin sữa cũng lắm gian nan, có lúc hết phải chạy hỏi khắp nơi để xin. Thậm chí, có những lúc đêm hôm, trời mưa gió, tôi đi xe lên tận Quận 2 – cách nhà khoảng 20km để lấy sữa, dù ít nhưng cũng rất quý giá với con. Chuyện xúc động nhất có lẽ một sự tình cờ nhưng cũng khiến tôi nhớ mãi là có lần đến lấy sữa tại nhà một chị thường xuyên cho sữa. Bên ngoài nhà có một bức tường cao, trên đó trồng hoa tigon, tôi đứng sững nhìn giàn hoa tigon, đó là nơi mà tôi và bà xã vẫn hay trú mưa khi còn yêu nhau. Chính lúc đó, nhiều kỷ niệm cứ ùa về, tôi lại nhớ những ngày đã qua
Hạnh phúc vì bé khỏe mạnh phát triển
Theo anh, một người đàn ông vừa phải làm cha,làm mẹ để bù đắp tình thương cho con thì điều gì là khó khăn nhất?
Tôi nghĩ bản thân mình chỉ là người làm cha, hoàn thành trách nhiệm trong khả năng có thể, chứ không thể nói là vừa làm cha vừa làm mẹ. Bé Ủn sinh ra đã không có tình thương của mẹ nên tôi xác định phải cố gắng hết sức có thể. Vấn đề chăm sóc con, thay tã, cho con ăn hoàn toàn có thể học được. Khó khăn nhất là sự khác biệt giữa phương pháp chăm sóc con giữa các thế hệ. Cái khó là làm sao thuyết phục được ông bà của Ủn đồng ý với cách dạy và chăm sóc con của tôi.
Còn những đêm bé khóc, nhớ mẹ… anh thường xử trí thế nào?
Tôi không quan niệm chuyện chăm sóc con là hoàn toàn của người phụ nữ. Khi bà xã chưa qua đời, ngay khi bé sinh ra, tôi đã bế con trong bệnh viện để bác sĩ kiểm tra. Điều đó xuất phát từ tình thương, bản năng của người cha. Ngay từ khi bắt đầu chăm bé, việc thay tã ban đêm do tôi tự tay làm,dỗ dành khi bé khóc… Có lẽ cái cần vượt qua là tâm lý chứ tất cả những việc đó đều dần làm quen được.
Trong vòng 5 tháng đầu, bé thức đêm nhiều, có khi thức chơi đến sáng làm tôi cũng thức theo. Cho nên bà nội chăm ban ngày, còn ban đêm tôi thức chăm bé. Bây giờ, tôi chuyển nhà về vùng ven thành phố nên không khí thoáng đãng hơn, bé Ủn đi ngủ sớm hơn chứ không thức đêm nhiều như trước.
Ủn cầm bút vẽ những nét đầu tiên
Thời gian hàng ngày anh dành chăm sóc con như thế nào?
Bà nội sẽ trông Ủn ban ngày, hiện tại cháu đang trong giai đoạn tập ăn cơm nên có khi buổi trưa tôi cũng tranh thủ về nấu. Nhờ có bà nội nên tôi yên tâm đi làm, chiều tối về chơi với bé. Buổi tối thì tôi chơi với Ủn cho đến khi Ủn ngủ rồi bắt đầu làm việc cho tới cữ bú khuya.
Chuyện khác biệt về cách chăm sóc con giữa các thế hệ khiến đôi khi dẫn đến bất đồng không còn là chuyện mới, anh có thể nói rõ hơn về điều này trong gia đình mình?
Ví dụ chuyện ốm đau chẳng hạn, tôi với bà nội bé cũng có lúc không tránh khỏi những bất đồng. Khi con bị bệnh, nhiều phụ huynh cứ ra tiệm thuốc để mua cho con uống nhưng không đến bác sĩ để nhận được tư vấn. Thậm chí, nhiều người dùng thuốc dân gian mà không quan tâm xem là liệu có tác dụng phụ hay công dụng thực sự như thế nào. Với tôi, khi con ốm rất kỵ chuyện dùng thuốc ngay lập tức. Bé Ủn sốt nhiều lần nhưng tôi tự hào là bé chưa phải uống viên thuốc nào. Còn ông bà, khi thấy cháu ốm thường muốn cho uống thuốc ngay nên có sự khác biệt với suy nghĩ của tôi.
Anh Tuấn và bé Ủn trong tiệc thôi nôi
Vậy những khi con sốt anh sẽ làm thế nào?
Nhiều phụ huynh không biết rằng trẻ bị sốt là phản xạ tự nhiên để chống lại bệnh tật. Khi bé sốt thì các bố mẹ nên theo dõi và khám bác sĩ có thể được tư vấn. Bản thân tôi chỉ tin tưởng khám ở những nơi không lạm dụng thuốc. Ví dụ như sốt siêu vi thường từ 3-7 ngày sẽ tự hết, chỉ có khi sốt lên đến 39 độ C hoặc mệt mỏi không chịu được thì mới dùng thuốc hạ sốt. Chú ý là không quấn quần áo quá chặt, 15-10 phút có thể dùng khăn lau nách, bẹn, cổ và chú ý kiểm tra nhiệt độ thường xuyên…Quan trọng nhất là đi khám bác sĩ khi con bạn có dấu hiệu bị bệnh.
Có vẻ anh có xu hướng muốn áp dụng cách dạy con theo cách hiện đại nên có lúc không tránh khỏi bất đồng với bố mẹ?
Tôi tham khảo các phương pháp chăm con của phương tây, Nhật,… Tuy nhiên, bản thân tôi nghĩ rằng, cảm thấy điều gì tốt, phù hợp cho con và bản thân mình thì sẽ áp dụng. Tôi không nhất thiết theo phương pháp nào, tức là tiếp thu có chọn lọc. Cách chăm sóc con theo Nhật, Mỹ khác nhiều so với Việt Nam nên cũng có khi không nhận được sự đồng ý từ người thân. Ví dụ chuyện cho bé ăn, người Mỹ thường để bé tự ăn, thậm chí ăn bốc, cho trẻ đi bơi sớm, tiếp xúc thiên nhiên ngay từ bé, cho nên tôi vẫn thường đưa Ủn đi chơi khi có thời gian rỗi. Cách chăm con của người Nhật hướng đến sự tự lập nên tôi cũng rèn luyện cho con sự tự lập từ sớm, dù chưa nhiều nhưng vẫn đang kiên trì thực hiện.
Anh Tuấn xác định sẽ truyền lại cho con gia tài kiến thức mà mình có
Chuyện ăn uống của bé Ủn hiện nay được anh chuẩn bị như thế nào?
Bé Ủn cũng khá lười ăn nhưng từ khi còn nhỏ đã thích tự cầm thìa để ăn chứ không muốn người khác bón. Cháu tự cầm muỗng như thế, có khi phải thay 4-5 bộ quần áo sau khi xong bữa nhưng từ những việc làm như vậy sẽ giúp bé tự lập. Tôi cũng nhận thấy, bé Ủn thích tự lập. Các thực phẩm thường do bà Ủn mua. Nhà ở vùng ven nên mua trứng gà ta cũng dễ, rau dành cho Ủn được trồng trong các hộp xốp.
Anh có dự định gì về tương lai lâu dài của bé Ủn?
Về chuyện tương lai sau này của con, tôi cũng chưa có dự định gì lớn lao. Tôi xác định cố gắng lo đủ kinh tế để bé Ủn có được cuộc sống đầy đủ nhất trong khả có thể. Bản thân tôi không có gia tài gì lớn lao nhưng có lẽ gia tài lớn nhất có thể bé đó là tri thức và làm những điều để bé Ủn có thể tự hào về ba của nó.
Một câu hỏi hơi tế nhị một chút, anh có nghĩ một ngày nào đó sẽ đi bước nữa?
Tôi chưa nghĩ đến chuyện đó. Tôi cảm thấy có hai ba con là đủ rồi. Sau những gì trải qua, tôi nhận thấy chuyện tình cảm của bản thân cũng lắm trắc trở, đắng cay. Trong tình yêu, tôi không kỳ vọng, bản thân tôi tin vào duyên số, có lẽ cái gì đến thì sẽ đến.
Xin cảm ơn anh đã chia sẻ! Chúc anh vững vàng, bé Ủn khỏe mạnh.