Thực tế, lời nói tích cực của bố mẹ có thể khuyến khích trẻ dũng cảm cố gắng, tự mình phấn đấu để đạt được mục tiêu. Ngược lại, trẻ có thể mất cảm giác an toàn, thiếu tự tin, tính cách ngày càng rụt rè.
Các chuyên gia tâm lý nhắc nhở, lời nói của bố mẹ có ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình phát triển tâm lý và tính cách ở trẻ. Bố mẹ nên hạn chế nói 4 câu sau đây, kẻo vô tình khiến con trở thành đứa trẻ tự ti, EQ thấp.
"Mẹ đang bận lắm, con đừng có làm phiền"
Thực tế cuộc sống khiến nhiều ông bố bà mẹ bận rộn công việc, lo sự nghiệp, chuyện gia đình nên thường không có nhiều thời gian dành cho con cái.
Tuy nhiên, nếu bố mẹ thường xuyên nói những câu như "Mẹ đang bận lắm, con đừng có làm phiền" khi trẻ cần tới sự giúp đỡ, thì đây sẽ là cách gián tiếp tạo nên một bức tường giữa bố mẹ và con cái.
Trẻ sẽ cảm thấy bố mẹ từ chối quan tâm mình, lúc nào cũng muốn đẩy mình ra xa. Dần dần, trẻ sẽ mất đi mong muốn được nói chuyện, tâm sự, chia sẻ.
Đồng thời, sự từ chối diễn ra liên tục, có thể khiến trẻ nghĩ rằng mình là một mối phiền toái và không ai cần mình nữa, dẫn tới việc trẻ có xu hướng ít chia sẻ và bày tỏ với bố mẹ khi lớn lên.
"Con hỏi gì mà lắm thế, đừng hỏi nữa"
Chúng ta dễ dàng nhận thấy, trẻ từ 2-3 tuổi bắt đầu phát triển ý thức mạnh mẽ, thích khám phá thế giới. Đặt ra các câu hỏi liên tục để giải pháp vấn đề bản thân đang thắc mắc. Nếu thời điểm này, bố mẹ biết cách vận dụng, giải đáp phù hợp sẽ giúp con phát triển tốt hơn cả về cảm xúc lẫn trí tuệ.
Ngược lại, nếu trẻ hỏi các vấn đề khác nhau nhưng bố mẹ lại cắt ngang, không cho trẻ hỏi nữa, lâu dần, trẻ sẽ nghĩ rằng bố mẹ mất kiên nhẫn, không dám hỏi han, giao tiếp nữa.
Không ít phụ huynh từng phản ánh rằng, con càng lớn càng ít nói chuyện, tâm sự với mình. Theo các chuyên gia vấn đề này là hệ quả của việc tích lũy của sự thiếu gắn bó lâu ngày, ngay từ khi con còn nhỏ, bố mẹ ít dành thời gian lắng nghe, chia sẻ, điều này khiến trẻ dần hình thành thói quen ngại giao tiếp với người thân.
"Lớn thế rồi mà suốt ngày mắc lỗi"
Đối với trẻ nhỏ năng lực nhìn nhận, giải quyết vấn đề có hạn. Và mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt với tính cách, sự phát triển tâm sinh lý khác nhau. Việc bố mẹ dùng tiêu chuẩn của người lớn để so sánh, định vị, hay chê bai trẻ sẽ phản tác dụng.
Những đứa trẻ thường xuyên bị chê bai khi vô tình mắc lỗi, sẽ thường xuyên rơi vào trạng thái chán nản, không còn cố gắng nữa vì cho rằng dù thế nào cũng không thể làm vui lòng bố mẹ, trẻ mất dần sự tự tin.
Nếu bị chê trước mặt khách, nhất là bạn bè thì hậu quả càng tệ hơn, lâu dần tự tin bị mài mòn, rất khó phát triển về sau.
Vì vậy, chê bai không phải là phương pháp đúng đắn để giáo dục trẻ, nếu muốn con tiến bộ, đạt được thành tích như mong đợi, bố mẹ nên dành cho trẻ lời động viên, điều này sẽ khích lệ trẻ tiếp tục phấn đấu.
"Biết thế này mẹ chẳng sinh con ra"
Đây được xem là câu nói mang tính chất gây tổn thương nhanh nhất đối với tinh thần của một đứa trẻ. Câu nói này đang phủ nhận sự tồn tại của một đứa trẻ, có thể gây ra ám ảnh tâm lý kéo dài về sau.
Trong quá trình con lớn lên, sự phát triển cái tôi ở trẻ sẽ khiến trẻ có xu hướng đòi hỏi bố mẹ tôn trọng những sở thích cá nhân và những quyết định của mình hơn.
Bố mẹ cũng cần hiểu rằng, đã đến lúc trao cho trẻ sự tự lập và chịu trách nhiệm, dần trao cho con quyền quyết định trong một số vấn đề cuộc sống, thay vì đặt kỳ vọng lớn vào con.
Vì vậy, bố mẹ nên chú ý đến việc giao tiếp, hạn chế nói ra những lời vô tình của mình làm tổn thương trẻ, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ cũng như sự hòa thuận, tình cảm gia đình.