Hẳn bố mẹ nào cũng đều không mong muốn nhìn thấy con mình trở thành một hình ảnh xấu trong mắt mọi người xung quanh. Thay vào đó, các bậc phụ huynh luôn hy vọng đứa trẻ có thể khỏe mạnh trưởng thành và nhận được tình yêu thương, quý mến từ tất cả mọi người. Làm được điều này, phần lớn là xuất phát từ nền tảng giáo dục tốt từ gia đình ngay khi trẻ bước vào giai đoạn nhận thức và hình thành tính cách.
Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ khi đủ 4 tuổi, bắt đầu bước vào mẫu giáo sẽ có sự thay đổi rõ rệt trong tính cách và lối sống. Lúc này, nhu cầu được sở hữu và đáp ứng các lợi ích cá nhân ở trẻ sẽ phát triển mạnh mẽ.
Vì vậy, nhiều đứa trẻ dễ hình thành tính ích kỷ nếu như không được uốn nắn kịp thời. Tính ích kỷ không chỉ khiến bố mẹ cảm thấy xấu hổ với mọi người xung quanh, mà ngay bản thân trẻ cũng sẽ để lại một ấn tượng xấu với người khác, khiến cho bạn bè đồng trang lứa không muốn kết giao.
Để ngăn chặn sự hình thành của nét tính cách này ở trẻ, làm đúng 4 bước sau theo lời khuyên từ chuyên gia, bố mẹ sẽ thấy sự thay đổi tích cực của trẻ trong tương lai gần nhất.
Bố mẹ làm gương cho trẻ bằng hành động cụ thể
Quá trình hình thành nhân cách của trẻ là một bài toán dài hạn, nên được định hướng đúng đắn từ sớm, đầu tiên trong chính gia đình. Cách gần gũi và hiệu quả nhất để giáo dục trẻ đó là bố mẹ làm gương để trẻ quan sát và học hỏi. Bố mẹ như thế nào thì trẻ cũng sẽ như thế.
Khi bố mẹ có thể cho trẻ nhìn thấy thường xuyên việc bản thân chia sẻ với mọi người xung quanh như thế nào, trẻ sẽ hình thành nhận thức đúng về giá trị của sự cho và nhận. Sau đó, trẻ sẽ bắt chước thực hiện những hành vi tương tự và lâu dần, tính cách của trẻ sẽ hoàn thiện theo hướng tích cực nhất.
Tuy nhiên, bố mẹ cần tránh những sai lầm tai hại, chẳng hạn như cưng chiều con quá mức, khiến ngay từ nhỏ trẻ đã hình thành tư tưởng xem bản thân là “trung tâm” và nghĩ rằng mọi người đều phải phục tùng tất cả những đòi hỏi của mình.
Thêm vào đó, việc bố mẹ tạo áp lực cho trẻ về vấn đề thành tích rằng “con phải là đứa trẻ giỏi nhất, con chỉ được phép đứng đầu”, đã vô hình trung khiến trẻ hình thành tính ích kỷ, chỉ chăm chăm vào mục đích của mình để đạt được lợi ích tốt nhất, thậm chí là sẵn sàng gây ra tổn hại cho người khác.
Việc bố mẹ thể hiện hành vi sẻ chia với người khác trước mặt trẻ, là phương pháp giáo dục hiệu quả để trẻ bắt chước theo.
Cho trẻ hiểu giá trị của sự sẻ chia
“Cho đi là là nhận lại, cho đi là còn mãi", trẻ nên được bố mẹ giáo huấn về giá trị của quan điểm này càng sớm càng tốt. Như vậy, trẻ sẽ sống biết nghĩ cho người khác, thay vì ích kỷ chỉ nghĩ cho chính mình. Và khi trẻ quyết định thực hiện điều gì đó, trẻ sẽ loại trừ những khả năng gây ảnh hưởng đến mọi người xung quanh.
Bố mẹ hãy tạo cơ hội cho trẻ trải nghiệm việc biết sẻ chia sẽ mang lại niềm vui như thế nào, bằng cách tăng cường hoạt động vui chơi và học tập mang tính tập thể. Khi trẻ cùng bạn bè chia sẻ đồ chơi, thức ăn hay nước uống, trẻ sẽ cảm nhận được niềm vui đến từ việc này, thay vì bản thân khư khư giữ những thứ đồ đó làm của riêng và một mình “thưởng thức" nó trong sự cô đơn.
Hơn thế nữa, niềm vui của trẻ sẽ còn được nhân đôi khi vòng bạn bè ngày một mở rộng ra. Đồng thời, lòng sẻ chia của trẻ còn giúp trẻ xây dựng được một hình tượng đứa trẻ ngoan ngoãn và dễ thương trong mắt mọi người. Từ đó dù là ở đâu hay làm gì, trẻ cũng sẽ nhận được sự tin tưởng, khích lệ và yêu thương. Điều này sẽ là nguồn động lực lớn lao để trẻ gặt hái được thành công và hạnh phúc trong tương lai.
Những hoạt động vui chơi cùng bạn bè, có thể giúp trẻ nhận ra được rằng sự sẻ chia mang lại niềm vui.
Thỏa mãn những nhu cầu phù hợp của trẻ
Tính sở hữu, chiếm hữu của trẻ sẽ ngày càng nặng hơn, nếu như bố mẹ cưng chiều trẻ không có điểm dừng. Trẻ chắc chắn sẽ có tính tự phụ khi nghĩ rằng, bố mẹ sẽ không bao giờ từ chối những đòi hỏi của mình, mà ngược lại sẽ thỏa mãn nó một cách vô điều kiện. Vì vậy, trẻ sẽ không bao giờ thấy đủ và muốn phải được sở hữu mọi thứ mà mình thích.
Trong trường hợp đứa trẻ khác có đồ chơi mà bản thân thích, trẻ sẽ lập tức bộc lộ tính ích kỷ của mình với biểu hiện nằng nặc đòi bố mẹ phải mua bằng được đồ chơi giống như vậy, thậm chí nếu không kiềm chế được cảm xúc, trẻ còn có thể gằng đồ chơi của bạn. Tính xấu như thế không nên được khuyến khích, và bố mẹ phải có phương pháp trừng trị thích đáng để uốn nắn trẻ.
Cách tốt nhất là bố mẹ nên biết nói “không" trước những đòi hỏi không phù hợp của trẻ. Để trẻ dần quen với tâm lý không phải điều gì trẻ muốn là đều có thể được đáp ứng. Như vậy, trẻ mới bỏ được tư tưởng xem bản thân là “độc quyền", mà không biết cách đối xử công bằng với mọi người xung quanh. Trẻ nên được dạy về giá trị của người khác và ai cũng xứng đáng được tôn trọng.
Bố mẹ không nên cưng chiều trẻ quá đà, sẽ khiến trẻ nhận thức sai về vị trí độc quyền của bản thân.
Dạy trẻ cách ứng xử đúng đắn
Thực tế, nhiều ông bố bà mẹ đã không ít lần rơi vào những tình huống vô cùng xấu hổ và khó xử vì biểu hiện ích kỷ của con mình, ví dụ như giật đồ của bạn khi không được bạn cho phép, khóc đòi đồ chơi của bạn, không cho bạn khác chơi cùng, tỏ ra tức giận khi thấy bố mẹ tặng đồ chơi hoặc tỏ ra thân thiết với đứa trẻ khác,... và vô số những hành vi đau đầu nhức óc khác mà bố mẹ lúng túng không biết phải xử lý như thế nào?
Lúc này, bố mẹ cần rèn luyện cho trẻ cách ứng xử đúng đắn hơn. Nhưng trước tiên hãy giải thích cho trẻ hiểu, việc chia sẻ đồ chơi với các bạn không chỉ có lợi đến từ một phía, mà bản thân trẻ cũng sẽ nhận lại được sự chia sẻ từ bạn.
So với việc chơi đồ chơi một mình, chơi cùng các bạn sẽ vui hơn và đồng thời trẻ cũng sẽ được khám phá nhiều mô hình đồ chơi khác nhau. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều trong vấn đề phát triển trí não, tăng tính sáng tạo và kỹ năng giao tiếp của trẻ.
Để tránh trẻ bộc phát thái độ mạnh trong tình huống bị bạn bè từ chối cho chơi cùng hoặc mượn đồ chơi, bố mẹ có thể ổn định tâm lý của trẻ bằng cách giáo dục về lòng cảm thông đối với người khác. Nếu trẻ đón nhận điều đó trong vui vẻ, sau này trẻ sẽ dễ dàng chơi chung cùng bạn bè một cách thân thiện và hòa đồng hơn.
Tranh giành đồ với bạn không phải là một cách ứng xử của đứa trẻ ngoan, bố mẹ cần cho trẻ hiểu được điều này.