Mỗi một đứa trẻ được sinh ra, đều sẽ có phần tài năng ẩn chứa bên trong. Nhưng vì sao có đứa trẻ lớn lên trở thành người xuất chúng, đứa trẻ khác lại khó thành công. Đó là bởi vì, cách nuôi dạy con của mỗi ông bố bà mẹ đã tạo ra những cuộc đời khác nhau.
Tình yêu thương của bố mẹ vốn không thể cân, đo, đong, đếm. Nhưng đôi khi sai lầm của bố mẹ là thương con không đúng cách, và rồi vô tình làm “hủy hoại” tương lai của con.
Mặc dù tình yêu thuộc về cảm xúc, nhưng nếu muốn nuôi dạy một đứa trẻ tốt, bố mẹ cũng cần phải cân bằng cả giữa tình yêu và lý trí. Lý trí sẽ giúp bố mẹ biết khi nào cần nghiêm khắc và khi nào cần mềm mỏng. Như vậy, hành trình giáo dục con nên người của bố mẹ có thể thu lại được thành quả như mong muốn.
Các chuyên gia khuyên rằng, bố mẹ không nên thương con theo cách nuông chiều. Vì khi con cảm nhận được điều này từ bố mẹ, con sẽ hình thành lối sống ỷ lại, không có khả năng tự lập và kiểm soát bản thân.
Đó chính là căn nguyên khiến nhiều đứa trẻ gặp thất bại trong cuộc sống về sau. Để tránh những hậu quả tệ hại, điều tốt nhất bố mẹ có thể làm cho trẻ lúc này là chỉnh sửa ngay các hành vi nuông chiều trẻ dưới đây.
Con muốn mua gì, bố mẹ đều gật đầu đồng ý
Nhu cầu đòi hỏi ở trẻ nhỏ khá cao, bởi vì cái tính tò mò muốn khám phá mọi thứ của bé. Nếu thấy món đồ nào thú vị, độc đáo mà trẻ thích thì bé sẽ ngay lập tức muốn sở hữu nó.
Khi bố mẹ từ chối mong muốn của trẻ, trẻ sẽ mè nheo, ăn vạ và thậm chí là hù dọa. Ví dụ như: “Bố mẹ mà không mua cho con đôi giày này, con sẽ đi chân trần, con sẽ không bao giờ mang đôi giày nào khác?”
Trong tình huống này, nếu bố mẹ sót con thì chắc chắn sẽ chiều theo ý muốn của con. Nhiều lần như vậy, bố mẹ vô tình để trẻ thao túng tâm lý một cách dễ dàng. Vì vậy mà mỗi khi trẻ đòi hỏi điều gì, bố mẹ cũng sẽ thỏa mãn trẻ một cách vô điều kiện. Tuy nhiên cách nuôi dạy con cái này là hoàn toàn sai cách.
Bố mẹ cần đặt ra cho trẻ những nguyên tắc nhất định, để trẻ nhận thức được đâu là giới hạn không nên vượt qua. Việc con thích gì bố mẹ cũng sẽ mua cho con, con sẽ hình thành thói quen ỷ lại, không biết kiểm soát bản thân.
Đặc biệt, bố mẹ sẽ không giáo dục được trẻ trong vấn đề chi tiêu đúng cách và hiểu được giá trị của đồng tiền. Vì vậy, nếu bố mẹ nuông chiều con vô tội vạ thì tương lai con sẽ trở thành một đứa trẻ nghịch ngợm, hư hỏng.
Bố mẹ đồng ý với mọi đòi hỏi của trẻ một cách vô điều kiện, trẻ sẽ bị chiều hư.
Con bị thương nhẹ, bố mẹ liền lo lắng thái quá
Các chuyên gia khuyên rằng, sự bao bọc và nuông chiều của bố mẹ sẽ cản trở quá trình phát triển thể chất, trí tuệ và mối quan hệ xã hội của trẻ. Chỉ cần trẻ va đập hoặc trầy xước nhẹ thì bố mẹ sẽ bộc lộ biểu cảm đầy lo lắng, khiến cho chuyện bé xé ra to.
Thậm chí, thay vì tìm hiểu nguyên nhân từ con, bố mẹ liền ngay lập tức quay ra trách mắng người khác, nếu như thấy trẻ ở gần một ai đó trong tình huống này.
Tuy nhiên, sự va chạm nhiều mới là yếu tố giúp trẻ nhỏ cứng cỏi và mạnh mẽ hơn. Nếu bố mẹ cứ che chở trẻ trong một “cái vỏ” quá dày, trẻ càng trưởng thành sẽ càng trở nên yếu đuối. Sức chịu đựng và sức đề kháng của trẻ kém dần, và điều này sẽ là cơ hội để những tác nhân bên ngoài ảnh hưởng đến trẻ.
Nhiều ông bố bà mẹ có kinh nghiệm, sẽ không lựa chọn dạy con theo cách trên. Ngược lại, họ sẽ “mặc kệ” trẻ trong những tình huống nhất định để trẻ “tự ngã và tự đứng lên”. Qua nhiều trải nghiệm như thế, trẻ sẽ biết cách “tự lực cánh sinh”, thay vì mè nheo và yếu đuối trông chờ vào sự giúp đỡ của bố mẹ.
Bố mẹ nên cho trẻ trải nghiệm với nhiều va vấp hơn, trẻ sẽ trở thành người mạnh mẽ và tự lập.
Bố mẹ dồn hết sự chú ý vào trẻ
Cuộc sống của trẻ không phải lúc nào cũng có bố mẹ bên cạnh để quan tâm và che chở. Khi đến một giai đoạn nhất định, những đứa trẻ buộc phải tự lập bằng chính sức lực của mình. Vì vậy, để tương lai con không vất vả hơn những đứa trẻ khác thì bố mẹ cần phải giáo dục trẻ tính tự lập.
Ngay từ khi còn nhỏ, bố mẹ nên dần dần hướng dẫn trẻ tự làm một số điều cần thiết để phục vụ cho nhu cầu sống của bản thân. Thay vì nuông chiều trẻ quá mức, bằng cách làm giúp trẻ mọi thứ và dồn hết sự chú ý vào trẻ.
Ví dụ như: “Hôm nay con ăn gì? Con đã rửa tay trước khi ăn chưa? Bài tập về nhà của con như thế nào? Con nhớ uống đủ nước ít nhất 2 lít mỗi ngày nhé!”
Nếu bố mẹ quan tâm đến trẻ một cách quá chi tiết, trẻ sẽ cảm thấy bản thân là “trung tâm của vũ trụ”, từ đó hình thành tính cách mè nheo và ngỗ nghịch, thậm chí là không “để ai vào mắt”.
Bố mẹ mặc định hành vi của trẻ là vô ý
Hầu hết những ông bố bà mẹ đều có lời giải thích chung cho những hành vi lỳ lợm, không vâng lời của trẻ là vì bé còn nhỏ nên chưa hiểu chuyện. Vì vậy mà bố mẹ thường tỏ ra “mặc kệ” trước những việc làm sai trái của trẻ, và mặc định hành vi của trẻ là vô ý chứ không phải là cố ý. Tuy nhiên suy nghĩ này của bố mẹ, sẽ khiến cho họ phải hối hận về sau.
Nếu trẻ phạm lỗi lần đầu, đó có thể là do sự hiểu biết của trẻ còn hạn chế, trong trường hợp này thì hành động của trẻ sẽ xuất phát từ sự vô ý. Tuy nhiên nếu vẫn cùng một lỗi sai nhưng lại được lặp đi lặp lại nhiều lần, bố mẹ cần phải xem xét kỹ. Bởi vì lúc này, có thể sự nuông chiều của bố mẹ đã tạo cơ hội để trẻ cố ý thực hiện những hành vi đó.
Để không biến trẻ trở thành một đứa trẻ ngỗ nghịch, và bố mẹ sẽ gặp rắc rối với những việc làm của trẻ như quấy rối và la hét nơi công cộng, bố mẹ cần có sự hướng dẫn trẻ càng sớm càng tốt.
Khi trẻ có hành vi sai, không kiểm soát được bản thân thì bố mẹ cần kịp thời “uốn nắn” trẻ, để con học được cách giải quyết vấn đề của mình tốt hơn vào những lần sau.
Bố mẹ nên hướng dẫn trẻ khi trẻ làm sai, nếu bố mẹ châm chước bỏ qua mọi lỗi lầm của trẻ, trẻ sẽ hình thành tính cách ương ngạnh.
Bố mẹ tin tưởng trẻ một cách mù quáng
Một câu nói quen thuộc của nhiều ông bố bà mẹ, đã vô tình dạy trẻ tính không tôn trọng người khác, đó là “con tôi không sai, con tôi luôn luôn đúng, lỗi này thuộc về người khác”.
Khi bố mẹ tin tưởng trẻ một cách mù quáng, và bỏ qua việc tìm hiểu nguyên nhân kỹ càng, bố mẹ không chỉ dạy hư trẻ mà còn vô tình “đổ oan” cho những người không liên quan.
Hầu hết bố mẹ đều sẽ không mong muốn con cái của mình bị mọi người xung quanh xa lánh. Bởi vì, điều này sẽ làm cản trở quá trình phát triển về mặt xã hội của trẻ. Thế nên, bố mẹ cần giáo dục trẻ tính trung thực.
Khi trẻ biết nói lời cảm ơn và thành thật nhận lỗi với những hành vi không đúng đắn của mình, trẻ sẽ tạo được hình ảnh “đứa trẻ ngoan” trong mắt người khác. Mọi người đều sẽ có thiện cảm và dành sự yêu mến của mình đối với đứa trẻ hiểu chuyện, chứ không phải là một đứa trẻ ích kỷ, hèn nhát khi “dám làm mà không dám chịu”.
Trẻ sẽ trở nên ích kỷ và không tôn trọng người khác, nếu bố mẹ cho trẻ cảm giác trẻ là "trung tâm của vũ trụ".