Chi tiêu tiết kiệm là tính cách tốt, các bậc cha mẹ cần chú ý dạy cho con trong quá trình trưởng thành của trẻ bởi điều này mang đến cho trẻ nhiều lợi ích. Tuy nhiên so với chi tiêu tiết kiệm thì bố mẹ cũng có thể nhấn mạnh với con, việc biết quản lý chi tiêu hay chi tiêu hợp lý quan trọng hơn, điều đó có nghĩa là với những điều xứng đáng, trẻ hoàn toàn có thể "phóng tay" để thể hiện thiện chí của mình.
Đó có lẽ cũng chính là những điều mà cậu nhóc Soup (7 tuổi) đã học được từ bố mẹ nên cậu bé mới có cách chi tiêu tiền rất đáng yêu trong một chia sẻ mới đây của mẹ - ca nương Kiều Anh, khiến nhiều người cũng phải gật gù tấm tắc khen.
Cụ thể, bà mẹ 2 con chia sẻ trên trang cá nhân của mình hình ảnh chụp bàn tay đeo một chiếc nhẫn ngọc trai được mua tại Phú Quốc với câu chuyện: "Quả nhẫn ngọc trai Phú Quốc này là món quà đầu tiên Soup mua tặng mẹ bằng tiền của Soup, đối với mẹ Kiều quý giá vô cùng.
- Mẹ ơi, con có 12.500.000, cái này 12.350.000 này mẹ, con đủ tiền mua cái này!
- Thế là gần hết tiền luôn đó con?
- Con vẫn còn thừa 150 nghìn mà mẹ.
- U là trời".
Qua đó có thể thấy cậu nhóc 7 tuổi sẵn sàng dùng số tiền khá lớn mà bé tích góp được để mua quà tặng cho mẹ. Đây cũng chính là điều khiến ca nương Kiều Anh cảm thấy hạnh phúc và tự hào về con trai. "Mẹ rất thích cái cách mà Soup có xu hướng chi tiêu rộng rãi cho những người quan trọng của mình. Soup của mẹ siêu dễ thương, nam tính và ga lăng quá đi thôi" - bà mẹ tâm sự.
Tuy nhiên cuối cùng, để tiết kiệm tiền cho con trai, ca nương Kiều Anh cũng không chọn chiếc nhẫn có giá trị đắt như trên mà chọn một chiếc nhẫn rẻ hơn, vừa rẻ mà lại mang ý nghĩa. Hot mom bày tỏ tính cách chi tiêu hợp lý của con trai có được giống hệt với ông xã Văn Quỳnh và cô rất yêu thích việc đó.
Ca nương Kiều Anh được quan tâm nhiều khi là thế hệ thứ bảy trong gia đình có truyền thống ca trù, từng đi diễn ở nhiều quốc gia trên thế giới từ khi mới 10 tuổi, ngoài ra cô còn từng là Á quân Vietnam's Got Talent, từng tham gia The Voice - Giọng hát Việt 2015. Cô còn là hot mom 2 con được nhiều bà mẹ bỉm sữa yêu thích.
Chồng Kiều Anh là Văn Quỳnh - cháu trai cố giáo sư Văn Như Cương, con trai nhà giáo Văn Thùy Dương - Phó hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội). Hiện tại, Văn Quỳnh làm việc trong lĩnh vực giáo dục và cũng là một đại gia có tiếng khi sở hữu nhiều khối tài sản mà mọi người mơ ước như nhà 300m2 ở trung tâm Hà Nội, nhiều xe hơi, đồ hiệu....
Bé Soup là con trai lớn của vợ chồng ca nương Kiều Anh và Văn Quỳnh. Qua những chia sẻ của mẹ và bà nội, Soup được nhận xét là cậu bé điển trai và vô cùng thông minh. Được biết khi mới học mẫu giáo, cậu nhóc liên tục phải chuyển lớp vì lý do khiến ai cũng bất ngờ. "Soup của bà đã được lên lớp lớn học với các anh chị lớn tuổi vì các cô bảo Soup phải học lớp đó mới phù hợp với năng lực của Soup. Cô giáo viết thư cho bố mẹ là "Soup có khả năng học tiếng Anh và trí nhớ tốt. Đưa cho Soup 20 đồ vật mà chỉ 1 lần dạy Soup nhớ được hết!" - cô Hiệu phó Văn Thùy Dương - mẹ chồng của ca nương Kiều Anh từng bày tỏ.
Bên cạnh đó, chính hot mom 2 con cũng từng thừa nhận cô không áp dụng phương pháp nào cao siêu mà chỉ đơn giản dạy con học từ các tấm thẻ ảnh: "Soup học với 100 thẻ hình ảnh về các chủ đề. Trộm vía mỗi ngày 15 phút mà mới 4 hôm em đã thuộc nửa số thẻ rồi. Em mẹ giỏi lắm cơ".
Có lẽ cũng nhờ trí thông minh bẩm sinh của Soup kết hợp với cách nuôi dạy con khéo léo của vợ chồng ca nương Kiều Anh - Văn Quỳnh mà bé Soup mới 7 tuổi đã sớm biết những cách chi tiêu rất thú vị như trên.
Thực tế việc cho con tiếp xúc với tiền, học cách chi tiêu và chi tiêu tiền hợp lý điều vô cùng cần thiết, ngay từ khi trẻ lên 3 lên 4. Càng nhận biết sớm về đồng tiền, các con sẽ có nhận thức và biết cách đầu tư có lợi hơn.
Càng dạy con sớm về ý nghĩa của tiền càng tốt
Dara Duguya (tác giả cuốn sách Dạy con tiết kiệm) chia sẻ: "Càng dạy bé sớm về tiền bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Bé sẽ xây dựng được thói quen tiết kiệm từ sớm, tạo nền tảng cho việc chi tiêu hợp lý về sau". Ở lứa tuổi từ 3 đến 5, cha mẹ nên bắt đầu trao đổi với trẻ các vấn đề liên quan đến tiền. Vào độ tuổi này, trẻ đã biết đòi hỏi và muốn sở hữu những đồ vật xung quanh chúng.
Thông qua các cuộc trò chuyện đơn giản cùng gia đình, bố mẹ hãy từ từ hướng con đến những vấn đề liên quan đến tiền. Trẻ con nhỏ nên nhận thức còn chưa rõ ràng, do đó mẹ nên sử dụng các cách tiếp cận đơn giản, phong phú, sinh động và phù hợp với tuổi để con dễ tiếp thu.
Hiểu về "nhu cầu và ham muốn", trẻ sẽ biết tiêu tiền hợp lý
Trẻ con luôn luôn dễ bị hấp dẫn bởi nhiều món đồ chơi hay những vật dụng lạ mắt. Trước những đòi hỏi của con, điều các mẹ thường làm vẫn là cứng rắn nói “không” với con. Tuy nhiên, khi mẹ từ chối yêu cầu này của con bằng cách này, trẻ sẽ không hiểu rõ được nguyên tại sao mình lại không được mua món đồ đó.
Do đó, thay vì chỉ nói một chữ “không” ngắn gọn, các mẹ nên giải thích cho con hiểu rõ để làm ra đồng tiền thì người lớn vất vả như thế nào, và số tiền con muốn dành để mua đồ chơi thì con có thể tiết kiệm để làm được nhiều việc có nghĩa hơn. Hãy dạy con chỉ khi thứ gì con thực sự thấy cần thiết thì mới nên đầu tư tiền, bởi tiền kiếm ra thì khó nhưng tiêu lại rất dễ, chính vậy, con cần biết chi tiêu mới có thể cân đối được mọi khoản.
“Kiểm soát ham muốn” rất quan trọng trong việc dạy trẻ về tiền bạc. Để giúp con biết chi tiêu tiền hợp lý, bố mẹ nên thường xuyên đặt ra các tình huống cụ thể để con xử lý. Thông qua các tình huống giả định đó, cha mẹ nên khẳng định rằng không được phép chi tiêu vượt quá số tiền mình.
Trước khi tiêu tiền, con cần biết về mục đích tiêu
Một điều quan trọng khi dạy con về tiền là bố mẹ cần chỉ cho con thấy rằng đồng tiền đóng nhiều vai trò trong đời sống hằng ngày của chúng ta, cho dù chúng ta có sử dụng ngay hôm nay hay tích góp cho ngày mai. Để giúp con hiểu rõ giá trị và vai trò cửa từng đồng tiền trong cuộc sống, mẹ hãy giúp con phân loại các loại tiền với các mục đích sử dụng khác nhau: tiết kiệm, chi tiêu, làm từ thiện... Khi phân loại xong, mẹ hãy nhắc con để chúng vào các lọ khác nhau, sau đó hãy dán nhãn bên ngoài mỗi lọ.
Trong cuộc sống hằng ngày, có nhiều cơ hội bố mẹ có thể giúp con kiếm ra tiền. Thay vì phát cho con 1 khoản tiền tiêu vặt mỗi tuần, các mẹ hãy tìm cách cho con làm việc sau đó “trả lương” phù hợp với năng suất con bỏ ra. Có rất nhiều việc nhà đơn giản mà bé có thể phụ giúp mẹ làm như quét nhà, rửa bát, đổ rác…Và bất cứ khi nào trẻ kiếm được tiền, mẹ hãy nhắc trẻ chia nhỏ số tiền đó thành các phần bằng nhau và để vào trong lọ. Hành động này không có gì to tát nhưng đủ để trẻ hiểu rằng: khi cầm một món tiền trong tay, trẻ không nên tiêu hết một lúc mà cần phải biết tiết kiệm để dùng cho sau này.
Cho con được phép tiêu tiền thực tế
Cho phép trẻ sử dụng tiền mặt ở mức độ vừa đủ để chúng có thể trải nghiệm những cung bậc cảm xúc khác nhau. Khi trẻ tự tay kiếm ra tiền, con sẽ cảm thấy hào hứng, thích thú khi tự bỏ tiền mua món hàng chúng muốn; nhưng sau đó sẽ cảm giác tiếc nuối vì đã tiêu đi một số tiền. Từ những trạng thái cảm xúc này của con, mẹ hãy khuyến khích con tiếp tục tiết kiệm, đó mới là điều quan trọng nhất lúc này.
Một cách hiệu quả để dạy trẻ biết cách quản lý tiền bạc là thông qua những nhiệm vụ thường xuyên và các công việc nhà. Mẹ hãy thường xuyên cho trẻ đi mua sắm cùng để chỉ con biết cách lên kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm và tìm kiếm món hàng mang lại giá trị lớn nhất. Hãy để con giữ tờ giấy ghi những thứ cần phải mua, đánh dấu vào mỗi sản phẩm sau khi mua được. Dạy con biết cách mua sắm ngay từ nhỏ, con sẽ thành thạo hơn trong khoản chi tiêu sau này.