Nhiều bậc phụ huynh luôn nói rằng con cái chính là tài sản vô giá của bố mẹ, họ sẽ làm tất cả mọi thứ cho con và vì con. Tuy nhiên có lẽ chưa bao giờ họ "chậm lại" để ngẫm nghĩ xem, mỗi ngày khoảng thời gian họ thực sự dành cho con là bao nhiêu và con cái mong muốn điều gì ở cha mẹ.
Một câu chuyện được chia sẻ trên diễn đàn mạng xã hội xứ Trung đã thực sự làm "thức tỉnh" rất nhiều bậc cha mẹ nước này. Câu chuyện xuất phát từ một gia đình của bà mẹ có tên Lưu Ly. Chị kể vào một buổi tối nọ khi cả 3 người dùng bữa tối xong thì ngồi tại phòng khách. Người chồng xem bóng đá, chị Lưu Ly ngồi lướt điện thoại còn cậu con trai 5 tuổi tự chơi một mình với đống đồ chơi.
Sau đó, chị Lưu Ly có đứng lên đi vệ sinh một lúc, chưa đầy 2 phút quay trở lại đã không thấy điện thoại của mình đâu. Chị hỏi chồng thì chồng trả lời rằng không biết vì anh cũng đang mải mê xem bóng đá. Tìm quanh không thấy đâu, chị Lưu Ly lấy máy của chồng để gọi sang máy mình thì bất ngờ tiếng chuông lại vang lên từ thùng rác trong phòng khách. Lưu Ly bước tới, kinh ngạc khi phát hiện chiếc điện thoại thực sự đang nằm trong đó.
Ảnh minh họa
Không nghĩ nhiều, bà mẹ đoán chắc người ném nó vào thùng rác là con trai của chị nhưng chưa kịp để mẹ trách mắng, đứa trẻ 5 tuổi với đôi mắt ầng ậc nước.
Chị Lưu Ly đành dịu giọng và hỏi con trai:
- Con yêu hãy nói cho mẹ biết tại sao con lại ném điện thoại của mẹ vào thùng rác?
- Mẹ, mẹ có ghét con không? Mẹ chỉ thích chơi điện thoại mà không muốn nói chuyện, chơi với con sao?
Câu nói của đứa trẻ vừa dứt, chị Lưu Ly đã òa khóc ân hận.
Lưu Ly bàng hàng khi hiểu ra được tất cả, hóa ra người mẹ chỉ suốt ngày cầm điện thoại trong tay, thậm chí khi nói chuyện với con cũng không nhìn vào đứa trẻ mà nhìn vào màn hình điện thoại đã khiến đứa trẻ bị tổn thương sâu sắc. Chị bỗng cảm thấy tự trách móc bản thân ghê gớm. Đặt điện thoại xuống bàn, Lưu Ly ôm chặt lấy con trai và nói:
- Mẹ yêu con nhất, mẹ sẽ không bao giờ chơi điện thoại mà bỏ mặc con nữa.
Nụ cười hạnh phúc hiện lên trên khuôn mặt đầy tươi cười của con trai Lưu Ly.
Người ta nói rằng sự đồng hành của cha mẹ là món quà tuyệt vời nhất dành cho con cái, tuy nhiên, trong mắt nhiều đứa trẻ thì điện thoại di động chính là một con "quái vật" đã tàn phá, đã cướp đi cha mẹ của chúng. Theo một cuộc khảo sát, gần 60% trẻ em cho rằng người bạn thân nhất của cha mẹ là chiếc điện thoại di động, trong đó, 30% trẻ cho rằng khi cha mẹ không có thời gian quan tâm đến chúng, nhằm ngăn cản chúng làm phiền, gây ồn ào, cha mẹ sẽ cho chúng một chiếc điện thoại di động để tự giải trí.
Ảnh minh họa
"Bố nhìn điện thoại khi ăn, nhìn điện thoại khi đi dạo, thậm chí còn nhìn điện thoại khi đi vệ sinh. Bố không chơi với con" - cô bé Coco (4 tuổi) nói.
"Em ghét nhất điện thoại di động. Mẹ em chỉ thích điện thoại di động và không thích em. Dù em có bảo mẹ kể chuyện, mẹ cũng không kiên nhẫn. Mẹ suốt ngày chỉ nhìn vào điện thoại di động" - bé Dao Dao (5 tuổi) cùng câu trả lời.
Cuộc sống bận rộn, kết hợp với sự phụ thuộc quá mức vào điện thoại di động đã khiến một số cha mẹ hiện đại không có nhiều thời gian dành cho con, vô tình khiến đứa trẻ có cảm giác "bố mẹ không yêu mình".
Không những vậy, cha mẹ thường xuyên nghịch điện thoại di động, lâu dần sẽ ảnh hưởng đến con cái, từ đó con sẽ trở nên phụ thuộc vào điện thoại di động, máy tính,… dẫn đến hạn chế khả năng tương tác xã hội bình thường của con.
Nhiều bậc cha mẹ cho rằng con còn nhỏ, chưa hiểu mình đang nói gì nên không cần giao tiếp quá nhiều. Thực tế, trẻ em có nội tâm rất nhạy cảm và mong manh, ở lứa tuổi này, trẻ khao khát được chú ý, yêu thương, khẳng định và tôn trọng.
Giao tiếp giữa cha mẹ và con cái quan trọng hơn mẹ nghĩ. Việc thiếu giao tiếp trong thời gian dài không chỉ gây bất lợi cho việc nuôi dưỡng mối quan hệ thân thiết giữa cha mẹ và con cái mà còn có thể khiến trẻ phát triển tính cách hướng nội và tự kỷ.
Vì vậy, hãy dành nhiều thời gian hơn cho con khi bạn có thời gian và đừng để điện thoại di động làm hỏng mối quan hệ cha mẹ và con cái. Nói chuyện với con nhiều hơn và cha mẹ sẽ thấy rằng thế giới nhỏ bé của chúng thú vị và hấp dẫn hơn rất nhiều so với chiếc điện thoại di động.