Mới đây nam ca sỹ nổi tiếng Hoàng Bách đã chia sẻ về cách dạy con của mình qua một bài báo. Theo đó, anh cho phép các con được xưng hô "mày – tao" với bố.
Ngay lập tức, cách dạy con này đã gặp phải nhiều ý kiến trái chiều. Có người đồng tình vì cho rằng đó chỉ là vai diễn của hai bố con nhưng cũng có người phản đối kịch liệt vì cho rằng, hai bố con không bao giờ được phép xưng hô như vậy.
Nam ca sỹ nổi tiếng Hoàng Bách đã chia sẻ về cách dạy con của mình.
Chia sẻ về cách dạy con của mình khi anh cho phép các con xưng hô “mày-tao” với bố, nam ca sĩ Hoàng Bách giải thích: “Chuyện tôi cho phép con xưng hô: "mày, tao" với mình là một trò chơi có thời hạn (thường là 15-20 phút). Với tôi, mục đích của việc này là để cha con có thể thực sự coi nhau như bạn bè và chia sẻ được với nhau tất cả những điều chúng muốn mà đôi khi vì khoảng cách của thứ bậc trong gia đình mà chúng không dám chia sẻ”.
Ở góc độ ngôn ngữ, PGS -TS Phạm Văn Tình - Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho rằng, “mày – tao” trong tiếng Việt có thể thân mật, có thể suồng sã, có thể coi thường khinh miệt, tùy ngữ cảnh.
Trong lời ăn tiếng nói hàng ngày của người Việt, có rất nhiều đại từ dùng cho ba ngôi thứ nhất, thứ hai và thứ ba, trong khi hầu hết các ngôn ngữ khác, đại từ nhân xưng rất đơn giản, như tiếng Anh chẳng hạn, chỉ có I và You, ngôi thứ ba He, She và It, cùng số nhiều của ba ngôi đó.
Ngoài việc chênh lệch tuổi tác, có quan hệ họ hàng, quan hệ bình thường, việc dùng “tao” và “mày”, nói là “tau” và “mi” vẫn khá phổ biến. Cha mẹ nói với con cái, anh em gần tuổi nói với nhau, người cùng trang lứa… .
Đại từ nhân xưng trong tiếng Việt như: Tôi, ta, tao, tớ, mày, anh, em, chị, cô, chú, bác, ông, cụ, nó…Nghĩa là ngoài một số đại từ cơ bản như tôi và anh, mày và tao, thì có vô số đại từ vốn chỉ thứ bậc và quan hệ huyết thống trong gia đình được đưa ra.
“Ngày nay trong gia đình bố con nhiều người vẫn mày tao. Nhưng ít thôi. Chỉ khi tức giận thôi. Nếu dùng mày tao thường xuyên thì người ta cho rằng gia đình đó không nền nếp, thậm chí thiếu giáo dục. Trong trường hợp đóng kịch như bố và con ca sĩ Hoàng Bách lại khác. Con có thể vào vai bạn, con có thể vai bề trên của bố và có thể xưng hô mày-tao”, PGS -TS Phạm Văn Tình chia sẻ.
Còn theo quan điểm cá nhân của TS. Đoàn Thị Thanh Hà, Khoa Xã hội học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), để gần gũi, chia sẻ với con như những người bạn có nhiều cách. Tuy nhiên, cho phép con xưng hô “ mày- tao” với bố mẹ không phải là cách để con cái và cha mẹ gần gũi nhau hơn.
Do đó, theo TS. Đoàn Thị Hanh Hà, để làm bạn với con, trước hết cha mẹ phải là những người hiểu con mình (hiểu về sức khỏe thể chất, tính nết, thói quen, sở thích, điểm mạnh, hạn chế...).
Muốn làm được thế thì phải gần gũi, quan tâm, cảm thông, lắng nghe và chia sẻ với con. Bên cạnh đó, phụ huynh cần tìm hiểu kiến thức để theo kịp với sự phát triển về thể chất, tâm lý, hiểu biết xã hội và xu hướng phát triển của con.
Ngoài ra, bố mẹ nên tạo được sự tin tưởng, gần gũi và chân thành với con. Chịu khó đồng hành với chúng trong các hoạt động như: ăn uống, vui chơi, học tập, hoạt động xã hội... Sẵn sàng giúp đỡ trẻ (nhưng không có nghĩa là làm thay) trong bất kỳ câu chuyện gì tùy theo lứa tuổi khi con cần.
Cũng theo TS. Đoàn Thị Thanh Hà, cha mẹ cần có nguyên tắc với con nhưng không được hà khác, áp đặt, vì hà khắc quá, trẻ em sẽ sinh ra nói dối và cãi lại.
Đối với việc quản lý con, vị TS này cũng cho rằng, cần linh hoạt, cho trẻ những khoảng thời gian tự do nhất định để chúng cảm thấy cuộc sống không quá gò bó và đang bị cha mẹ “kiểm soát”. Các bậc phụ huynh cũng nên trau dồi các kỹ năng khi ứng xử với con cái như: lắng nghe, thấu cảm, giải quyết vấn đề, gợi chuyện...
Nguồn: http://danviet.vn/tin-tuc-giao-duc/ca-si-hoang-bach-cho-phep-con-xung-ho-may-tao-voi-bo...Nguồn: http://danviet.vn/tin-tuc-giao-duc/ca-si-hoang-bach-cho-phep-con-xung-ho-may-tao-voi-bo-me-chuyen-gia-noi-gi-1036244.html