Theo Tiến sĩ Thomas Ha, khoa Da liễu, Bệnh viện Addenbrookes ở Cambridge (Anh), phụ nữ mang thai đều ẩn chứa một vẻ đẹp đặc biệt, nhưng quá trình này hoàn toàn có thể khiến màu da, mái tóc của bạn xấu đi bởi sự thay đổi hoóc môn và lưu lượng máu tăng cao. Vì thế phụ nữ mang thai cũng cần quan tâm đến việc làm đẹp để chăm sóc cơ thể và có vẻ ngoài tốt nhất.
1. Chăm sóc đôi tay
Tay của bà bầu sẽ bị đỏ lựng lên hoặc nổi mẩn đỏ nếu như họ phải rửa nhiều bát, giặt nhiều quần áo hay khi động nhiều đến nước mà không chịu dùng găng tay. Đây là một triệu chứng thường gặp trong thai kỳ. Vấn đề này không mấy nghiêm trọng vì đó chỉ là biểu hiện của việc tăng cường lưu thông máu ở các chi gây ra.
Lời khuyên: Nếu bạn phải rửa bát, đặc biệt là dưới nước lạnh, nhớ mang găng tay. Nếu không thể mang găng tay khi rửa bát, hãy đảm bảo rằng, sau khi làm việc xong, bạn sẽ ngâm tay trong nước ấm với vài bông hoa cúc vạn thọ. Hoa cúc vạn thọ có chứa nhiều vitamin C, resins, protein và flavonoids có thể kích thích tuần hoàn máu.
Ảnh minh họa: News. |
2. Tàn nhang, nám da
Trên mặt phụ nữ mang thai thường xuất hiện tàn nhang hoặc nám da, các bác sĩ gọi đây là “mặt nạ của thai kỳ". Nguyên nhân là do các nội tiết tố estrogen tăng lên kích thích việc hình thành các phân tử tyrosine (tiền hắc sắc tố melanin). Vấn đề này đặc biệt khó chịu bởi tàn nhang, nám da thường xuất hiện ở những vùng da dễ nhìn thấy vì thế dù đa phần nó sẽ mờ đi sau khi sinh nhưng các bà bầu cũng cần chú ý.
Lời khuyên: Ánh nắng mặt trời có thể làm cho tình trạng nám da của bà bầu tồi tệ hơn, vì vậy cần tránh xa nắng. Luôn dùng kem chống nắng có độ SPF cao (từ 15 trở lên) trước khi ra ngoài ít nhất là 15 phút, kể cả trong mùa đông.
3. Đôi mắt thâm quầng
Mắt bị thâm quầng không có gì là lạ ở phụ nữ mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng cuối của thai kỳ, khi bà bầu thường không có một giấc ngủ sâu vì nằm ở tư thế nào cũng khó chịu.
Lời khuyên: Giải pháp lý tưởng nhất là tìm ra tư thế ngủ thoải mái nhất giúp bà bầu có được một giấc ngủ ngon. Có thể khắc phục tạm thời bằng cách cho một chiếc thìa vào tủ lạnh chừng 10 phút rồi để thìa lên mắt bạn vài phút. Hoặc dùng kem che khuyết điểm cho vùng da quanh mắt cũng có thể giúp giảm sự xuất hiện của quầng thâm.
4. Phù
Tình trạng phù (giữ nước) cũng là một vấn đề phổ biến trong thời kỳ mang thai vì trọng lượng em bé đang lớn đặt áp lực lên các mạch máu ở bụng và chân. Điều này còn làm cho đôi mắt bạn trở nên sưng húp và làn da mọng nước.
Lời khuyên: Các bà bầu có thể giúp giảm bớt vấn đề này bằng việc đừng dồn trọng lượng vào bàn chân, tức là đừng đứng hoặc ngồi xổm nhiều, hãy thay đổi tư thế liên tục để máu được lưu thông. Bạn cũng có thể chườm đá lên mắt cá chân để nó được thư giãn.
5. Da mặt nổi mụn
Sự tăng cao của hormone trong lúc mang thai sẽ thúc đẩy quá trình bài tiết dầu trên da. Chính sự bài tiết chất nhờn này dẫn đến lỗ chân lông bị bít kín và nổi mụn.
Lời khuyên: Khi da mặt bị nổi mụn, bà bầu nên thường xuyên làm sạch da mặt. Hạn chế dùng mỹ phẩm và luôn rửa sạch lớp son phấn trước khi đi ngủ. Các bà bầu cũng nên tẩy tế bào chết thường xuyên hơn để da luôn sạch sẽ.
6. Rạn da
Những đường rạn da trên bụng, mông, đùi sẽ xuất hiện nhiều vào những tháng cuối của thai kỳ.
Lời khuyên: nếu các bà bầu có ý thức dưỡng ẩm cho làn da từ những tháng đầu của thai kỳ thì có thể làm giảm sự phát triển của những vết rạn da. Bơ cacao hoặc dầu ôliu đều rất hữu dụng, giúp cải thiện tính đàn hồi của da. Vì vậy bà bầu hãy tìm một loại kem dưỡng ẩm có chứa thành phần bơ ca cao hoặc dầu ô liu và chú ý thoa kem thường xuyên, ngay từ những tháng đầu tiên của thai kỳ.
Theo Webphunu