Khi trẻ bắt đầu bước sang giai đoạn 2 của quá trình ăn dặm và làm quen với các loại thịt, rất nhiều chị em cảm thấy bối rối vì không biết phải chế biến sao cho thịt mềm, ngon và để bé dễ chấp nhận. Bấy lâu nay các bà mẹ thường hay rỉ tai nhau cách chọn rau quả chứ chưa thực sự chú trọng đến vấn đề thịt – nguồn dinh dưỡng và protein vô cùng quan trọng cho bé.
Có một thực tế ít ai biết, đó là tuy cùng một loại thịt nhưng ở từng bộ phận khác nhau cũng có hàm lượng chất dinh dưỡng khác nhau. Cho con tập ăn dặm thịt mẹ đừng quên “khởi động” với món: Thịt Gà
Hàm lượng dinh dưỡng
Thịt gà rất giàu đạm và sắt. Trong 2 lạng thịt gà trung bình có chứa tới 54,06 mg đạm. Từng phần thịt gà lại có lượng calo và chất béo khác nhau. Thường những phần thịt trắng như ức hay lườn sẽ ít calo, chất béo và cholesterol hơn thịt nâu như đùi và má đùi. Thịt cánh gà bỏ da thuộc loại ngon bổ và là lựa chọn tốt nhất cho bé.
Thịt gà chứa nhiều chất dinh dưỡng như kẽm, sắt và axit béo cần thiết. Vì vậy bé sẽ không có đủ chất này nếu chỉ uống sữa và ăn rau quả.
Khi nào trẻ có thể ăn thịt gà
Hầu hết các bác sỹ nhi khoa ở Mỹ đều khuyên mẹ có thể bắt đầu cho con ăn thịt gà và các loại protein khác khi bé được 8-10 tháng tuổi.
Tuy nhiên, quan niệm này đang có nhiều thay đổi. Ở các nước châu Âu, Anh và Canada, các bà mẹ thường lấy thịt gà là thực phẩm đạm đầu tiên cho con ăn trong quá trình ăn dặm.
Cách lựa chọn và bảo quản thịt gà cho bé
Để tránh mua phải gà bệnh cho con, mẹ nên lưu ý chọn những miếng thịt tươi, có độ đàn hồi cao (ảnh minh họa)
Tốt nhất là nếu có thời gian, các mẹ nên chọn gà còn đang sống rồi nhờ người bán hàng làm thịt giúp, sau đó đem về chế biến sẽ ngon hơn là mua gà làm sẵn. Tuy nhiên nếu không có thời gian, xin mách mẹ một số cách nhận biết thịt gà tươi và không bị nhuộm màu để an toàn cho trẻ như sau:
- Để nhận biết được gà có bị nhuộm màu hay không hãy quan sát, nếu da gà có màu vàng mà lớp mỡ bên trong trắng thì đó là gà được nhuộm hóa chất.
- Da gà ta mỏng, mịn, độ đàn hồi cao. Chọn thịt gà trông phải tươi, thịt không có mùi hôi hoặc mùi kháng sinh, trên da không có vết bầm tím hoặc tụ máu.
- Muốn mua gà ngon thì không nên chọn những con gà đen sạm vì đó là gà đã chết trước khi làm.
- Ngoài ra, để tránh mua phải gà bơm nước, mẹ hãy để ý, dùng tay ấn vào vị trí bị nghi là bơm nước (chủ yếu là đùi, lườn) để kiểm tra, nếu thấy nhão, trơn hoặc biến dạng thì nên tránh, không mua nữa. Vì nước bơm vào gà thường được pha lẫn hàn the (theo một số chủ cửa hàng cho biết).
Để bảo quản thịt gà cho trẻ, mẹ nên mua thịt về cắt làm từng miếng vừa với khẩu phần một bữa ăn của con rồi cất vào hộp nhựa sạch, để ngăn đá có thể được 1 tuần, để ngăn mát được 24-48 tiếng. Mẹ lưu ý không nên băm sẵn thịt gà vì thịt gà xay dễ hỏng hơn do diện tích bề mặt tiếp xúc với vi khuẩn nhiều hơn.
Một số món ăn dặm từ thịt gà cho trẻ
Cháo thịt gà bí xanh (7 tháng+)
Cháo gà bí xanh là món ăn rất lành cho trẻ mới tập ăn dặm (ảnh minh họa)
Hấp 0,3 lạng thịt gà và 3-4 miếng bí xanh cho đến khi chín mềm. Thịt gà và bí khi hấp sẽ giữ nước và mềm hơn so với cách luộc.
Rây hoặc xay nhuyễn thịt gà cùng bí xanh đến độ thô phù hợp với trẻ rồi cho vào quấy với cháo gạo một lúc.
Khi cháo chín, mẹ cho 1 thìa con dầu ăn và 1-2 giọt mắm tùy sở thích. Để trẻ ăn khi còn ấm.
Cháo thịt gà phô mai (8 tháng +)
Băm nhuyễn 0,3 lạng thịt gà nạc bỏ da và xương. Hòa thịt gà với một bát nước cho tan rồi đổ vào nồi quấy cùng cháo gạo và nước.
Khi cháo chín, mẹ nhanh tay thả ½ miếng pho mai vào quấy đều. Tắt bếp, cho ra bát cùng 1 thìa con dầu ăn. Để trẻ ăn khi còn ấm.
Cánh gà coca (3 tuổi +)
Cánh gà coca đổi vị cho bé cuối tuần (ảnh minh họa)
Cánh gà rửa sạch, ướp nước tương dầu hào trong vài giờ.
Chiên cánh gà trong chảo ít dầu cho đến khi vàng hai mặt.
Đổ coca và nước tương xì dầu, sau đó thêm tỏi băm, hành tây, nước theo khả năng ăn của con. Đậy nắp đun lửa nhỏ 15-20 phút.
Để bé ăn nóng hoặc kèm với cơm trắng.