Vào ngày 11/9 vừa qua, một đoạn video lan truyền trên mạng xã hội thu hút sự chú ý của cư dân mạng. Theo đó, sau 1 trận mưa lớn, trước cổng một trường học ở Trung Khánh, Trung Quốc có vũng nước lớn, gây cản trở cho người đi bộ.
Lúc này, có 2 người mẹ tới đón con theo 2 cách tiếp cận hoàn toàn trái ngược nhau.
Một người mẹ không nói gì cả, ngồi xổm xuống để cõng con trai, 1 tay cầm ô, 1 tay ôm đỡ mông con. Có lẽ người mẹ này thà để bản thân chịu vất vả một chút chứ không muốn giày và tất của con trai mình dính nước.
Trong khi đó người mẹ khác bên cạnh ngập ngừng tiến lên một bước, đoán được độ sâu cũng vũng nước, cô nắm lấy tay con gái mình. Cứ như vậy 2 mẹ con nắm tay nhau bước qua vũng nước.
Trên thực tế, có rất nhiều bậc cha mẹ luôn sẵn sàng làm mọi thứ hết cho con mình. Thế rồi khi con cái lớn lên, họ không thể hiểu tại sao đứa con mình vất vả nuôi lớn lại trở thành một người sống vô ơn, lười biếng và đầy thói xấu.
Hậu quả của việc nuôi dạy một đứa trẻ hư
Giáo sư Lý Mai Cẩn (Trung Quốc) từng chia sẻ một câu chuyện trong cuốn sách “Nuôi dạy con tâm lý” của mình rằng:
Có một cậu bé là con trai duy nhất trong gia đình. Bố cậu đi làm xa còn mẹ nội trợ toàn thời gian.Từ nhỏ, mẹ luôn chăm sóc cậu cẩn thận nên cậu không có khả năng tự chăm sóc bản thân.
Sau này, cậu gia nhập quân đội nhưng thường xuyên không đạt trong các nhiệm vụ được giao. Người ta còn phát hiện cậu thậm chí còn không biết gấp chăn.
Có lần, cậu bị tiểu đội phó kém cậu 1 tuổi chỉ trích vài lần vì không nghiêm túc khi canh gác. Trong giờ nghỉ trưa hôm đó, cậu dùng dao lao tới giường của tiểu đội phó, đâm liên tiếp nhiều nhát khiến người này mất mạng.
Trong trại giam, chàng trai 20 tuổi này khóc như một đứa trẻ và nói với giáo sư Lý Mai Cẩn: "Cháu thực sự rất đau. Cháu muốn về nhà. Cháu nhớ mẹ..."
Nhà thơ Yu Ge (Trung Quốc) từng nói: “Bạn có thể cho con mình mọi thứ nhưng không thể cho chúng những trải nghiệm cuộc sống, niềm vui, nỗi buồn, thành công và thất bại”.
Nhiều bậc cha mẹ luôn quan niệm rằng, mình gánh vác mọi khó khăn cho con, gạt bỏ mọi trở ngại, loại bỏ mọi rủi ro chính là tình yêu thương, con cái sẽ sống hạnh phúc. Họ không nghĩ rằng, những khó khăn, thất bại là lẽ thường tình của cuộc sống.
Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, những người được nuông chiều khi còn nhỏ ít có khả năng cảm thấy được yêu thương. Đồng thời, họ dễ mắc các vấn đề về tâm lý như ăn quá nhiều, tự ti.
Cha mẹ có thể tham gia vào sự trưởng thành của con cái nhưng không thể thay thế được.
Bi kịch lớn nhất của cha mẹ là phải chịu đựng mọi thứ vì con, biến con thành kẻ thua cuộc, không có khả năng sinh tồn và không có những phẩm chất tốt đẹp.
Giáo dục gia đình đừng coi con cái là trung tâm
Zeng Shiqiang – một nhà Hán học người Trung Quốc chuyên nghiên cứu về Kinh dịch từng nói:
“Trên đời này có 2 kiểu con cái, 1 là để báo ân, 2 là báo oán.
Nếu con bạn tới để báo oán, cha mẹ khỏe mạnh cũng bị làm cho tức phát điên. Cha mẹ nhiều tiền bao nhiêu rồi cũng tán gia bại sản. Cha mẹ kinh doanh làm ăn tốt, con cái phá gia chi tử. Đó là một đứa con nghịch tử điển hình.
Kiểu thứ là đứa con tới để báo ân, nếu cha mẹ ốm đau thì con sẽ hết lòng chăm sóc. Nếu cha mẹ nghèo thì con sẽ dốc sức kiếm tiền nuôi gia đình. Con cái sẽ làm mọi thứ để cha mẹ mình được hạnh phúc”.
Trên thực tế, việc con cái đến để báo ân hay báo oán đều do cách nuôi dạy của cha mẹ quyết định.
Nếu cha mẹ không muốn con mình trở thành người bất hiếu, kẻ thua cuộc, họ không nên coi con là trung tâm của cả nhà.
Có một cậu bé tên Yang Zhiyang (Trung Quốc), 10 tuổi nhưng không may mẹ bị mắc bệnh nặng. Vì cha phải ra ngoài kiếm tiền nên cậu bé có trách nhiệm chăm sóc mẹ.
Không còn cách nào khác, cậu bé phải học cách giúp mẹ tắm rửa, cho ăn, xoa bóp... Cậu bé cứ như vậy chăm sóc mẹ suốt 12 năm. Giờ đây, cậu bé năm nào đã trở thành một người đàn ông có trách nhiệm.
Để giúp mẹ tìm lại niềm vui cuộc sống, khi còn là học sinh, cậu còn học cách trang điểm và buộc tóc cho mẹ. Thỉnh thoảng cậu còn đưa mẹ đi mua sắm, ăn lẩu cùng nhau.
Cậu từng nói: “Mẹ sinh tôi năm 21 tuổi. Để tiết kiệm vài đồng mua sữa bột cho tôi, ngày hè nóng nực mẹ không dám bắt xe buýt đi làm. Tôi làm sao có thể để mẹ phải tiếp tục chịu đau đớn vì tôi nữa”.
Những lời lẽ giản dị và khiêm tốn này khiến người ta hiểu được tình mẫu tử là gì. Nhiều khi con cái không dễ bị tổn thương như chúng ta nghĩ.
Ngược lại, nếu cha mẹ có thể buông bỏ, cho con cái cơ hội cho đi và để chúng học cách chia sẻ gánh nặng gia đình, chúng sẽ đáp lại cha mẹ một bất ngờ.
Trước đó, có một video lan truyền trên mạng khiến nhiều người cảm động. Có một cậu bé mới 7 tuổi đã khéo léo giúp mẹ gói đồ ăn, giao cho khách. Vào một ngày hè nóng bức, cậu bé đứng trong một khu chợ không có quạt, mồ hôi đầm đìa vì nóng.
Người mẹ cho biết, con cô đã biết giúp mẹ nhiều việc từ khi 4 tuổi. Cô luôn cảm thấy mình nợ con rất nhiều.
Đứa trẻ nào cũng háo hức lớn lên và mong một ngày nào đó có thể chia sẻ công lao khó nhọc của cha mẹ. Ánh mắt cậu bé đó không hề lộ vẻ mệt mỏi mà là niềm tự hào khi được trở thành cánh tay phải của mẹ.