Cha mẹ muốn con nối nghiệp mình, hơn mình mọi mặt nhưng lại không đủ nhẫn tâm nhìn con tự đương đầu với thực tế khắc nghiệt.
Cho nên mới có những bà mẹ khóc vì con mình quen người lạ trên mạng, hay thảng thốt khi thấy con xem phim cấp ba; những ông bố nổi trận lôi đình cắt nát bộ quần áo thiếu vải của con gái vì bắt chước cô người mẫu trên Facebook.
Không nên trầm trọng hóa
Phải thừa nhận rằng các bạn trẻ hiện nay tiếp cận với công nghệ mới khá nhanh nhạy. Đó là lý do chính khiến cha mẹ cảm thấy bất an, nhất là những bậc cha mẹ sinh ra vào khoảng thập niên 1960, thời đại của những cánh đồng xanh ngát, bờ đê trải dài hay những tình cảm ngọt ngào trong trẻo của Em tan trường về, mưa bay mờ mờ. Anh trao vội vàng, chùm hoa mới nở. Ép vào cuối vở muôn thuở còn thương, còn thương (1).
Những kinh nghiệm đầu đời khiến cha mẹ vẽ nên một "giáo trình" dành riêng cho con cái của mình. Nhưng bọn trẻ có lý lẽ riêng của chúng.
Với chúng, những suy nghĩ của cha mẹ không thật và thực tế bằng những thông tin mà chúng tìm được trên mạng (Ít nhất là nhìn tận mắt, nó khác xa với điều mà cha mẹ kể: mắt không thấy mà tay cũng không chạm vào được). Do đó, chúng tiếp tục với hành trình của chúng mà không chút đếm xỉa đến những gương mặt đang héo hon của các bậc phụ huynh.
Phải chăng trong những tiếng kêu than trách móc Internet đang cướp mất những đứa trẻ ngoan là cảm giác bất lực của các bậc cha mẹ vì không tìm ra cách thức giao tiếp với con?
Con thành công khi cha mẹ đủ nhẫn tâm nhìn con đương đầu với thực tế khắc nghiệt. (Ảnh minh họa).
Cha mẹ thường mặc định đứa trẻ từ 3-18 tuổi không lường trước được những khó khăn của cuộc sống, nên những lời dạy bảo của cha mẹ là liều thuốc quý chúng nên trân trọng. Tuy vậy, những bậc cha mẹ ấy hình như đang quên mất thời tuổi trẻ của họ. Thời của những thanh niên hăm hở khám phá thế giới với sự hồn nhiên và và táo bạo tuổi trẻ. Họ muốn đập phá xây lại, thử và nếm, tò mò và háo hức.
Có gì khác biệt với những đứa trẻ của 20 năm sau tò mò với các mối quan hệ trên mạng xã hội, háo hức với các phát hiện về giới tính và muốn nếm trải cảm giác làm một người trưởng thành được tự quyết định mọi thứ? Những đứa trẻ đang được cha mẹ liệt vào danh sách hư hỏng, không thể dạy bảo do ảnh hưởng của Internet chẳng qua đang thể hiện đúng với bản chất của lứa tuổi chúng - là một điều rất bình thường mà các bậc phụ huynh không nên trầm trọng hóa.
Hướng dẫn con làm quen với thực tế
Có một câu chuyện về gia đình đại bàng: đại bàng con khi đã đủ lớn thường được chim mẹ dẫn đến những hẻm vực sâu.
Bài học bay đầu tiên là cú hất của chim mẹ để những đôi cánh bé nhỏ phải đập liên hồi chống chọi lại những cú rơi tự do xuống vực thẳm. 20% đại bàng con đã chết do không vượt qua được thử thách này, nhưng mỗi năm đại bàng mẹ vẫn đẩy con mình xuống những hẻm núi.
Không vượt qua được những cú đập cánh đầu đời, đại bàng con không thể trở thành biểu tượng của sự dũng mãnh mà chúng ta đang thấy ngày nay. Đó là sự thật về những con đại bàng - loài vật kiêu hãnh, luôn ngự trên những đỉnh núi cheo leo, khắc nghiệt gió và tuyết.
Câu chuyện về bài học bay đầu đời của đại bàng con làm dấy lên câu hỏi: chim mẹ có lường được hiểm nguy mà chim con phải đối mặt khi hất chúng xuống núi không?
Để trở thành chim mẹ ngày hôm nay, đại bàng mẹ chắc chắn đã phải đối mặt với vực thẳm ít nhất một lần trong đời. Nó biết hiểm nguy mà chim non gặp phải nếu không cố gắng thắng được những cơn gió và sức hút của vực sâu. Nó hiểu điều đó, nhưng vẫn muốn chim non phải tham gia thử thách sống còn. Bởi lẽ nó biết chim non lớn lên có thành đại bàng hay không tùy thuộc vào khả năng chiến thắng tự nhiên của nó.
Ở một khía cạnh nào đó, việc cha mẹ đặt kỳ vọng vào con cũng giống như cách đại bàng mẹ hất con xuống núi. Sẽ không có đại bàng trên bầu trời cũng như không có những người thành công trên đời nếu không có những cú huých đầu đời.
Nhưng đáng lẽ phải như đại bàng mẹ cho con thấy ý thức được sự khắc nghiệt của cuộc sống, thì nhiều bậc cha mẹ lại bao bọc con mình và đưa ra các quy tắc an toàn dựa trên kinh nghiệm người lớn của mình. Chính vì thế, sự ưa thích khám phá của lũ trẻ bị tổn thương và chúng trở nên nổi loạn trong mắt cha mẹ, hoặc chúng mãi mãi chỉ là những con gà đại bàng, không bao giờ cất nổi cánh lên trời, chôn vùi ước vọng về một ngày chim non sẽ tung cánh đại bàng của cha mẹ.
Công nghệ thông tin ngoài những mặt tiêu cực còn chứa nhiều tác động tích cực đối với xã hội. Ngăn cấm hay cách ly hoàn toàn với công nghệ không phải là một giải pháp khả thi. Việc của cha mẹ là biến mình thành những đại - bàng - mẹ sẵn sàng hất con xuống vực, cho những chú chim non làm quen môi trường thực tế với sự hướng dẫn về các quy tắc an toàn tối thiểu.
Chim non sẽ tự đập cánh và chịu trách nhiệm về hành động của mình trong sự quan sát và điều chỉnh kịp thời của cha mẹ. Làm một đại bàng mẹ tốt hơn làm một bà mẹ lo âu và rầu rĩ!
(1): Ngày xưa hoàng thị - thơ: Phạm Thiên Thư, nhạc: Phạm Duy