Trẻ nhỏ vốn hiếu động, nghịch ngợm nên dễ phạm phải sai lầm. Cách dạy dỗ của người lớn giúp hình thành tính cách của đứa trẻ sau này.
Bà Lưu (Trung Quốc) trong một lần dẫn cháu nội đi ra ngoài thấy một siêu thị đang khai trương, có nhiều mặt hàng giảm giá nên cũng vào để mua một số món đồ. Trong lúc bà Lưu mải lựa chọn sản phẩm, cháu trai vì quá hưng phấn với sự tấp nập của siêu thị nên có chạy nhảy linh tinh. Bên cạnh đó, cháu nội bà Lưu còn sờ vào rất nhiều món đồ khác nhau nhưng khi đặt lại không đặt về vị trí cũ.
Điều này đã khiến nhân viên siêu thị để ý và có nhắc nhở một vài lần. Tuy nhiên cậu nhóc vẫn hiếu động chạy khắp siêu thị và không may làm rơi vỡ một khay trứng gà. Trứng vỡ làm bẩn hết ra sàn nhà khiến nhân viên siêu thị tức giận nắm lấy tay cậu nhóc và quát mắng.
Người này yêu cầu cậu bé liên lạc với người thân để bồi thường. Đáp lại thái độ của nhân viên siêu thị, cậu bé liên tục cúi gằm mặt, lùi về phía sau và nói "không phải cháu làm vỡ".
Thấy mọi người tụ tập đông lại một chỗ bà Lưu mới ý thức được việc cháu nội mình đã vượt ngoài tầm kiểm soát từ lâu và bà tiến lại. Lúc này nhân viên siêu thị tiếp tục nói giọng điệu khó nghe với hai bà cháu, họ cho rằng hôm nay là ngày vui của họ mà đứa trẻ đã làm vỡ đồ, làm bẩn hết sàn nhà. Mặc dù đã được họ nhắc nhở trước đó nhưng cháu bà Lưu vẫn không nghe lời nên mới ra cơ sự này.
Vì thế họ yêu cầu hai bà cháu phải bồi thường gấp 10 lần giá trị sản phẩm. Mọi người có mặt xung quanh đều chỉ trỏ vào cháu bà Lưu và cho rằng đứa trẻ này quá hư, quá nghịch ngợm làm bà phải khổ.
Bà Lưu vừa xấu hổ với cháu, vừa lo lắng về số tiền phải bồi thường nhưng bình tĩnh xử trí. Bà quay nói với cháu:" Việc cháu làm vỡ đồ trong siêu thị nhưng chối bỏ là cháu sai rồi. Cháu phải gửi lời xin lỗi tới cửa hàng và liên lạc với bà ngay sau xảy ra sự việc chứ". Nghe bà nói, đứa trẻ cúi đầu nhận lỗi.
Tuy nhiên, bà Lưu tiếp tục quay lại nói với cô nhân viên cửa hàng: "Siêu thị vừa mới khai trương, đứa trẻ cũng tò mò vì không gian quá đẹp nhưng không cố ý làm hư hỏng hàng hóa. Tôi sẽ bồi thường theo giá trị thực tế của số trứng này và chủ động thu dọn hiện trưởng.
Tuy nhiên tôi yêu cầu cô phải xin lỗi cháu của tôi vì những lời nói và hành vi gây xúc phạm đứa trẻ. Việc dạy dỗ nó là việc của gia đình, chưa đến lượt cô phải la mắng, quát tháo và làm nó xấu hổ trước mặt bao nhiêu người như thế. Cô thử suy nghĩ xem, nếu đứa trẻ là con của cô, cô có muốn nó bị mắng nặng nề như thế không?".
Lời nói của bà Lưu khiến tất cả mọi người có mặt đều im lặng. Nhân viên cửa hàng cũng cảm thấy xấu hổ trước lời nói của bà Lưu và trầm tư một lúc. Cuối cùng, cô nhân viên gửi lời xin lỗi tới hai bà cháu và chấp nhận nhận bồi thường theo giá gốc của số trứng đó. Bà Lưu cũng nhanh chóng cùng cháu nội gửi lời xin lỗi tới cửa hàng.
Sau khi thanh toán và rời khỏi siêu thị, trên đường về nhà bà Lưu bày tỏ sự không hài lòng với đứa cháu sau sự vụ ngày hôm nay. Bà nghiêm khắc và kiên nhẫn dạy cháu phải dũng cảm thừa nhận sai lầm và tự giải quyết vấn đề, thay vì chỉ biết cúi gằm mặt và chối bỏ sai lầm như trường hợp vừa nãy.
Trong câu chuyện này, chúng ta không khỏi thán phục trước sự thông thái và tấm lòng của bà Lưu. Với thái độ thấu hiểu và bao dung, bà đã thể hiện được sự đồng cảm cần thiết khi giải quyết vấn đề. Đối mặt với lỗi lầm của cháu trai, bà không hề trách móc chứ chưa nói đến trừng phạt mà thay vào đó, bà dùng giọng điệu và hành động bình tĩnh của mình để dạy cho cháu trai một bài học "nhớ đời".
Ảnh minh họa
Những gì bà Lưu làm không chỉ để giải quyết vấn đề mà còn vì sự trưởng thành của cháu trai bà. Bà dùng lời nói và hành động của mình để truyền tải tầm quan trọng của trách nhiệm và lòng nhân ái. Bà dặn cháu trai rằng khi gặp lỗi lầm không phải là chạy trốn và đổ lỗi mà phải dũng cảm thừa nhận và sửa chữa. Đồng thời, cô nhân viên cửa hàng cũng phải học cách thấu hiểu, bao dung, suy nghĩ vấn đề từ góc độ của người khác để thực sự trở thành một người có trách nhiệm và giàu lòng nhân ái.
Trong cuộc sống thực tế, làm thế nào để một gia đình nuôi dưỡng được một đứa trẻ có trách nhiệm và nhân ái? Cách tiếp cận của bà Lưu đã mang đến cho chúng ta nguồn cảm hứng sâu sắc. Trước hết, cha mẹ hãy làm gương, làm gương cho con bằng hành vi của chính mình. Thứ hai, chúng ta nên khuyến khích trẻ đối mặt với sai lầm và chịu trách nhiệm thay vì trốn tránh. Cuối cùng, chúng ta phải nuôi dưỡng lòng nhân ái của trẻ và để chúng học cách quan tâm và thấu hiểu người khác, để chúng có thể hòa nhập tốt hơn với xã hội và trở thành những con người có ích.
Câu chuyện của bà Lưu khiến chúng ta hiểu ra một sự thật: khi giải quyết vấn đề, điều rất quan trọng là phải suy nghĩ từ góc độ của người khác và hiểu được lòng bao dung. Chỉ bằng cách này chúng ta mới có thể hòa hợp tốt hơn với những người khác và thiết lập các mối quan hệ hài hòa giữa các cá nhân. Đồng thời, điều này cũng mang lại cho chúng ta một phương pháp giáo dục gia đình quý giá, giúp chúng ta biết cách rèn luyện một con người có trách nhiệm và giàu lòng nhân ái.