Chẳng biết các mẹ nghĩ thế nào, còn tôi thì không bao giờ có thể chấp nhận phương pháp giáo dục con cái bằng cách đánh, chửi giống như rất nhiều ông bố, bà mẹ hiện nay đang áp dụng. Thậm chí có những bậc phụ huynh vì cáu giận quá không kiềm chế được đã lôi con ra đánh như bổ củi, để rồi sau đó nhìn ánh mắt sợ sệt của con khi đối diện với mình thì lại ân hận, lại day dứt rằng: “Sao mình lại làm thế?”, hoặc: “Lần sau nhất định mình sẽ phải bình tĩnh hơn”.
Là một bà mẹ hai con, một đứa bảy tuổi và một đứa bốn tuổi, nên tôi cũng đã từng trải qua tất cả những cảm giác bực bội, giận dữ do sự cứng đầu, khó dạy của các con mình. Tôi hiểu hơn ai hết rằng, đòn roi không những chẳng giải quyết được vấn đề gì trong việc dạy dỗ con cái mà nó còn khiến cho tình hình càng trở nên tồi tệ hơn. Đến giờ phút này tôi có thể khẳng định: đánh con là hành động chứng tỏ sự bất lực của bố mẹ và chỉ có những ông bố bà mẹ nào không biết cách dạy con mới áp dụng cách này.
Ông bà ta có câu “thương cho roi cho vọt”, tuy nhiên ngày xưa ông bà vẫn có những nguyên tắc nhất định trong việc dạy dỗ và chỉ hy hữu lắm mới đánh con, chẳng hạn nếu con cháu phạm lỗi, các cụ thường bắt nằm sấp xuống, cầm roi giảng giải, phân tích đúng sai một hồi rồi mới quất cho vài roi vào mông để mà nhớ. Còn ngày nay, mang tiếng là xã hội hiện đại hơn, văn minh hơn, thế mà có rất nhiều bậc cha mẹ đánh con vô tội vạ, cáu lên là chửi, thích lên là đánh, tùy tiện tát con mà chẳng hề đắn đo hay suy xét lợi hại, chẳng cần biết đánh vào vị trí ấy có thể gây thương tích hay không... Các bố các mẹ không hiểu rằng ranh giới giữa việc “dạy bảo” với “ngược đãi” và “bạo lực gia đình” là mong manh lắm.
Cha mẹ có học sẽ có nhiều cách khiến con nghe lời mà không cần dùng đến đòn roi. (Ảnh minh họa).
Bản thân tôi đã từng chứng kiến rất nhiều trường hợp con cái bị ảnh hưởng từ hành động đánh đập thô bạo, lạm dụng đòn roi của bố mẹ. Ở mức độ nhẹ thì sau vài lần bị đánh chúng sẽ ức chế tâm lý, sống khép mình, sợ hãi, xa lánh bố mẹ, nói dối quanh co… vì sợ bị bố mẹ đánh, nặng hơn thì chúng trở nên lỳ đòn, thậm chí là càng ngày chúng càng bướng bỉnh và ngỗ ngược.
Chẳng nói đâu xa, ông anh họ của tôi cũng có một cậu con trai năm tuổi, vì bình thường cứ hơi một tý là bị bố mẹ đánh nên có lẽ cậu bé cũng bị “lây”. Bé tí như cái kẹo mà tính tình cu cậu đã hung hãn, đi học rất hay cấu véo, bắt nạt, thậm chí là sẵn sàng nhảy bổ vào bạn mà “xử” nếu như có việc gì đó không hài lòng. Chưa hết, mỗi lần bị bố mẹ đánh thì cu cậu chỉ giả vờ ngoan ngoãn được một lúc, sau khi bố mẹ đi khỏi lại tiếp tục những hành động y như ban đầu. Càng nghĩ tôi càng thấy đánh con là hành động sai lầm và không thể chấp nhận được, nó chẳng những không giáo dục được con mà còn phản tác dụng và khiến tình cảm gia đình ngày càng thêm rạn nứt.
Theo tôi, một ông bố, bà mẹ có học thức và tình thương yêu con cái thì sẽ không bao giờ dùng phương pháp đánh đập để dạy dỗ con như vậy. Dù con có hư đến mấy thì cũng có thể nhẹ nhàng hoặc nghiêm khắc dạy dỗ bằng nhiều cách thay vì la mắng và đánh đòn. Chẳng hạn như mỗi lần cảm thấy mình đang quá cáu giận thì tôi thường chọn cách im lặng hoặc bảo con về phòng đóng cửa lại tự suy nghĩ, đợi đến khi nào cảm thấy “máu nóng” trong người hạ nhiệt thì hai mẹ con tôi sẽ ngồi nói chuyện trực tiếp và thẳng thắn trao đổi suy nghĩ với nhau. Đó không chỉ là phương pháp để tôi tự khiến mình bình tĩnh lại mà còn là một cách rất thiết thực để tôi dạy con bài học về sự kiềm chế.
Tôi luôn bắt con tự chịu trách nhiệm đối với những hành động mà chúng đã gây ra, chẳng hạn như sau khi chơi xong chúng vứt đồ chơi bừa bãi, đi học về cặp sách không đúng nơi quy định, bới tung tủ quần áo lên… thì ngay lập tức tôi sẽ bắt chúng phải ngồi gập lại cả tủ quần áo, đem đồ đạc cất vào nơi quy định… và lần sau nếu còn mắc lỗi thì sẽ bị phạt. Thay vì la mắng và đánh đòn, tôi dùng các biện pháp khác để trừng phạt con dựa trên nguyên tắc cấm những thứ mà chúng thích và bắt buộc phải làm những việc mà chúng ghét. Sau vài lần phải tự lau nhà, rửa bát, không được mua truyện tranh, không được xem phim hoạt hình hay chơi điện tử… thì chắc chắn chúng sẽ phải nhớ và “chừa”.
Tôi cực lực phản đối hành vi đánh để dạy con. Những ông bố, bà mẹ thông minh thì sẽ có rất nhiều cách để khiến con mình trở nên ngoan ngoãn và nghe lời mà không cần phải dùng đến đòn roi.
Tâm sự của bạn đọc gửi từ địa chỉ email: hoa_nguyen_kim...@...