Tôi gặp chị lần đầu tiên khi đã bước sang ngày thứ 14 chị nuôi con nằm viện. Người đàn bà lam lũ, khắc khổ nhưng vẫn rạng rỡ ánh nhìn nhân hậu và như gặp được tri kỷ, chị trải lòng tâm sự cùng người mẹ cũng chăm con đang bệnh tật là tôi.
Chị 32 tuổi, người miền biển của đất Thái Bình. Có lẽ cái nắng, cái gió và cả những tháng năm tần tảo khi làm một bà mẹ đơn thân nên trông chị già hơn so với tuổi.
Chị vốn là cô bé mồ côi, ở bà ngoại nuôi từ khi lên 4 tuổi, cuộc đời côi cút và những tháng ngày bươn trải cùng bà kiếm sống nên mãi sau này khi đã đến tuổi trưởng thành mà nhìn chị vẫn như một cô bé con, nước da mai mái cùng với mái tóc đỏe hoe cháy nắng nên đàn ông con trai chẳng ai buồn để ý.
Bà ngoại mất, một lần nữa chị lại côi cút, đơn lẻ trong cái cuộc sống đầy oan trái. Vào một đêm ngày lũ rồi chị gặp một ông xe ôm lớn tuổi, đi làm xa nhà… người đàn bà trong chị được yêu hay yêu thì không biết, chỉ biết chị đã trao cho ông ta cái lần đầu của người phụ nữ. Sau cái đêm ăn nằm cùng chị, gã đàn ông đi đâu chị cũng không biết, món quà mà gã để lại cho chị chính là cậu con trai tên Sáng, chị muốn đời con chị sau này sáng sủa, tươi đẹp hơn chị nên chị đặt tên con như vậy.
Suốt 8 năm liền chị vừa làm mẹ, vừa cha của bé Sáng, thằng bé từ sớm biết mình là con nhà nghèo lại thiếu hơi ấm người cha nên rất thương mẹ và chịu khó học hành. Chị cảm thấy cuộc đời ấm áp nên có vất vả, khó nhọc đến mấy chị vẫn tươi cười. Ấy vậy mà giờ đây thằng bé kháu khỉnh của chị lại đang phải đối mặt với tử thần.
Vẫn còn không ít mẹ vì mải làm, vì thiếu hiểu biết mà không cho con đi tiêm phòng (Ảnh minh họa)
Bé Sáng, năm nay đã lên 8, tôi ghé phòng thăm bé mà thấy xót lòng bởi dù bé đang nằm ngủ thiếp đi, cổ tay chằng chịt những vết lấy ven nhưng khuôn mặt của bé vẫn cho thấy đây là một cậu bé khôi ngô, tuấn tú.
Đầu tháng 7 âm lịch, chị được chủ trả cho món tiền công dồn nợ 2 tháng đang tính sẽ dần con trai đi sắm sửa đồ dùng cho năm học mới thì ngờ đâu tai họa ập đến với hai mẹ con chị. Bé Sáng tự dưng cứ thế sốt mãi, chị làm đủ mọi cách để con hạ sốt mà cơn sốt vẫn cứ đeo bám thằng bé, đã thế bé nôn liên tục. Sợ quá, chị nhờ hàng xóm láng giếng bế con lên trạm xá, ở trạm xá xã cũng chẳng ăn thua, chị lại đưa con lên bệnh viện huyện, người ta bảo con chị bị viêm họng cấp, cho thuốc về uống. Qua được 2 ngày, chị thấy con không còn nôn nữa nhưng vẫn còn sốt, chị vẫn để bác sĩ tiêm cho con nhưng tình trạng của bé Sáng cũng không có gì tiến triển.
Những ngày sau đó, chị tiếp tục chuyển con lên bệnh viện tỉnh, cháu bé được thăm khám và xét nghiệm máu và kết luận bị sốt xuất huyết. Nằm viện điều trị được 3 ngày, mà chị vẫn thấy con sốt cao gần 40 độ C, cháu không ăn uống được gì và bắt đầu rơi vào tình trạng hôn mê. Đến lúc này, chị gần như hóa điên, chỉ biết khóc ôm con rồi một mực đòi bệnh viện chuyển cháu bé lên tuyến trung ương. Bệnh viện một lần nữa hỗ trợ chị làm các xét nghiệm và nói con chị đã bị viêm não và chuyển sang giai đoạn nặng, giờ phải chuyển lên Hà Nội cấp cứu thì may ra còn hy vọng.
Chỉ chạy về nhà, vơ vét số tiền còm cõi tích bấy lâu và chạy đi vay thêm mấy trăm bạc từ những người chị em thân thiết rồi đưa con lên thành phố. Chị bảo: Ông trời vẫn thương hai mẹ con em lắm bác sĩ, ở đây người ta bảo để chậm tý xíu nữa thì em đã mất con rồi”, nói xong chị ngước nhìn trời vái vái mấy lạy một cách thành kính.
Từ ngày bé Sáng được điều trị ở bệnh viện lớn, chị cũng đỡ lo phần nào hơn vì dù thế nào ở đây cũng tập trung nhiều bác sĩ có tay nghề. Đã hơn chục ngày nay, chị không dám rời con nửa bước vì bác sĩ dặn người nhà phải luôn theo dõi, quan sát diễn biến tình trạng sức khỏe của bé để bác sĩ kịp thời hỗ trợ.
Nhưng chị vẫn xót xa nhất là những lúc phải ở ngoài phòng cách ly đặc biệt, chầu chực đến giờ vào với con và chỉ sợ khi con thức dậy lại chưa nhìn thấy mẹ thì đau lắm.
Đang nói chuyện cùng tôi mà chị lăn dài hai hàng nước mắt, rồi khẽ lấy vạt áo chùi đi. Chị bảo: “Số phận em hẩm hiu đã đành, mà tại sao cái nghèo nó cứ đeo bám để làm khổ con em. Bao năm nuôi con chỉ nghĩ đến việc lo miếng cơm, manh áo, cho con đến lớp học chữ chứ có nghĩ đến chuyện đưa con đi tiêm vắc xin phòng bệnh viêm não đâu chứ. Chỉ tại em mải làm khiến con thiệt thòi, giá như em đỡ khổ hơn, giá như em có tý hiểu biết thì con em đâu nằm ở đây. Con ơi, con mau tỉnh dậy nhìn mẹ con nhé!”.
Là người mẹ tôi cũng hiểu nỗi đau đang dày vò trái tim chị, tôi động viên chị rằng: Dù bé Sáng vẫn còn hôn mê nhưng so với những ngày đầu vào viện, chị đã thấy con có những dấu hiệu tiến triển đáng mừng. Và chẳng mấy là bé sẽ tỉnh dậy, mạnh khỏe và cùng đi đi mua quần áo mới để vào năm học mới mà thôi.
Hai bà mẹ nắm chặt tay nhau và thầm lặng cầu những đứa con của chúng tôi sẽ mau bình phục vì ngoài cánh cửa phòng chăm sóc đặc biệt kia, có mẹ của các con đang đợi các con về nhà.