Chị Nguyễn Ngọc Minh, hiện đang là giảng viên khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội và là chủ dự án "Sách ơi mở ra" với các lớp học dạy đọc sách dành cho học sinh từ 6 tuổi. Luôn thường trực nụ cười tươi tắn đầy bao dung, luôn tìm cách động viên và “đánh thức” sự tự tin, tự giác, tự lập trong mỗi đứa trẻ là điểm cuốn hút đặc biệt của chị. Và người mẹ tràn đầy tình yêu sách vở này cũng có cách dạy con rất đáng để học hỏi!
Hãy kể chuyện con nghe và nghe con kể chuyện!
Chào chị Ngọc Minh, nhiều mẹ kêu trời vì nhà có 2 cậu con trai thường nghịch ngợm, bướng bỉnh, suốt ngày phải la mắng, thậm chí phải “thương cho roi cho vọt”. Chị có thể chia sẻ việc “xoay sở” với 2 chàng trai của chị như thế nào không?
Có lúc mình cũng phải sử dụng biện pháp mạnh đấy (cười), nhưng thực sự là rất hiếm khi, dù bạn lớn đã 6 tuổi và bạn bé thì cũng hơn 4 tuổi rồi. Bởi mình thấy rằng, quát mắng hay đòn roi có thể “giải quyết” vấn đề nhanh chóng theo cách làm trẻ sợ hãi mà vâng lời, chứ không hiểu lý lẽ, đúng sai.
Vậy chị thường dạy con bằng cách nào để bé có thể hiểu lý lẽ mà mẹ không thành …mẹ Hổ?
Mình luôn cố gắng giữ bình tĩnh khi xử lý các vấn đề của con. Ví dụ, khi con mè nheo, đòi hỏi hay quấy rầy, mình sẽ đưa ra các tình huống cho con suy nghĩ và lựa chọn. Hoặc đánh lạc hướng bằng các hoạt động con thích. Hay khi các con cãi nhau, đánh nhau, khóc lóc, mình sẽ yêu cầu các con lần lượt kể lại xem anh em gây chuyện như thế nào. Các con sẽ nín khóc để kể và sau đó, mình cùng con phân tích xem ai mắc lỗi ở đâu, rồi tự nhận lỗi.
Mình cũng thường hay dạy con qua các câu chuyện kể, ngay khi xảy ra tình huống hoặc sau đó, khi mẹ con có thời gian rỗi rãi để trò chuyện với nhau. Các câu chuyện cổ tích, ngụ ngôn…có khi kể đúng, có khi “mô li phê” một chút cho phù hợp hoàn cảnh, nhưng mình thấy có hiệu quả rõ rệt và lâu dài. Con chăm chú nghe chuyện và đặt ra các câu hỏi, qua việc giải đáp mẹ sẽ chỉ cho con những hành vi ứng xử đúng đắn…. Ví dụ như Cậu bé chăn cừu là câu chuyện rất hay để dạy trẻ về tính trung thực, về hậu quả của việc nói dối và mất lòng tin, hay Chuyện mẹ con sư tử để dạy về tính tự giác tự lập…
Mình nghĩ, mưa dầm thấm lâu, đó là cách mà những cuốn sách có thể dạy cho con trẻ.
Mẹo hay để con thích kể chuyện, biết đọc sách
Nhưng như chị thấy đấy, việc đọc truyện hay kể truyện “ngốn” kha khá thời gian của những ông bố bà mẹ bận rộn. Và cũng nhiều người than phiền rằng con chỉ thích smart phone chứ không thích đọc sách, không thích nghe kể chuyện. Vậy theo chị, làm thế nào để việc đọc sách có thể mang lại hiệu quả trong việc dạy con?
Bạn có thể thấy 1 cuộc chiến đang diễn ra trong gia đình hiện đại, khi cha mẹ quá bận và con có nhiều thời gian, cơ hội để tiếp xúc với các thiết bị điện tử thông minh, phải nói là chúng quá hấp dẫn. Đến một lúc nào đó, cha mẹ bắt đầu thấy lo lắng, rằng con không còn yêu thích những cuốn sách, không biết viết một đoạn văn, không hiểu một câu chuyện…Và cuộc chiến bắt đầu, với rất nhiều khó khăn cho cả 2 bên!
Bản thân mình cũng rất bận rộn. Nhưng mình cố gắng tận dụng thời gian để kể chuyện cho con và nghe con kể chuyện. Lúc đón con ở trường, trên đường đi học, khi cả nhà ăn tối, đặc biệt là 30 phút trước khi đi ngủ. Các con mình đọc sách chưa thạo nhưng rất thích nghe kể chuyện và tự kể.
Nhưng để trẻ có lòng yêu thích sách bền vững chắc hẳn phải cần nhiều hơn thế?
Đúng vậy, bố mẹ không thể khiến con yêu sách khi chỉ cho con tiếp xúc với đồ chơi hay ipad, iphone. Hãy tạo môi trường sách trong gia đình, càng sớm càng tốt. Tôi đọc đâu đó kể rằng, người mẹ Do thái nhỏ mật ong lên sách cho con nếm hay xếp sách quanh giường, nhằm cho trẻ làm quen với sách, từ sâu trong tiềm thức.
Bố mẹ cũng hãy thường xuyên đọc sách để là tấm gương cho trẻ noi theo. Và mỗi ngày cần phải dành một khoảng thời gian để đọc sách cho con nghe. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng sự tương tác giữa bố mẹ và con khi đọc sách, nhất là với trẻ đã biết nói là điều vô cùng quan trọng.
Chúng ta nhiều khi thường đọc truyện cho con theo kiểu “cho xong một việc”, hết truyện sẽ nói “chúc bé ngủ ngon” (cười). Nhưng để trẻ luôn hứng thú với các câu chuyện kể và đặc biệt là dần hình thành kĩ năng đọc – hiểu, bố mẹ cần tạo ra môi trường hỏi – đáp. Có rất nhiều câu hỏi sau mỗi câu chuyện, ví dụ: chuyện kể về cái gì/ như thế nào, có những nhân vật nào, con thích nhân vật nào nhất, tại sao? nếu con là nhân vật A thì con sẽ làm thế nào, nếu con là tác giả thì con sẽ kết thúc/ viết tiếp câu chuyện ra sao hoặc con thử đóng vai một nhân vật trong truyện…
Nếu bố mẹ thường xuyên thảo luận với con, trẻ sẽ có môi trường để rèn luyện, phát triển ngôn ngữ, tư duy và nhiều kĩ năng khác. Trẻ không những hiều được ý nghĩa câu chuyện, nhận ra được các giá trị cuộc sống mà còn phát triển khả năng tưởng tượng, giao tiếp, lập luận…, đặc biệt là kĩ năng đọc – hiểu, chìa khóa mở cánh cửa tri thức nhân loại thông qua con chữ một cách dễ dàng.
Xin cảm ơn chị Ngọc Minh về buổi trò chuyện đầy bổ ích này!