Bạn gái thân của em có cô bé Na năm nay học lớp 2 rất ngoan ngoãn và tự giác học tập. Nhiều lần sang chơi với Na em đều thấy cứ đúng 7 rưỡi sau giờ cơm là bé tự động ngồi vào bàn và tập trung làm cho xong bài tập về nhà của ngày hôm ấy và chuẩn bị sách vở cho ngày hôm sau. Dù trong lúc tự học cũng có những lúc bé chạy nhảy lung tung và làm nhiều việc ngoài lề nhưng kết quả cuối cùng vẫn là hoàn thành xuất sắc “nhiệm vụ”.
Bản thân em mới lấy chồng và cũng đang rất mong có một em bé đáng yêu và ngoan ngoãn học giỏi như cô bạn mình. Do vậy, em luôn quan sát cách mẹ Na dạy bé. Cô bạn em quả là có những bí quyết rất thú vị, đơn giản mà hiệu quả đến không ngờ.
Góc học tập đầy hứng thú
Yếu tố tiên quyết trước tiên để bé vui vẻ và tự nguyện ngồi vào bàn học chính là góc học tập của bé. Mẹ Na đã thiết lập cho bé một không gian yên tĩnh, thoáng đãng và đầy đủ ánh sáng, đảm bảo con ngồi học trong môi trường đạt tiêu chuẩn về điều kiện sức khỏe. Bàn học hướng cửa sổ, gió thổi mát rượi, đèn bàn đầy đủ ánh sáng và các công cụ dụng cụ học tập được sắp xếp ngăn nắp trên mặt bàn, chưa kể một giá sách nhỏ xinh theo màu sắc mà Na yêu thích được đóng ngay phía trên bên trái bàn học. Ngoài ra mẹ Na còn cùng bé “chế tạo" riêng một góc học tập đầy sự sáng tạo bằng những bức tranh nghệ thuật vui nhộn đầy màu sắc theo sở thích của bé, trong đó có thời gian biểu và thời khóa biểu học hàng ngày để tạo niềm hứng thú đặc biệt mỗi lần Na ngồi vào bàn.
Sẵn sàng giúp đỡ con
Khi bé Na có những câu hỏi hay các bài tập khó, mẹ bé luôn giúp đỡ con rất nhiệt tình. Nhiều mẹ thường hay mất kiên nhẫn và rất dễ nổi cáu với trẻ khi giảng mãi mà bé không hiểu bài. Điều này không bao giờ đem lại hiệu quả tốt. Trẻ không những chán học, sợ mẹ mà còn có cảm giác tự ti về bản thân.
Như mẹ bé Na, không bao giờ cô ấy tỏ ra cáu gắt và sốt ruột khi con chưa hiểu kịp những gì mẹ dạy. Nếu con không hiểu, ta hoàn toàn có thể bỏ qua, để hai mẹ con cùng thoải mái và sẽ trao đổi lại về bài tập này vào một lúc khác.
Thêm vào đó, giúp đỡ con chứ không phải làm hộ con. Cô bạn em cũng tuyệt đối không làm hộ Na hoàn toàn mà chỉ đưa ra hướng dẫn, phương pháp để bé tự tìm thấy câu trả lời của mình. Sau đó cô ấy kiểm tra kết quả của bé Na, và cho dù Na có làm sai thì mẹ vẫn cứ khuyến khích và động viên bé vì đó chính là sự tư duy và thành quả của chính bản thân bé mà. Còn nếu bé làm tốt thì còn ngần ngại gì không dành tặng con những lời khen ngợi đáng giá.
Thiết lập nguyên tắc bất di bất dịch
Một trong những bí quyết tối quan trọng trong quá trình dạy con học của mẹ Na đó là cô ấy đã ngầm thiết lập một nguyên tắc bất thành văn giữa Na và mẹ. Cô ấy đã chỉ cho Na hiểu rõ rằng mỗi tối sau khi ăn cơm 30 phút bé sẽ phải tự giác ngồi vào bàn học và chắc chắn phải làm bài trước khi xem Tivi, đọc truyện, thậm chí là đi ngủ hay bất cứ một hoạt động nào khác.
Để rèn được cho con hiểu nguyên tắc, mẹ Na đã kể cho em nghe một kinh nghiệm quý báu mà hai mẹ con hau đùa là một đêm "kinh hoàng“. Thời gian đầu mới đi học, chưa một bé nào có thói quen học bài ở nhà hết. Ngày đó thương con và chưa có nhiều kinh nghiệm, bạn em dễ dàng thỏa hiệp với con và không yêu cầu bé phải làm bài tập. Sau một thời gian kết quả học hành yếu kém cộng với việc phải nghe rất nhiều lời phàn nàn của giáo viên chủ nhiệm, cô ấy quyết tâm "cải tạo“ con mình.
Tối đó cô bạn em để Na ăn uống xong xuôi, yêu cầu Na ngồi vào học, nhưng cô bé phớt lờ lời của mẹ dặn, bé cứ xem tivi, cứ chơi, cứ đọc truyện và đến khi buồn ngủ rũ mắt thì bị mẹ ép ngồi vào bàn. Mẹ Na dù thương con,xót con nhưng vẫn kiên quyết yêu cầu con làm cho xong bài tập hôm đó mới được đi ngủ. Kết quả là đến tận gần 1 giờ sáng bé mới được mẹ tha. Mẹ đưa bé đi ngủ không quên để lại lời răn đe "Từ lần sau con sẽ phải học bài trước khi xem tivi, trước khi đọc truyện và trước tất cả mọi hoạt động khác nếu không con sẽ phải thức đến khi làm xong mới thôi“. Cương quyết và dứt khoát, mẹ tắt đèn cho Na đi ngủ và câu nói của mẹ cùng sự sợ hãi và mệt mỏi vì học bài đêm đã thấm vào tư tưởng Na từ hôm ấy.
Để con say mê làm bài tập về nhà không khó (ảnh minh họa)
Thấu hiểu khả năng tập trung của con
Nghiêm khắc với chuyện làm bài tập về nhà của con là vậy nhưng mẹ Na lại rất hiểu tâm lý của bé. Khả năng tập trung của trẻ thường không cao nên chẳng bao giờ cô ấy bắt Na phải học liền tù tì 1-2 tiếng cả. Cô ấy chia mỗi buổi học ở nhà của bé thành 2-3 đợt, mỗi đợt kéo dài 15-20 phutvà giữa mỗi đợt học bé hoàn toàn có thể nghỉ giải lao, uống nước, chơi một số trò chơi yêu thích của bé trong thời gian ngắn, trò chuyện với bố mẹ, đi lại vận động và rồi lại đầy đủ năng lượng cho đợt học tiếp theo. Đây là một phương pháp tuyệt vời để trẻ được kết hợp giữa học và chơi và luôn cho kết quả hoàn toàn xứng đáng với công sức và thời gian học tập trẻ bỏ ra.
Thường xuyên trao đổi với cô giáo chủ nhiệm
Đây là cách quan tâm bí mật đến Na của cô bạn em. Cô ấy thường xuyên trao đổi,chia sẻ kinh nghiệm với giáo viên của Na để tìm hiểu về khả năng tập trung của bé tại trường cũng như kết quả cố gắng của bé, để từ đó tìm ra biện pháp tốt nhất giúp con mình học giỏi và đạt kết quả như mong đợi.
Cho trẻ tự chọn môn học yêu thích
Bé Na ngày nào cũng tự giác hào hứng làm bài tập về nhà vì bé được tự chọn làm những bài dễ và môn học mà bé yêu thích trước tiên.Sau đó mới đến những bài tập khó hơn cần sự giúp đỡ của mẹ.Mặt khác để trẻ tự chọn môn học yêu thíchcũng giúp bé sau này hình thành tính cách và thói quen bé cũng sẽ biết mình muốn gì, môn nào mình giỏi để tập trung và phát huy hết khả năng của mình.
Làm gương cho con
Và yếu tố cuối cùng quan trọng không kém chính là sự gương mẫu của chính các bậc làm cha mẹ.Bé Na lúc nào cũng thấy bố hoặc mẹ làm việc hay đọc sách một cách nghiêm túc để từ đó chính bản thân bé dần hình thành thói quen tự giác học tập. Trong lúc bé học bố mẹ không nói chuyện quá to hay xem tivi vì bé sẽ cảm thấy ghen tị sao mình phải học trong lúc người khác lại được ngồi chơi và làm mất khả năng tập trung của bé.
Chỉ với một vài cách rất đơn giản thôi nhưng mẹ và bé sẽ không còn phải đánh vật với nhau mỗi tối với chủ đề bài tập về nhà đầy "nhức nhối nữa đâu.