Tôi thấy nhiều chị em cho con ăn dặm kiểu Nhật và bị chê lên chê xuống, bị hứng chịu biết bao chỉ trích của nhà chồng và mọi người chỉ vì cho con ăn theo kiểu “ngược đời”, là “sính ngoại”. Nếu vậy, nhìn cách tôi cho con ăn, chắc mọi người còn phải “khóc thét”. Cu Bin nhà tôi, không có ăn cháo xay, cũng không có ăn rau nghiền đâu. Tôi cho con ăn bốc, và ăn thô ngay từ bé.
Tôi có đọc được câu nói như thế này “The secret would seem to be not in what babies are offered, but in how it's offered”. Câu nói có nghĩa là: Bí mật của những đứa trẻ thông minh khỏe mạnh không nằm ở chuyện chúng được cho ăn cái gì, mà là chúng đã được cho ăn NHƯ THẾ NÀO. Đúng như vậy. Ai cũng muốn con mình được thông minh ngay từ nhỏ. Chúng ta không tiếc tiền mua sữa ngoại, cá hồi, váng sữa, tôm hùm, tổ yến cho con ăn. Nhưng tôi nói thật, những thứ đấy, ai cũng mua được. Ai cũng có thể cho con mình ăn những món đồ bổ dưỡng nhất, nhiều chất nhất. Vậy lấy đâu ra những đứa trẻ giỏi, trẻ dốt khác nhau? Lý do chỉ có một: đó là do cách chúng ta cho con ăn.
Chúng ta biết rằng trẻ sơ sinh chưa học bằng lý thuyết, bằng nguyên tắc, bằng logic hay bằng sách vở. Não bộ trẻ được phát triển thông qua khối lượng thông tin do các giác quan cung cấp. Trong khi đa phần chúng ta chỉ quan tâm đến chuyện dạy con được cái gì từ sớm, cho con nghe nhạc giao hưởng gì, đọc sách đánh vần gì, chơi đồ chơi kích thích trí tuệ gì…thì chúng ta lại quên đi một chuyện rất quan trong: Chiếc miệng bé xinh của con. Trẻ sơ sinh, học được nhiều nhất hóa ra lại bằng vị giác. Tất cả những gì bé thấy, bé cầm, bé đều có một phản xạ rất tự nhiên, đó là đưa lên miệng mút. Điều này nói với chúng ta điều gì? Không phải là “bẩn quá! hãy lao nhanh ra giật món đồ đấy khỏi miệng con”, mà là “Con đang thu thập những dữ liệu về các loại mùi vị, chất liệu, độ nóng lạnh, mức độ giòn mềm của mọi thứ trên thế giới xung quanh mình”. Từ đó, có thể khẳng định, chuyện ăn uống của trẻ cũng là một kênh phát triển não bộ vô cùng quan trọng. Vậy mà ta, chính chúng ta lại làm con thụt lùi, làm con chậm nói, chậm phát triển chỉ vì cho tất cả cơm thịt rau dưa vào xay thành một bát hổ lốn và nhét cho con ăn?
Cứ ngồi xúc tì tì một bát cháo xay thế này thì con học được gì? (ảnh minh họa)
Tôi phát ớn khi nghĩ đến những bát cháo bát bột của các bà mẹ Việt đang cho con ăn. Đủ loại tôm cua thịt cá rau này củ kia…hầm nhừ lên rồi ra sức xay đến mức không còn nhận ra cái gì với cái gì. Tôi dám chắc, nhiều mẹ đút cho con ăn nhưng bản thân lại không dám ăn bát cháo đấy. Sự nghèo nàn về các loại thức ăn khiến cho đứa trẻ bị hạn chế phát triển giác quan. Miệng chúng không được phép phân biệt cứng, mềm, giòn, dai, chúng không được phép gặm, liếm, mút,... Điều này đồng nghĩa với việc trải nghiệm phát triển bị giảm đi gần bằng 0, đứa trẻ hoàn toàn không nhận được gì trong quá trình ăn uống để phát triển nhận thức, tư duy, tối ưu não bộ mà chỉ đơn thuần ăn để duy trì thể trạng sinh lý của cơ thể.
Và trong suốt quá trình ăn ấy, đặc biệt là ở nhà, luôn có một người lớn phụ trách công đoạn "xúc" cho đứa trẻ và tất cả những gì các bé cần làm là dán mắt vào một cái TV và mở miệng ra, ăn miếng cháo, nuốt ực và thế là xong. Không niềm vui, không khám phá, không cảm nhận, tất cả những gì chúng nhận về cho cả quá trình phát triển não bộ kỳ diệu này chỉ là Ực, miếng cháo trôi tuột xuống họng, thậm chí trước cả khi đứa trẻ kịp nhận ra mình đang ăn cái gì.
Hậu quả là, có rất nhiều đứa trẻ đến 3 tuổi vẫn không biết nhai. Hậu quả là, đối với chúng, ăn là một cực hình chứ không phải là quá trình học hỏi. Hậu quả là, thay vì một khối lượng dữ liệu thông tin khổng lồ con có thể có được, thì chúng ta tước luôn khỏi trẻ cơ hội để kiến tạo não bộ và cơ hội để trở nên thông minh hơn, vui vẻ hơn.
Một nghiên cứu gần đây của trường đại học Nottingham cho thấy, những đứa trẻ ăn cháo xay nhuyễn thường sau này sẽ béo hơn những đứa trẻ được ăn thô ngay từ đầu. Nghe vậy chắc hẳn nhiều chị em “sướng” lắm. Vậy nhưng không phái. Ấy là do ta nông cạn thôi. Sự béo ở đây là béo xấu, là không tốt. Những đứa trẻ được cho tập ăn từng thứ rõ ràng sau này sẽ khỏe mạnh hơn và có chỉ số BMI (chỉ số chiều cao cân nặng theo chuẩn thế giới) chuẩn hơn.
Chính vì vậy, để con được phát triên tốt nhất, tôi lựa chọn cho con ăn thô ngay từ đầu theo phương pháp baby led weaning . Và đường nhiên, tôi cũng bỏ qua luôn cả chuyện ngồi xúc cho con. Trong bữa ăn, con trai tôi hoàn toàn được tự chủ: tự chọn đồ ăn mình muốn (dù đó là miếng cá mềm, miếng cơm nhão nắm hay miềng cà rốt nhừ…), tự chọn cách mình ăn (xúc thìa hay cầm bốc) và cũng tự quyết định khi nào thì dừng. Bữa ăn của con, không hề có sự áp lực, chỉ là sự khám phá và tận hưởng thức ăn.
Trẻ con học bằng cách thực hành, thí nghiệm và cảm nhận. Chúng có bản năng làm điều đó và với vai trò là mẹ, ta không thể, không nên và không có quyền ngăn cản con. Tôi cảm thấy những bà mẹ đang kiên trì cho con ăn theo kiểu Nhật, kiểu BLW hay đơn giản là cho con ăn thô đúng khoa học, đều rất đáng được ngợi khen chứ không phải là dè bỉu.
Theo chia sẻ của độc giả ở địa chỉ mail phamthu..........@.................