Nuôi con là bản năng nhưng dạy con thì cần phương pháp – đó là điều tôi luôn tâm niệm trong lòng. Tôi chỉ sinh duy nhất một cậu con trai, năm nay đã vào lớp 2. Con trai tôi rất học giỏi, lanh lợi nhưng điều làm tôi tự hào nhất, đó là ai cũng khen bé rất ngoan ngoãn. Dạy con là cả một nghệ thuật và tôi muốn muốn tâm sự với các bậc làm mẹ 5 phương pháp dạy con hiệu quả bất ngờ mà chính bản thân mình đã áp dụng với bé.
“Nói ít thôi”
Lỗi muôn thủa của các ông bố bà mẹ, đó là nói quá nhiều. Thuyết giáo con, giảng giải cho con, quát mắng con, căn vặn con…Tất cả nhưng điều này khiến trẻ “phát điên”. Hẳn lúc còn nhỏ, ai trong chúng ta cũng từng “ngán ngẩm” vì bố mẹ nói quá nhiều. Vì vậy, tôi không muốn lặp lại lỗi này. Tôi không mắng con quá 3 câu, không thuyết giáo con một vấn đề lặp đi lặp lại quá 3 lần và quan trọng hơn cả, là tôi lắng nghe con nói. Điều này khiến con tôi luôn cảm thấy bé được tôn trọng, được thấu hiểu và trên hết, con được tự nhận ra lỗi sai của mình.
“Chiều ít thôi”
Các bậc cha mẹ bây giờ chiều con quá rồi lại tự mình than thở “Trẻ con bây giờ sướng thật”. Quả đúng là toàn lỗi tự mình gây ra cho mình. Các nhà giáo dục đã chứng minh rằng, càng được chiều chuộng thì trẻ sẽ càng có thái độ không tốt. Và thêm vào đó, chiều con cũng không có nghĩa là yêu con.
Bản thân tôi, chỉ chăm con chứ không làm hết mọi việc cho bé. Tôi thà nghiêm khắc với con và sau đó sẽ khen ngợi, sẽ thưởng cho con về hành động của bé còn hơn là chiều chuộng và làm hết mọi việc cho con. Dọn giường, soạn sách vở, gấp quần áo hay đơn giản là bóc một quả quít để ăn. Tôi cũng muốn con tự làm.
Tôi thà nghiêm khắc với con và sau đó sẽ khen ngợi, sẽ thưởng cho con về hành động của bé còn hơn là chiều chuộng và làm hết mọi việc cho con. (ảnh minh họa)
Mỗi một hành động tốt đều cần được ghi nhận
Nếu cứ chê con mãi mà không nhận ra được điều tốt bé làm, trẻ sẽ cảm tưởng như cả cuộc đời này chỉ toàn nỗi “bất công”. Nhiều bậc cha mẹ dường như quá bận rộn mà quên không chú ý hoặc cho rằng việc làm tốt của con là “đương nhiên”. Ở nhà tôi thì không như thế. Ai làm điều gì tốt đều được ghi nhận. Như khi con trai tôi tự động lau bàn sau khi ăn cơm mà không cần mẹ nhắc, tôi sẽ khen con. Về phần con, bé cũng cần biết cám ơn bố khi bố đã sửa xong cho bé cái oto đồ chơi bị rụng bánh chứ không được cho đó là điều đương nhiên bố phải làm.
Mỗi một hành động tốt trong gia đình tôi đều được ghi nhận. Điều đó khiến con tôi hào hứng làm những việc tốt hơn vì chúng không hề trôi qua “vô ích”. Đó là cũng cách bé lớn lên và biết tìm điểm tốt trong mỗi con người bé gặp, tìm được điểm may mắn trong những xui xẻo bé vấp phải khi ra đời.
Đừng lao ngay vào giúp con khi bé gặp rắc rối
Công việc của các bậc cha mẹ chúng ta, đó là phải biết dạy con đường dài. Có thể việc bỏ mặc không chạy theo đưa cho con quyển vở bé quên sẽ khiến chúng ta day dứt, lo lắng vì có thể con sẽ bị mắng, bị điểm kém. Vậy nhưng nó lại dạy trẻ bài học lần sau về trách nhiệm. Có thể không chạy ra đỡ con khi bé vấp ngã, nhưng nó sẽ dạy con bài học về sự cẩn thận.
Đối với tôi, những nỗi đau “nhỏ nhỏ” sẽ để lại kinh nghiệm lâu dài. Tôi không ngại cho con “vấp ngã”.
Không ngại lỗi lầm
Chúng ta đang sống trong một thế giới lúc nào cũng hướng đến sự hoàn hảo: điểm cao nhất, nhiều tiền nhất, cân nặng chuẩn nhất, … Chính điều này khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi và áp lực. Một là bé sẽ không dám sáng tạo, không dám vượt ngoài qui củ chỉ vì muốn được an toàn. Hai là bé sẽ gian lận, sẽ dối trá để hướng đến sự hoàn hảo (trong việc học chẳng hạn).
Vì vậy, tôi không ngại các lỗi lầm. Tôi cũng thường làm sai và để con thấy mình sai. Nhưng quan trọng là, tôi cũng để bé thấy, tôi sửa sai như thế nào.