Tôi là một ông bố đơn thân của hai đứa con, một bé trai 7 tuổi và một bé gái 12 tuổi. Tôi lấy vợ khi còn khá trẻ và hai vợ chồng cũng xây dựng được một căn nhà khang trang và công việc buôn bán ở chợ tuy không được nhiều nhưng đủ kinh tế nuôi hai con ăn học và để dành được chút ít.
Mọi thứ tưởng chừng như êm xuôi, hạnh phúc thì cách đây hai năm, trong một lần đi lấy hàng ở chợ đầu mối về để bán, vợ chồng tôi gặp tai nạn. Lấy thân mình che chắn cho vợ nên tôi bị nặng hơn, bị gãy một bên chân khá nặng nên công việc làm ăn cũng vì thế mà dừng lại. Những đồng tiền vợ chồng tích góp được cũng vì thế mà mang ra chạy chữa mong sao cho tôi có thể đi lại bình thường được.
Khi của nả trong nhà đã hết, chỉ còn lại căn nhà, vợ tôi vì sợ cảnh nghèo khó nên đã bỏ nhà đi theo một người đàn ông khác. Nghe đâu họ đã ra nước ngoài sinh sống. Tôi cũng không quá buồn vì may sao cô ấy để lại cho tôi hai đứa con, hai đứa trẻ lại rất ngoan, thương bố nên cũng không bao giờ nhắc đến mẹ. Ngày ngày tôi nhận việc về nhà để làm thêm kiếm chút ít tiền trang trải cuộc sống, chăm lo cho hai bé đi học. Kinh tế tôi phải nhờ thêm từ anh chị em ruột thịt, chắt bóp cũng đủ sống.
Vợ bỏ đi, may mắn cô để lại cho tôi hai đứa con. Ảnh minh họa
Nếu như trước kia, việc nuôi và dạy hai con phần lớn là do vợ tôi quản thì nay tôi thấy hạnh phúc hơn khi mình đảm đương vì tôi thấy hiểu con mình hơn, bố con gần gũi, quấn quýt nhau hơn.
Thế nhưng dạo gần đây, tôi bắt đầu thấy con gái 12 tuổi của mình có nhiều biểu hiện khác thường nên tôi rất lo lắng. Con gái không cởi mở nói chuyện với bố như trước kia nữa mà lúc nào cũng lặng lẽ, đi học về là ăn uống, dọn dẹp rồi lại ngồi vào bàn học. Phong cách ăn mặc quần áo cũng khác, lúc nào cũng mặc áo phông rộng thùng thình như đàn ông vậy. Cứ ngỡ con có chuyện buồn gì ở trường lớp, tôi hỏi dò những bạn học của con thì các cháu nói ở lớp con gái tôi vẫn học hành bình thường, vui chơi với các bạn tự nhiên mà không có biểu hiện gì khác lạ cả. Lâu dần thấy con gái không còn được thân thiết với bố và em trai nữa, tôi nghĩ mình cần phải âm thầm tìm hiểu kĩ hơn.
Bình thường trước kia sau khi ăn uống dọn dẹp xong xuôi, cả 3 bố con sẽ lên giường cùng nhau kể chuyện ở trường ở lớp thế nào rồi ôm nhau ngủ một mạch tới sáng. Thế nhưng dạo gần đây con gái lại không làm vậy nữa. Con bé cũng lên giường nằm chung với bố và em trai như thế nhưng đêm nào cũng vậy, chờ bố và em trai đã ngủ say, con vác gối ra ghế ở phòng khách để nằm.
Có hôm tôi bật dậy để nói bé lên giường ngủ thì bé nghe, nhưng có lần bé nói nằm ghế thích hơn giường hoặc là nói giường chật nên muốn nằm riêng. Nhưng rõ ràng tôi thấy sự thật là không phải vậy, giường 2mx2m2, lúc nào cũng rộng rãi, thoải mái cho 3 bố con nằm, không thể nói là chật được.
Chính vì thế, nhân lúc con trai không ở nhà, tôi đã gọi con gái đến để nói chuyện cùng bé.
- Con nói cho bố biết đi, con đang có chuyện gì mà dạo gần đây bố thấy con khác lắm.
Con gái có nhiều biểu hiện khác thường khi 12 tuổi. Ảnh minh họa
Ban đầu con bé vẫn chối vòng quanh nhưng trước sự quan tâm và cầu thị thực sự muốn nghe của tôi, con bé trả lời:
- Con thấy giờ con lớn rồi, ngủ chung với bố và em không còn phù hợp nữa. Các bạn ở lớp con cũng thế, mẹ các bạn ấy đều cho các bạn ấy ngủ riêng phòng từ lâu rồi. Với cả con thấy... con thấy cơ thể mình có nhiều cái khác nên không muốn...
Con bé nói đến đây tôi mới vỡ lẽ, hóa ra làm bố đơn thân nuôi con đâu phải là chuyện dễ đâu. Nhất là trong nhà lại có con gái đang tuổi lớn thế mà tôi lại không nghĩ đến. Đứa trẻ dậy thì đã lớn thật rồi mà tôi lúc nào cũng nghĩ con còn trẻ con vậy. Thế mới thấy đúng là trong gia đình, bố và mẹ đều có tầm quan trọng như nhau vậy. Hôm sau tôi đã mua thêm một chiếc giường để kê. Vì điều kiện gia đình không có phòng riêng nên tôi kê thêm 1 chiếc giường ở một góc khác cho con, hy vọng việc làm này sẽ giúp con hiểu được tôi là một ông bố tâm lý.
Tâm sự từ độc giả vantoan...@gmail.com
Trên thực tế việc trẻ 12 tuổi còn ngủ chung giường với bố mẹ là điều không nên bởi việc tách giường cho con nên được thực hiện trước giai đoạn 6 tuổi. Khi trẻ đã bước vào giai đoạn dậy thì sẽ có nhiều thay đổi cả về cơ thể và tính cách, trẻ sẽ cảm thấy ngượng ngùng nếu bố mẹ vẫn còn nhiều biểu hiện thân mật như lúc nhỏ.
Trẻ ngủ với cha mẹ càng lâu thì ảnh hưởng của trẻ sau này càng lớn, sự phụ thuộc vào cha mẹ ngày càng nhiều. Một khi rời xa cha mẹ, trẻ sẽ không biết phải làm gì. Vì vậy, cha mẹ phải trau dồi cho con tính tự lập càng sớm càng tốt.
Trẻ ngủ giường riêng có lợi ích gì?
Giúp trẻ hình thành nhận thức về giới tính
Trẻ nhỏ đã bắt đầu hình thành ý thức về sự khác biệt giới tính khi các bé được khoảng 3 tuổi. Các nhà tâm lý học đã tìm ra rằng những đứa trẻ thường ngủ với cha mẹ sẽ có xu hướng mắc chứng "phức cảm Oedipus", là một thuật ngữ được Sigmund Freud sử dụng trong học thuyết các giai phát triển tâm lý tính dục.
Phức cảm này mô tả cảm giác khao khát của một đứa trẻ dành cho người cha mẹ khác giới của mình và cảm giác ghen tỵ, giận dữ với người cha mẹ cùng giới. Thậm chí, một số còn nghiêm trọng hơn, nhiều người phải ngủ với cha mẹ đến khi 20 tuổi.
Vì vậy, cha mẹ nên dạy cho trẻ hiểu khái niệm phân biệt và độc lập giữa nam và nữ càng sớm càng tốt, bằng cách tập cho con ngủ riêng.
Rèn luyện tính độc lập của trẻ
Ngay từ nhỏ, nếu cha mẹ sắm cho con một chiếc giường hoặc cho bé ngủ cũi riêng, con sẽ sớm hình thành sự tự giác, tính độc lập tự thân vận động. Trẻ không ỷ lại vào cha mẹ hay luôn mè nheo vòi vĩnh mà sớm trưởng thành.
Điều này cũng giúp trẻ không bị rơi vào cảm giác luôn cảm thấy thiếu an toàn khi thiếu vắng cha mẹ. Được ngủ riêng, con cũng sẽ ngủ ngon và sâu giấc hơn, điều này rất có lợi cho sự phát triển trí não và thể chất của bé.
Trong quá trình tập cho con ngủ riêng, sự động viên và hỗ trợ của cha mẹ là điều không thể thiếu.