Tôi năm nay 32 tuổi, là chủ của một cửa hàng hoa khá lớn trong thành phố, làm ăn cũng phát đạt. Diện mạo của tôi cũng khá ưa nhìn nên có nhiều chàng trai để mắt, cũng ngỏ lời tán tỉnh. Tuy nhiên áp lực cuộc hôn nhân đầu tan vỡ mới 2 năm cộng với việc không gặp khó khăn về kinh tế nên tôi chưa thể quên để tiến đến với một ai khác, muốn tận hưởng cuộc sống của riêng mình. Thế nhưng gần đây, bạn bè và người thân khi nghe thấy quyết định của tôi đều lắc đầu, trong khi tôi thấy đó là chuyện bình thường.
Chẳng là vào buổi tối hôm trước như thường lệ, chồng cũ đến nhà tôi chơi và ăn cơm tối tôi mới phát hiện ra nhiều điều bất cập mà bản thân mình dù có bằng cách nào cũng không bù đắp được. Theo đó giữa tôi và chồng cũ khi chia tay còn có 1 cậu con trai, hiện bé lên lớp 6, bé sống với tôi. Hàng ngày tôi đã cố gắng dành nhiều thời gian cho con, dành cho con những điều tốt đẹp nhất và đóng vai trò như một người mẹ nhưng cũng là một người bố cùng con làm nhiều việc. Thế nhưng dường như mọi bù đắp của tôi đều là không đủ.
Ảnh minh họa
Không chỉ buổi tối hôm đó mà nhiều lần khác nữa, có những việc tôi có thể giúp con nhưng đứa trẻ không hề nhờ đến mà cứ đợi khi bố sang nhà chơi thì mới mang ra hỏi bố.
- Bố ơi bố giải giúp con bài toán này với.
- Bố ơi bố lắp lại cho con bộ lego này.
- Bố ơi bố làm con ngựa cho con cưỡi đi đi.
- Hôm nào bố rảnh bố sang đây dạy con tập xe nhé.
... Là ti tỉ những lời thỉnh cầu của cậu con trai nói với chồng cũ của tôi. Tất cả những công việc đó tôi đều có thể thực hiện cùng con trai nhưng nó chưa bao giờ đưa ra yêu cầu đó với tôi cả nên tôi cũng không hề biết. Hay như bữa cơm tối ngày hôm đó, bình thường nếu chỉ có hai mẹ con thì không khí khá trầm, chỉ nói vài câu đơn giản với nhau nhưng khi có bố sang ăn tối cùng nhau, đứa trẻ trở nên nhanh nhẹn hoạt bát hơn cả.
- Bố ơi món này có ngon không?
- Bố có thích ăn gà rán như con không?
- Món ngon bố thích nhất là gì?
- Sao bố nấu ăn ngon thế này mà không ở chung để nấu ăn cho con?
- Con thích các bữa ăn đều được ăn chung với bố và mẹ?
Có những câu hỏi của con khiến tôi và chồng cũ nghẹn họng không biết trả lời làm sao.
Chúng tôi ly hôn trong hòa bình khi không còn trò chuyện, chia sẻ với nhau nữa. Trong lúc tức giận đã cùng nhau ra tòa giải quyết về mặt pháp lý, sau đó chồng cũ dọn ra ở riêng. Những lúc như thế chúng tôi chưa từng nghĩ cho cảm nhận của đứa trẻ mà chỉ làm theo cảm xúc cá nhân. Anh ly hôn tôi được 1 năm thì bắt đầu có bạn gái mới và hiện tại cũng chuẩn bị sắp kết hôn. Thế nhưng tôi không quan tâm đến điều đó vì tôi cảm nhận rằng con trai mình đang rất cần bố. Tôi ngỏ lời:
- Hay là anh dọn về đây sống một thời gian để đứa trẻ lớn dần hơn một chút, hiểu hơn một chút rồi mới chuyển đi.
Ảnh minh họa
Thấy tôi ngỏ ý như vậy anh cũng giật mình nhưng không nói gì cả.
Hôm sau anh nhắn tin lại:
- Anh và cô ấy sắp kết hôn, anh cũng không muốn cô ấy buồn. Nếu có thể, hãy để đứa trẻ có thể thường xuyên sang nhà anh chơi, hy vọng con sẽ hiểu.
Câu trả lời dứt khoát của anh khiến tôi tức nghẹn vì anh không hề nghĩ cho con một chút nào, đặt hạnh phúc mới của mình lên trên hàng đầu. Từ đó tôi đã cấm cửa anh không được đến nhà gặp con nữa.
Tâm sự từ độc giải viannn....
Các nghiên cứu cho thấy trẻ tiếp xúc thường xuyên với bố có xu hướng thông minh, tự tin và dễ thành công hơn, so với ông bà hay mẹ, nếu thường xuyên ở bên bố, trẻ sẽ có những lợi thế to lớn trong tương lai.
Trẻ có chỉ số IQ cao hơn
Nghiên cứu của Đại học Newcastle phát hiện ra rằng những người được ở cùng bố nhiều trong thời thơ ấu sẽ có chỉ số IQ cao hơn. Cụ thể, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu trên 11.000 người Anh ở độ tuổi 50, và kết quả cho thấy dù bố có giỏi hay không thì việc sống cùng con cũng sẽ giúp trẻ thông minh và thành công hơn trong tương lai.
Người đứng đầu cuộc nghiên cứu, tiến sĩ Daniel Nettle cho biết: "Dữ liệu cho thấy rằng việc bố và con có nhiều sự gắn kết với nhau từ thời thơ ấu sẽ giúp trẻ tạo ra lợi ích về mặt kỹ năng và khả năng phấn đấu cao khi trẻ trưởng thành".
Nghiên cứu từ Đại học Yale, Mỹ cũng cho thấy trẻ em được nuôi dưỡng bởi người bố có IQ cao vượt trội và có khả năng thành công hơn trong tương lai hơn.
Lý giải cho điều này là người mẹ thường muốn con cái nghe lời hơn, trong khi người bố lại muốn con mình có một tinh thần ham học hỏi, thích khám phá. Chẳng hạn như người bố sẽ không ngăn con mình tháo rời đồ chơi, thậm chí họ còn khuyến khích các con tháo lắp mọi thứ.
Trẻ can đảm, độc lập và tự tin hơn
Không chỉ có IQ cao hơn, những đứa trẻ được ở bên bố còn tự tin hơn rất nhiều. Thời gian trẻ ở bên bố càng nhiều, trẻ sẽ càng tự tin hơn khi lớn lên bởi sự quan tâm của bố giúp trẻ biết bản thân được đánh giá cao, từ đó càng tự tin hơn với mọi người.
Theo như một nghiên cứu vào năm 2006 của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ cho thấy: "Ngay từ khi được sinh ra, những đứa trẻ được bố quan tâm nhiều sẽ có được sự an toàn về tình cảm, tự tin khám phá môi trường xung quanh, trẻ sẽ có giao tiếp xã hội tốt hơn bạn bè. Đồng thời, những đứa trẻ này cũng ít gặp rắc rối ở nhà, trường học hay với hàng xóm".
Ông bà và mẹ thường có chiều hướng bảo bọc trẻ. Vì thấy các con còn nhỏ, nhìn thấy con đau hay chịu khó một chút lòng đã cảm thấy nhói đau, thấy các bé té ngã hay bị thương nhẹ cũng đã cuống cuồng lên, thậm chí khi trẻ phạm lỗi nhiều ông bà cũng cố gắng che giấu vì không muốn trẻ bị phạt.
Tuy nhiên, các ông bố lại khác, bản năng của một người bố thường hướng cho các con trải nghiệm. Khác với ông bà hay mẹ, các ông bố sẽ dạy con cách đứng lên sau khi té ngã hay sửa chữa lỗi lầm sau khi làm sai.
Thêm vào đó các ông bố cũng để con tự do phát triển và khuyến khích các con bước ra khỏi “vùng an toàn’ của mình, điều này sẽ giúp trẻ trở nên can đảm và không ngại khó khăn khi lớn lên.
Trẻ khỏe mạnh hơn
Một nghiên cứu mới nhất cho thấy rằng việc thiếu vắng người bố trong cuộc sống sẽ khiến trẻ tăng nguy cơ mắc các căn bệnh nguy hiểm sau này. Theo đó, 5.000 người trẻ tuổi không sống chung cùng bố đã bị tổn hại telomeres - những mảnh DNA quan trọng bảo vệ tế bào.
Những người không được gặp bố thường xuyên do bố mẹ ly hôn thì độ dài của telomeres giảm 14%. Trong khi đó, nếu người bố mất sẽ làm telomeres của con giảm 16%. Telomeres rút ngắn có sự liên hệ với việc lão hóa sớm và ung thư.
Dạy con những kiến thức bổ ích
Nhà tâm lý học Liu Xinyue cho biết: "Các ông bố hiểu biết và có kinh nghiệm giáo dục nhiều hơn. Khi con còn nhỏ, những ông bố sẽ dạy con bằng cách kể cho trẻ nghe về nhiều thứ khác nhau, văn hóa, lịch sử và triết học."
Bên cạnh đó, một số nghiên cứu cũng cho thấy thường xuyên tiếp xúc với bố cũng giúp trẻ nhỏ hình thành những ý thức về bản thân và giới tính.
Đối với các bá gái, khi tiếp xúc với bố trẻ sẽ sớm hiểu định nghĩa về một người đàn ông là như thế nào thông qua những biểu hiện của bố mình.
Trong khi đó với các bé trai, trẻ sẽ học hỏi từ bố mình cách duy trì một mái ấm gia đình là như thế nào, làm sao để giữ hôn nhân hạnh phúc. Do đó, những cậu bé thiếu tình thương của cha thường có tính cách khá yếu đuối và có phần "nữ tính" hơn.
Mặc dù người bố đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển về cả thể chất lẫn trí não của trẻ, tuy nhiên cũng không thể phủ nhận hoàn toàn vai trò chăm sóc và nuôi dạy con cái của mẹ hay ông, bà. Bởi mỗi thế hệ sẽ có những phương pháp giáo dục trẻ khác nhau và đều có những tác động tiêu cực lẫn tích cực.
Vậy nên, để trẻ có thể lớn lên và phát triển thật toàn diện, trẻ vẫn cần sự quan tâm và yêu thương từ tất cả các thành viên trong gia đình.