Trong những gia đình có từ 2 con trở lên, mối quan hệ giữa các con, anh chị em ruột trong nhà trở thành mối quan tâm hàng đầu của các ông bố bà mẹ. Dĩ nhiên đối với những bậc sinh thành, ai cũng sẽ vô cùng hạnh phúc khi nhìn thấy các con của mình hoà thuận, biết yêu thương và chăm sóc lẫn nhau.
Mới đây, một câu chuyện về hai cậu con trai được bà mẹ tên Bách Nhã (Trung Quốc) chia sẻ trên mạng xã hội đã nhận được sự quan tâm của nhiều bậc phụ huynh vì cực kỳ đáng yêu. Theo đó chị Bách Nhã cho biết, vợ chồng chị mới vừa đón cậu quý tử thứ hai cách đây không lâu, nhóc tỳ hiện tại gần 6 tháng tuổi tên là Tiểu Kiệt, còn con trai lớn 3 tuổi tên là Tiểu Long.
Ban đầu khi gia đình đón thêm thành viên mới, con trai lớn Tiểu Long không mấy vui vẻ vì ganh tỵ với em trai, cho rằng em trai sẽ giành mất bố mẹ của mình. Tuy nhiên khi cậu em dần khôn lớn, vợ chồng chị Bách Nhã cũng tạo mọi cơ hội để hai anh em tương tác, gần gũi nhau. Nhờ vậy mà anh trai Tiểu Long dần yêu quý và có mối quan hệ gắn kết với em trai sơ sinh hơn.
Thậm chí tình huống gần đây nhất giữa hai con mà chị Bách Nhã đã tận mắt chứng kiến, khiến chị vỡ oà cảm xúc vì hạnh phúc và tự hào. Cụ thể, trong khi xuống bếp chuẩn bị bữa cơm trưa, chị Bách Nhã đã nhờ cậu con trai lớn trông em trai đang thức nằm chơi trên giường ngủ trong phòng. Tiểu Long vui vẻ đồng ý.
Tuy nhiên, một lát sau chị Bách Nhã quay lại phòng để kiểm tra thì trông thấy một cảnh tượng vô cùng buồn cười và đáng yêu. Cậu con trai lớn không biết đã học lỏm mẹ từ bao giờ mà bắt chước cách dỗ em trai ngủ. Nhìn bộ dạng anh trai bế em sơ sinh trên tay lắc lư, hát hò mà bà mẹ "dở khóc dở cười".
Mặc dù đã cố gắng hết sức nhưng có vẻ cậu em vẫn còn rất tỉnh, mắt tròn xoe nở nụ cười nhìn ra phía cửa vì nghe tiếng mẹ đi vào. Trong khi đó thì cậu anh Tiểu Long đã khá buồn bực vì dỗ mãi mà em trai không chịu ngủ. Trông thấy hình ảnh này, chị Bách Nhã cảm thấy vừa buồn cười vừa thương.
Sau khi câu chuyện về 2 cậu con trai được chị Bách Nhã chia sẻ, nhiều bình luận của những bậc bố mẹ khác đã bày tỏ sự thích thú. Họ cũng bắt đầu kể về tình huống thường xuyên xảy ra ở nhà giữa các con. Dĩ nhiên trong đó sẽ có những tình huống "cười chảy nước mắt" giống như câu chuyện ở trên, nhưng cũng không ngoại trừ các trường hợp con cái xảy ra xung đột khiến các bậc bố mẹ phải đau đầu nhức óc giải quyết.
Việc yêu, ghét giữa anh em ruột là vấn đề rất tự nhiên và không hiếm gặp trong các gia đình có từ hai con trở lên. Tuy nhiên là bố mẹ thì hầu hết sẽ muốn các con hoà thuận, đùm bọc nhau, cùng nhau trưởng thành lành mạnh. Để làm được điều này, dĩ nhiên cách bố mẹ nuôi dạy, giáo dục con là cực kỳ quan trọng.
Vậy để các con có mối quan hệ gắn kết với nhau, bố mẹ cần tránh những lỗi phổ biến sau khiến các con dễ nảy sinh xung động, không hoà thuận?
Thiếu sự công bằng
Một trong những lỗi sai phổ biến là bố mẹ thiếu sự công bằng trong cách đối xử với các con. Điều này có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức, chẳng hạn như việc ưu ái một con hơn các con khác, phân biệt đối xử trong việc chia sẻ tài nguyên và quyền lợi, hay tập trung quá nhiều sự chú ý cho một con.
Khi các con cảm thấy không được đối xử công bằng, trẻ có thể dễ hình thành sự ghen tị, tranh chấp, thiếu lòng tin và tình yêu thương dành cho nhau.
Thiếu sự lắng nghe
Một lỗi sai khác là bố mẹ thiếu sự lắng nghe và chia sẻ ý kiến với các con. Bố mẹ có thể quá bận rộn hoặc cố tình không chú ý đến những suy nghĩ, cảm xúc của các con.
Khi các con không được lắng nghe và không có cơ hội tham gia vào quyết định gia đình, trẻ sẽ cảm thấy bị bỏ rơi và không được coi trọng. Điều này dẫn đến sự mất mát, thiếu đồng lòng và khả năng hòa thuận trong gia đình.
Hay so sánh giữa các con
So sánh giữa các con là một lỗi sai phổ biến mà bố mẹ nên tránh. Khi bố mẹ so sánh và đánh giá các con dựa trên thành tích, năng lực hoặc phẩm chất cá nhân, điều này có thể gây ra sự cạnh tranh và ghen tị.
Mỗi con có những đặc điểm và tiềm năng riêng, việc so sánh không chỉ tạo ra tính thiếu công bằng mà còn làm mất đi sự tự tin và lòng tự trọng của các con.
Thiếu sự công bằng trong quyết định
Khi bố mẹ đưa ra quyết định mà không coi trọng tới ý kiến và mong muốn của các con, các con có thể cảm thấy bất công, bị xem thường.
Tình huống này thường xảy ra trong các quyết định quan trọng như chuyển đến một trường học mới, tham gia các hoạt động ngoại khóa hay phân chia công việc, đồ dùng trong gia đình.
Bố mẹ nên có thời gian thảo luận, lắng nghe và thể hiện sự quan tâm đối với ý kiến cũng như mong muốn của các con trước khi đưa ra quyết định.
Thiếu sự gắn kết gia đình
Khi bố mẹ không tạo cơ hội để các con tham gia các hoạt động chung, dành thời gian chất lượng và giao tiếp tích cực với nhau thì sẽ rất dễ mất đi sự gắn kết và hoà thuận giữa các thành viên trong gia đình.
Bố mẹ quá bận rộn với công việc, áp lực của cuộc sống hàng ngày hay sự thiếu quan tâm đến việc xây dựng mối quan hệ gia đình là những nguyên nhân gây ra lỗi sai này.
Khi các thành viên trong gia đình không có thời gian chất lượng để tương tác, chia sẻ và tạo kỷ niệm chung, các con có thể cảm thấy xa lạ, không có sự kết nối với bố mẹ và với nhau. Điều này ảnh hưởng đến tinh thần đoàn kết và tình yêu thương trong gia đình.
Thiếu sự kiên nhẫn và thông cảm
Một lỗi sai khác là bố mẹ thiếu sự kiên nhẫn và thông cảm đối với các con trong quá trình nuôi dạy. Bố mẹ có thể có kỳ vọng quá cao hoặc không hiểu rõ giai đoạn phát triển, nhu cầu của từng con.
Khi các con gặp khó khăn, thất bại hoặc mắc lỗi, việc bố mẹ không có sự kiên nhẫn và không đặt mình vào vị trí của các con có thể làm mất đi lòng tin và sự tự tin của trẻ.
Đó là lý do mà tính kiên nhẫn và lòng cảm thông, thấu hiểu của bố mẹ rất cần thiết để giúp các con vượt qua khó khăn, học hỏi từ sai lầm và phát triển một cách lành mạnh.