Mấy năm trở lại đây kinh tế khó khăn, vợ chồng chúng tôi làm ăn không ra nên thiếu thốn đủ đường. Chúng tôi còn phải nuôi bố mẹ già và 2 con nhỏ, không còn lựa chọn nào khác, chồng tôi phải rời xa quê hương và quyết định sang nước ngoài xuất khẩu lao động để kiếm thêm thu nhập tốt hơn trang trải cho gia đình.
Tôi ở nhà vừa chăm các con, vừa bán hàng online nhưng bữa được bữa mất nên cũng không dư dả gì. Nhờ số tiền chồng làm lụm, cày cuốc vất vả bên xứ người gửi về mà tôi mới có đủ kinh tế để lo cho tụi nhỏ cuộc sống đầy đủ. Vợ chồng tôi kết hôn đến nay đã 12 năm, "lãi" được cô con gái 11 tuổi và một cậu con trai mới ở độ tuổi lên 5.
Dù các con còn nhỏ nhưng vợ chồng cũng cắn răng chịu cảnh gia đình chia cách, với hy vọng tương lai về sau cuộc sống sẽ được cải thiện tốt hơn. Từ lúc chồng đi đến nay, anh chưa từng về thăm gia đình vì muốn tiết kiệm chi phí. Cả nhà chúng tôi chỉ gặp nhau qua chiếc màn hình điện thoại vô cảm, nhiều lúc gọi điện nhìn nhau cho đỡ nhớ mà nước mắt trực trào không nói được câu nào.
Ảnh minh hoạ.
Hai đứa nhỏ nhà tôi thì cứ hỏi "bố khi nào về, tại sao bố đi lâu mà không về, bố không còn thương con nữa phải không mẹ"... Thậm chí cô con gái lớn còn giận dỗi bố nó, không thèm nhìn mặt hay nói chuyện với bố mỗi khi chồng tôi điện về nhà. So với cậu em nhỏ chưa biết gì thì con gái tôi dường như đã thực sự lớn hơn rất nhiều. Con bé ngày càng trở nên nhạy cảm, ít nói và dễ sinh nhiều tâm tư hơn. Tôi để ý thấy ở độ tuổi tiền dậy thì, con đã bắt đầu có những thay đổi mạnh mẽ trong tâm tính cách.
Sau 2 năm xa cách, cuối cùng chồng tôi cũng quyết định trở về đoàn tụ với vợ và các con. Ngày hôm đó có lẽ là ngày hạnh phúc nhất của cả gia đình. Tuy nhiên có một sự việc khiến tôi không ngờ đến là vào đêm đầu tiên đoàn tụ với vợ, chồng lại ngỏ lời muốn được ngủ phòng bên cạnh khiến tôi vô cùng hoang mang.
Ảnh minh hoạ.
Tôi khá giận dỗi vì nghĩ rằng chồng không nhớ nhung gì đến mình sau 2 năm dài đằng đẵng như thế. Dẫu vậy thì ngay sau khi có cuộc trò chuyện tâm sự với chồng, nghe anh nói rõ nguyên nhân tôi đã vỡ oà cảm xúc, ôm anh bật khóc nức nở.
Thì ra không phải anh ấy "xa mặt cách lòng", mà là vì muốn dỗ dành con gái tôi. Con bé vẫn còn giận bố vì bố đã bỏ đi xa 2 năm nay mà không một lần về thăm gia đình. Nó cho rằng bố không còn thương mình và em trai nữa. Từ trước đến nay mẹ vẫn luôn ở bên cạnh chăm sóc chúng nên chúng muốn được ngủ với mẹ, chỉ có mẹ mới mang lại cảm giác an toàn chở che, còn bố là người không đáng tin tưởng.
Ảnh minh hoạ.
Hiểu được vấn đề, tôi chạnh lòng lắm, tôi thương chồng và cũng thấu cảm được tâm trạng của con gái. Đây cũng là cô hội để tôi tâm sự, giải thích và nói rõ với con. Chính vì thế tôi đã đồng ý với chồng đêm đầu tiên sẽ để các con ngủ cùng với mình. Hy vọng vào ngày hôm sau, những gì tôi và con gái nói với nhau, đứa trẻ sẽ hiểu. Bởi tôi tin rằng, tận sâu bên trong con vẫn là đứa trẻ tình cảm, chỉ là con chưa biết cách biểu đạt nó và giải toả nó một cách phù hợp mà thôi!
Tâm sự từ độc giả minhthu...@gmail.com
Nhiều nghiên cứu tâm lý đã chỉ ra rằng, khi người bố không dành thời gian để ở bên con và tham gia vào quá trình nuôi dạy con, có thể dẫn đến những kết quả không tích cực, không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển và trưởng thành của trẻ mà còn tác động mạnh mẽ đến mối quan hệ gia đình.
Thứ nhất, sự vắng mặt của người bố sẽ khiến gia đình thiếu đi sự gắn kết, từ đó có thể làm suy yếu mối quan hệ gia đình. Con cái sẽ cảm thấy cô đơn và thiếu sự ủng hộ tinh thần từ phía người bố. Gia đình cũng có thể không có nhiều cơ hội để tạo ra những kỷ niệm và kết nối sâu sắc với nhau, khi người bố không tham gia đầy đủ vào cuộc sống hàng ngày.
Thứ hai, con có thể thiếu sự hướng dẫn và làm gương từ bố. Người bố đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn, truyền đạt giá trị, tính kỷ luật và sự mẫu mực cho con. Khi người bố đi xa hoặc không dành nhiều thời gian ở bên cạnh, trẻ sẽ khuyết đi những quyền lợi mà lẽ ra con cần được có như bao đứa trẻ khác. Điều này có thể ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách và phát triển tâm sinh lý của con.
Thứ ba, sự vắng mặt của người bố có thể ảnh hưởng đến việc phát triển tâm lý và xã hội của con. Sự hiện diện và tương tác của người bố thường xuyên có vai trò quan trọng trong việc phát triển các kỹ năng xã hội và xây dựng lòng tự tin của con. Tuy nhiên nếu trẻ không có sự đồng hành của bố, trẻ sẽ dễ gặp khó khăn để xây dựng mối quan hệ tốt với người khác, và thể hiện bản thân một cách tự tin.
Thứ tư, thiếu mô hình vai trò tích cực cũng là một hệ quả tiềm tàng. Người bố thường là một mô hình vai trò quan trọng cho con. Khi người bố không tham gia đầy đủ vào quá trình nuôi dạy, con có thể thiếu đi một mô hình tích cực để học hỏi và noi gương. Điều này sẽ ảnh hưởng đến quá trình hình thành giá trị và định hướng của con trong cuộc sống.
Cuối cùng, thiếu sự tham gia của người bố có thể tạo ra tác động lâu dài đến quá trình phát triển và trưởng thành của con. Những thiếu sót trong quá trình nuôi dạy và hỗ trợ đôi khi sẽ gây ra khó khăn cho cuộc sống của trẻ trong tương lai.
Tóm lại, sự vắng mặt của người bố trong quá trình nuôi dạy con cái có thể mang đến những hệ quả không mong muốn. Tuy nhiên, mỗi gia đình và hoàn cảnh là khác nhau, có thể có những người khác trong gia đình có thể đảm nhận thay vai trò của người bố để bù đắp cho trẻ. Điều quan trọng nhất là gia đình cần tạo ra một môi trường ủng hộ và yêu thương để con trẻ có thể tự tin phát triển tốt về sau.