Vợ tôi có một cô bạn, cả hai chơi thân từ thời đi học, đi làm rồi tới lúc lấy chồng lập gia đình vẫn chơi chung với nhau cũng được khoảng 10 năm. Thế nhưng tôi không hiểu cuộc sống, tính cách của hai người hoàn toàn khác nhau mà sao vẫn chơi được với nhau.
Chúng tôi lấy nhau, đã có 2 cháu, cháu gái lớn năm nay vào lớp 12 còn cháu trai nhỏ đang học lớp 9. Hiện cả 4 người đang sinh sống trong một căn chung cư 200 m2 với 4 phòng ngủ và mọi thứ tiện nghi đều rất thoải mái. Thế nhưng mọi thứ bắt đầu đảo lộn kể từ ngày cô bạn thân của vợ đến ở chung nhà.
Cô nàng này cũng có chút ngoại hình, nhan sắc, xưa kia cũng thuộc hàng hoa khôi của lớp đại học. Thế nhưng thay vì ổn định cuộc sống gia đình từ sớm rồi làm kiếm tiền nuôi con như vợ tôi, cô ấy lại thuộc tuýp người ưa sống hưởng thụ từ những tiền của đàn ông.
Ảnh minh họa
Cô ta cũng ăn chơi lắm, mãi cho đến năm 34 tuổi mới lấy chồng - một tay giám đốc cũng giàu có. Thế nhưng cuộc sống vợ chồng cũng chỉ kéo dài 2 năm vì cô ta nhất định không sinh con còn gia đình nhà chồng thì kiên quyết phải có cháu sớm. Vậy nên cô ta vùng vằng quyết định bỏ chồng vì nghĩ sẽ tìm được đầy mối ngon hơn. Trong khoảng thời gian hoàn tất các thủ tục ly hôn và chờ có tiền để mua nhà mới, thay vì đi ở thuê thì cô ta đến nhà tôi ở cùng cũng chỉ vì lời mời quá ư nhiệt tình của vợ tôi. Tôi có khuyên can vợ:
- Dù sao thì chuyện có thêm người ở trong gia đình mình cũng không phải là tốt mà bạn em cũng không phải không có tiền. Tốt nhất em nên khuyên bạn thuê lấy 1 căn nào đó mà ở tạm trước.
- Ôi nó chỉ ở mấy ngày không ảnh hưởng gì đâu anh, lúc này nó đang buồn em phải ở bên cạnh động viên, giúp nó vượt qua giai đoạn khó khăn này chứ. Anh thoải mái nhé, em hứa là nó cũng không ở lâu đâu.
Thế nhưng thực tế buồn bã chẳng thấy đâu, tôi thấy cô ta còn sung sướng khi ly hôn chồng sắp được khoản tiền to kếch xù mà lại càng được tự do ăn chơi không lo bị mẹ chồng soi xét. Từ ngày cô ta chuyển đến nhà tôi ở không những xáo trộn về mặt sinh hoạt mà vấn đề mà tôi lo nhất chính là hai đứa con đang tuổi lớn của tôi.
Cô ta suốt ngày rủ rê con gái lớn của tôi đi chơi, rồi đi mua sắm, quần quần áo áo xúng xính chẳng hợp lứa tuổi gì cả. Nói trước mặt có cô ấy thì không hay, tôi lựa lúc nói riêng với con gái mà cũng không dám làm gắt sợ nó bướng:
- Bố thấy con thân thiết với cô T. thì cũng tốt thôi nhưng không nên học đòi những thói xấu của cô ấy. Con đang tuổi lớn, con phải biết cái nào là tốt cho mình cái nào là không nên, những cái váy vóc ngắn cũn cỡn cô ấy cho con là bố không đồng ý cho con ăn mặc như thế đâu nhé. Rồi phấn son không được lạm dụng quá đà, con vẫn còn đang là học sinh đấy.
Ảnh minh họa
Thế nhưng con gái vâng dạ tưởng nó hiểu ra ai ngờ hôm thứ 5 tuần trước tôi còn phát hiện nó nghỉ học để đi lên bar với cô bạn thân đó của mẹ. Tôi tức giận mắng vợ một hồi nhưng rồi vợ cũng hứa sẽ chấn chỉnh lại con gái mà không có động thái gì dứt khoát với cô bạn thân kia.
Đỉnh điểm là mọi thứ còn liên lụy đến cậu con trai cũng đang tuổi dậy thì của tôi. Dạo này tôi cứ thấy thằng bé thậm thụt nhìn lén cô ta rồi kiếm cớ sang phòng cô chơi. Tôi phải tách ngay lập tức. Tôi chán vợ không để đâu cho hết khi vợ coi trọng bạn mà không quan tâm đến vấn đề giáo dục con cái dù tôi đã nhắc nhiều.
- Nếu em còn không nhanh chóng chuyển bạn em ra ngoài ở thì chẳng mấy chốc chính hai con của em sẽ bị ảnh hướng rất nhiều bởi thói quen sinh hoạt đi sớm về khuya, ăn chơi tơi bởi của cô ta đấy. Lúc đó em hối hận không kịp và cũng đừng trách anh là người khó tính. Nếu em không làm được thì để anh nói thẳng với cô ấy. Phụ nữ bỏ chồng chỉ dạy hư lũ trẻ chứ làm được gì mà em cho các con tiếp xúc dần.
- Vâng vâng em biết rồi, anh đừng nóng, cho em xin thời gian giải quyết nhé.
Thế nhưng tôi càng ngày càng không thể chịu đựng được. Đấy là còn chưa kể đến việc cô ta cũng làm chính tôi khó chịu khi sinh hoạt trong chính căn nhà của mình.
Tâm sự từ độc giả manhpham...@gmail.com
Thực tế, trẻ nhỏ bắt chước thói quen của người lớn rất nhanh. Đặc biệt với người lớn trong gia đình, thường xuyên tiếp xúc với trẻ chắc chắc sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển, suy nghĩ của các bé. Trẻ không nhận thức được đâu là hành vi tốt và hành vi xấu. Chúng đơn giản là thấy người lớn làm được thì đồng nghĩa với việc chúng cũng được phép làm. Đối với người lớn có thể nhận định rõ hành vi nào nên và không nên thì cần phần biệt và chỉ bảo cho trẻ.
Bố mẹ nên hạn chế hoặc ngăn cấm trực tiếp khi cần việc trẻ tiếp xúc thường xuyên với những người xấu, thường có thói quen xấu và dạy dỗ trẻ những điều xấu như hàng xóm, trẻ cùng khu phố.... Như thế tránh được tình trạng hình thành nề nếp xấu trong cuộc sống của con. Nếu người có thói quen xấu lại là người trong gia đình như cô dì chú bác...lúc này, bố mẹ nên giúp trẻ phân biệt những hành động, lời nói nào là nên học hỏi hay không nên bắt chước theo.
Bố mẹ cũng nên giải thích rõ ràng tác hại của những hành động, lời nói, thói quen xấu mà trẻ không nên làm theo. Chẳng hạn, nếu trẻ nói bậy, chửi thề sẽ trở thành người mất lịch sự, bị bạn bè xa lánh. Nếu trẻ mải mê yêu đương sẽ ảnh hưởng học tập. Nếu trẻ không biết giữ vệ sinh sẽ làm vi khuẩn chui vào cơ thể gây bệnh…
Cuối cùng, khi trẻ hình thành được thói quen tốt nào có thể khen ngợi con để trẻ cảm thấy thích thú. Ngược lại nếu trẻ có thói quen bắt chước nào xấu, hãy thẳng thắn giúp trẻ nhận ra điều đó là không nên. Những lần sau đó, con sẽ phân biệt được đâu là thói quen tốt - xấu để thực hiện.